Người dân Tây Nguyên thành kính và biết ơn nguồn cội

Ở các tỉnh Tây Nguyên, vào ngày Giỗ Tổ hàng năm, dù không có điều kiện về Phú Thọ dâng hương tại Đền Hùng nhưng người dân đều có những hoạt động thể hiện lòng thành kính dâng lên các Vua Hùng.

Tại tỉnh Kon Tum, thông lệ hàng năm Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương được người dân địa phương tổ chức trang trọng và thành kính tại hai điểm chính là Đình Lương Khế ở TP. Kon Tum và chùa Tháp Kỳ Quang, huyện Đắk Hà. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, người dân địa phương chuẩn bị và thực hiện chu đáo các lễ thức, như dâng hương hoa, phẩm vật bánh chưng, bánh giầy và tế lễ dân gian. Đình làng Lương Khế ở phường Thống Nhất, TP. Kon Tum, ngôi đình được xem là cổ nhất khu vực Tây nguyên và duy nhất tại Kon Tum có thờ vua Hùng ngay gian chánh điện, người dân đến tham gia tế lễ rất đông.

Người dân thực hiện nghi thức rước Linh vụ Vua Hùng tại Chùa Tháp Kỳ Quang, huyện Đắk Hà (Kon Tum)

Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 10km, đền thờ Vua Hùng ở Gia Lai được xây dựng trang nghiêm trong Khu văn hóa Tâm linh - Công viên Đồng Xanh. Cùng với đền thờ chính, phía trước có tượng 18 vị Vua hùng uy nghi đứng thành hai hàng, trên lối dẫn vào đền…

Khu tưởng niệm các Vua Hùng được tỉnh Gia Lai xây dựng đến nay đã hơn 20 năm. Tượng Quốc Tổ và 18 Vua Hùng tại đây từng lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Công trình mang ý nghĩa văn hóa tâm linh và hàng năm đều được đơn vị quản lý tổ chức chu đáo để Nhân dân các dân tộc Gia Lai đến dâng hương, dâng hoa, hướng về cội nguồn. Cùng với lễ chính cử hàng long trọng tại Đền thờ Vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh, các gia đình và nhiều tổ dân phố ở thành phố Pleiku cũng lập bàn thờ vọng, với đầy đủ hương hoa, lễ vật dâng cúng Quốc Tổ Vua Hùng.

Quần thể tượng Quốc Tổ và 18 Vua Hùng tại Gia Lai

Tại tỉnh Đắk Lắk, hàng năm Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Di tích quốc gia Đình Lạc Giao. Mọi người dân đều thành kính dâng hương tưởng niệm, làm lễ bái vọng Quốc Tổ Hùng Vương.

Chương trình Giỗ Tổ thường được tổ chức trang trọng với màn tấu chiêng Ê đê, khai trống, khai chiêng vào lễ. Đội tế nữ quan thực hiện nghi thức tế truyền thống, dâng lễ vật và hương hoa lên bàn thờ Vua Hùng; báo công và chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là hoạt động truyền thống được tỉnh Đắk Lắk tổ chức hàng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước, qua đó góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Đắk Lắk thường được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, TP. Buôn Ma Thuột

Tại Lâm Đồng, từ năm 2002, đền thờ Âu Lạc đã được xây dựng trên núi Phượng Hoàng, thuộc khu du lịch thác Prenn, phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đền thờ này được xây dựng mô phỏng khá toàn diện kiến trúc Đền Hùng tại Phú Thọ với thế “voi quỳ, hổ phục, long chầu”, trở thành địa điểm thu hút đông người dân và du khách. Đền thờ Âu Lạc được biết đến là công trình xây dựng để thờ cúng các vua Hùng có quy mô lớn nhất Tây Nguyên. Tổng thể khu đền có 3 hạng mục công trình chính là các đền Hạ, Trung và Thượng.

Hàng năm, vào ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân và du khách đến đền thờ Âu Lạc để thắp nhang tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, cũng là dịp để tham quan những kiến trúc độc đáo tại quần thể Đền Âu Lạc.

Đền thờ Âu Lạc đã được xây dựng trên núi Phượng Hoàng, thuộc khu du lịch thác Prenn, phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tại Đắk Nông, năm 2017, người dân Phú Thọ, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức đã đóng góp tiền của để dựng Đền thờ Vua Hùng theo phong cách cung đình cổ kính. Đền thờ Vua Hùng nằm trên ngọn đồi cao, bên cạnh tỉnh lộ 6 nên thuận tiện cho nhiều người dân về đây dâng hương. Người dân đến đây ngoài việc cầu mong bình an thì cũng để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Đền thờ Vua Hùng được người dân ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) hiến đất, đóng góp tiền của để xây dựng

Từ năm 2012, Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,
Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay cả nước có khoảng 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử gắn với thời đại Hùng Vương.

P.V

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nguoi-dan-tay-nguyen-thanh-kinh-va-biet-on-nguon-coi-208925.html