Người dân quê ngại nhâm nhi ngày Tết vì nỗi lo 'thổi cồn'

Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, câu chuyện CSGT tuần tra, 'thổi cồn' người lái xe uống rượu bia trở thành đề tài 'nóng ' được người dân nhiều nơi tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bàn tán.

Từ quán cà phê cóc, câu chuyện trên bàn mừng năm mới đến chuyện bên mâm cơm gia đình đều rôm rả việc CSGT "thổi cồn", từ kết quả đo của người vi phạm, số lượng bia người vi phạm đã uống đến mức phạt, thái độ khi làm việc với CSGT…

Trên bàn tiệc mừng năm mới của nhiều người không còn rượu, bia

Có người từng bị xử phạt cho rằng mình "lãnh biên bản oan" vì "mới uống có 1 lon, còn tỉnh rụi" mà chạy xe ra đầu đường mua nước đá đã bị phạt.

Với nhiều người dân địa phương, các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường là hình ảnh khá mới mẻ. Nhưng điều họ quan tâm hơn cả là mức phạt rất "rát" so với thu nhập bình quân của người lao động ở địa phương. Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với lỗi vi phạm điều khiển xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn là 2-3 triệu đồng.

Một chốt CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Bình Thuận

Như vậy, một người chỉ cần nhấp vài ngụm bia/rượu đủ để chỉ số đo nồng độ cồn trong khí thở có mức chênh lệch so với số 0 trên thiết bị đo của CSGT thì người điều khiển phương tiện phải đối mặt với mức phạt gần bằng 1 tháng lao động.

Câu chuyện càng được quan tâm hơn khi thời điểm hiện tại là Tết Nguyên đán. Nhiều buổi tiệc mừng năm mới xung quanh xóm làng bỗng vắng người bởi ai nấy đều bắt đầu "sợ" rượu, bia.

"Trong không khí ấm áp, sum vầy ngày Tết, người ta thường chúc nhau bằng chén rượu, ly bia nhưng Tết năm nay hạn chế vì sợ phạt. Vậy nên Tết cũng bớt vui hẳn. Mới hôm kia, ông Bảy vừa uống vài ly bia bên nhà ông Ân, ở bên kia đường quốc lộ, lấy xe máy chạy về nhà thì bị CSGT dừng xe, thổi cồn, bị lập biên bản phạt 4,5 triệu đồng. Rát rạt!" – ông Nguyễn Văn Thìn (ngụ xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình) kể.

Nghỉ Tết Nguyên đán cũng là dịp mà nhiều bạn trẻ sinh sống và làm việc xa quê hương lựa chọn để gặp gỡ, hội họp. Tuy nhiên, cũng theo ghi nhận những ngày gần đây nhiều nhà hàng, quán ăn ở địa phương đều chung cảnh ngóng khách.

Chị N. (chủ cơ sở kinh doanh nước đá tinh khiết tại thị trấn Chợ Lầu) cho biết người dân ngại uống bia, rượu, không ra hàng quán là nguyên nhân khiến cơ sở kinh doanh của chị cũng chung cảnh... ngóng khách.

"Nếu như năm ngoái, mỗi ngày bán được gần chục cây nước đá thì gần đây mỗi ngày chỉ bán được vài cây vì ai nấy đều... sợ nhậu" - chị N. nóit.

Theo chị Nguyễn Phương Anh, (ngụ thị trấn Chợ Lầu) hậu quả do uống rượu bia vô độ thì không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, rượu bia vẫn là thức uống khó có thể thay thế trong các cuộc lễ lạt, hiếu hỉ...

Thế nhưng, nếu như ở TP HCM, người đã uống rượu, bia có thể chọn đi xe ôm công nghệ về nhà, vừa tiết kiệm vừa không lo bị phạt thì ở những nơi chưa có loại dịch vụ này, về nhà sau ly bia là thách thức lớn. Taxi càng không phải là phương tiện đi lại phổ biến ở nông thôn.

Còn theo chị Đào Hương Nguyên (ngụ xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình), việc đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái xe, tăng mức phạt cao là cách siết "dân nhậu" hữu hiệu và hạn chế được nguy cơ tai nạn liên quan.

Theo chị Nguyên, bia rượu khiến nhiều người thiếu tỉnh táo là nguyên nhân gây ra sự bất hòa ẩu đả, nhiều khi dẫn đến án mạng. Cũng chính vì vi phạm nồng độ cồn trong cơ thể khi lái xe mà không ít người phóng nhanh vượt ẩu, xem thường luật lệ giao thông, kết cuộc là không vào bệnh viện cũng ra... nghĩa địa.

"Cũng từ ngày CSGT siết chặt đo nồng độ cồn, nhiều người có lý do "chính đáng" để từ chối rượu bia. Người làm vợ như tôi ở nhà cũng an tâm hơn khi biết chồng mình sẽ không say xỉn sau các bữa tiệc tùng, hiếu hỉ" - chị Nguyên bày tỏ.

Ý Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-dan-que-ngai-nham-nhi-ngay-tet-vi-noi-lo-thoi-con-196240213230021002.htm