Người dân siết hầu bao, kinh tế đêm tại nhiều thành phố lớn 'gặp nguy'

Kinh tế khó khăn và chi phí sống tăng khiến việc chi tiêu của người dân bị thắt chặt đáng kể, và một trong những chi phí bị loại bỏ hàng đầu là cuộc sống giải trí về đêm. Trên khắp thế giới, từ London tới Hong Kong, các thành phố lớn nhộn nhịp đều đang cảm nhận rõ xu hướng này.

Nền kinh tế ban đêm của nhiều thành phố lớn gặp khó khăn sau đại dịch.

11h đêm trên một con phố ở London, nhiều hàng quán đã rục rịch đóng cửa. Một trong những quán rượu nổi tiếng nhất thành phố là The French House, cũng không phải ngoại lệ.

Lesley Lewis, chủ sở hữu của The French House trong 35 năm, cho biết cô muốn mở cửa muộn hơn, nhưng nhân viên của cô sẽ gặp khó khăn khi về nhà vì có rất ít lựa chọn phương tiện đi lại. Hơn nữa, những khách hàng quen của cô không còn uống rượu và chi tiền nhiều như trước nữa.

Cô Lewis với CNN: “Mọi người không có tiền”.

Không chỉ The French House, đây cũng là vấn đề đang xảy ra ở khắp các quán rượu, quán bar và câu lạc bộ đêm khác ở một số thành phố lớn nhất thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Đời sống đêm không còn nhộn nhịp

Theo Hiệp hội Công nghiệp Ban đêm (NTIA), kể từ tháng 3/2020, hơn 3.000 địa điểm tổ chức hoạt động ban đêm đã đóng cửa trên khắp thủ đô và vùng ngoại ô của nước Anh. Con số này tương đương với mức giảm 15% so với con số cơ sở hoạt động đêm trước đại dịch và là mức giảm mạnh nhất đối với bất kỳ khu vực nào trên đất nước ngoại trừ xứ Wales.

Michael Kill, giám đốc điều hành của cơ quan, cho biết chi phí hoạt động trung bình của các doanh nghiệp ban đêm đã tăng 30-40% trong thời gian từ năm 2020, mà lại có ít khách hàng hơn.

Ông Kill cho biết, khoảng 70% địa điểm đang thua lỗ hoặc “gần như không hòa vốn”, trong đó một số chủ doanh nghiệp quyết định “đóng cửa sớm vì họ không thể thấy được lợi ích của việc tiếp tục mở cửa”.

Nếu như trước đây, các quán bar, quán rượu "ăn nên làm ra" nhờ việc các nhân viên văn phòng mời nhau đi uống nước vào cuối ngày, thì giờ đây, người dân có xu hướng về nhà, hoặc làm việc tại nhà, khiến lượng khách giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, việc thiếu kết nối giao thông vào đêm khuya và lo ngại về tội phạm đang cản trở nhiều người đến thăm các câu lạc bộ. Giờ đây, thời gian chơi đêm đã bị cắt ngắn vì hầu như các tụ điểm đều đóng cửa vào khoảng nửa đêm.

“Không còn bận rộn và sôi động, không hối hả và nhộn nhịp như bạn mong đợi ở London”, ông Michael Kill chia sẻ.

Không chỉ các thành phố lớn nhất châu Âu mới xảy ra tình cảnh này.

Hong Kong cũng tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh về đêm đang cố gắng thích nghi với bối cảnh mới.

Becky Lam, đồng sở hữu Shady Acres, một quán bar ở quận Soho sầm uất của Hong Kong, cho biết đây là một "cuộc chiến" chậm chạp và khó khăn để thu hút khách quen quay lại quán bar sau giờ làm việc.

“Chúng tôi từng thấy những đêm trong tuần thực sự nhộn nhịp - tối thứ Hai, tối thứ Ba. Hong Kong được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ. Nhưng đó là điều xảy ra trước đại dịch".

Một con phố quán bar từng rất nhộn nhịp ở Hong Kong giờ đây thưa thớt khách.

Chi phí hoạt động tăng

Ngay sau đại dịch, công việc kinh doanh đang bùng nổ đối với Jeremy Joseph, chủ hộp đêm 45 tuổi Heaven nổi tiếng ở London, một địa điểm dành cho người LGBT. Nhưng đến tháng 1/2023, sau hơn một năm lạm phát tăng vọt, một phần do chi phí năng lượng tăng cao, ông Joseph nhận thấy các thành viên câu lạc bộ của mình đang chi tiêu ít hơn “đáng kể” cho đồ uống.

Ông nói: “Đó là khi hóa đơn của họ bắt đầu đến, hóa đơn tiền sưởi đầu tiên của mùa đông. Mọi người có thể nhận thấy sự thay đổi trong cuộc sống của họ.”

Joseph cho biết khách hàng của ông ngày càng có xu hướng “nạp trước” - uống rượu tại nhà trước khi ra ngoài - để tiết kiệm tiền.

"Trước đây, mọi người sẽ ra ngoài và đi chơi đêm ở quán bar, sau đó là câu lạc bộ, họ (bây giờ) đi đến siêu thị, mua rượu giá rẻ, mua trước và sau đó đến câu lạc bộ. Sự cạnh tranh của chúng tôi bây giờ là các siêu thị, không nhất thiết phải là các địa điểm khác”, ông Joseph chia sẻ.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của Joseph và Heaven đã tăng vọt. Chủ cho thuê địa điểm của Heaven đòi tăng tiền thuê nhà lên 240.000 bảng Anh/năm (303.000 USD), tăng 80.000 bảng Anh (101.000 USD) so với mức giá được áp dụng vào tháng 9.

“Điều này thật điên rồ” ông Joseph nói.

Cách đó 3 dặm về phía đông, trong một mặt sàn đủ lớn để chứa 1.600 người, chi phí tổ chức một trong những đêm câu lạc bộ nhạc techno, house hoặc trống và bass đã tăng gấp 3 lần kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Jack Henry, giám đốc điều hành hộp đêm E1, cho biết giá thuê hàng tháng của địa điểm này đã tăng 45% trong năm qua. Đồng thời, số tiền chi tiêu cho đồ uống của khách hàng giảm đáng kể, dẫn tới việc ông phải tăng giá các dịch vụ tổ chức sự kiện.

Xa hơn về phía đông, tại thủ đô Berlin của Đức, việc các hóa đơn năng lượng và chi phí tăng đều, đi kèm với việc chính phủ giảm bớt phần viện trợ được duy trì trong đại dịch cho các câu lạc bộ, đã khiến mùa hè năm 2023 trở thành một nỗi thất vọng “tàn khốc” đối với thành phố.

Đối với Lam, người sở hữu 7 địa điểm kinh doanh ban đêm tại Hong Kong, bao gồm một quán bar nhạc sống và cocktail, chi phí thuê cao và các vấn đề trong việc tìm kiếm nhân viên phù hợp đang khiến tình hình hoạt động trở nên tồi tệ, kéo dài những tác động xấu vẫn dai dẳng từ đại dịch.

Siết chặt kiểm soát

Sau hai năm đại dịch, thói quen của người dân cũng đã thay đổi đáng kể. Theo ông Jack Henry của E1, nhiều cư dân sống quanh những tụ điểm về đêm đã có gần 2 năm yên bình và tĩnh lặng, không có tiếng ồn.

Do đó, khi các câu lạc bộ hoạt động trở lại, họ phải đối mặt với những khiếu nại về ô nhiễm tiếng ồn từ những người hàng xóm.

Ông Henry cho rằng giờ đây, những lời phàn nàn của người dân có thể dẫn đến việc chính quyền địa phương buộc một địa điểm phải đóng cửa sớm hơn hoặc đóng cửa hoàn toàn. Điều đó khiến nhiều chủ sở hữu cảm thấy mình giống như một tội phạm thay vì một người đóng góp quan trọng cho văn hóa và kinh tế của thành phố.

Nỗ lực thúc đẩy nhưng chưa đáng kể

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết nước này đang hỗ trợ nền kinh tế ban đêm thông qua việc đóng băng thuế rượu và bằng cách gia hạn giảm 75% thuế tài sản cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn.

"Báo cáo kinh tế ban đêm" thường niên lần thứ ba của Hiệp hội Công nghiệp ban đêm (NTIA) Vương quốc Anh, thu thập dữ liệu từ năm 2022 và mới phát hành đầu tháng 3 vừa qua cho thấy mức tiêu dùng cho các dịch vụ ban đêm của người Anh năm 2022 là 136,5 tỷ bảng Anh, tăng so với mức 95,7 tỷ bảng Anh năm 2021 và mức 121,3 tỷ bảng Anh năm 2019, cho thấy người dân rất muốn hòa nhập với xã hội sau đại dịch.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng lưu ý, “lạm phát gia tăng lớn về cơ bản đã xóa sạch mọi khoản tăng doanh thu” và kết quả là nền kinh tế ban đêm “đã ở trong thời kỳ đình trệ tài chính”. Trên thực tế, nếu tính đến tác động của đại dịch và lạm phát, lĩnh vực kinh doanh này thực sự đã lỗ 95 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2022.

Báo cáo cho biết mặc dù có những dấu hiệu phục hồi bên ngoài của nền kinh tế ban đêm vào năm 2022, nhưng “xét về các nguyên tắc cơ bản cơ bản của nó - ví dụ như năng suất và lợi nhuận - thì đó là một lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn”.

Giám đốc điều hành NTIA Michael Kill nói rằng rõ ràng là nền kinh tế ban đêm đã “vượt qua những cơn bão bất ổn” và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy “nhu cầu gắn kết xã hội bị dồn nén”. Tuy nhiên, ông nói thêm, “những thách thức cơ bản vẫn tồn tại, đe dọa tính bền vững của ngành”.

Minh Ý

Theo CNN, NTIA

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nguoi-dan-siet-hau-bao-kinh-te-dem-tai-nhieu-thanh-pho-lon-gap-nguy-20180504224297321.htm