Người đàn ông Singapore và niềm vui được bảo vệ trẻ em Việt

GD&TĐ -“Tôi có ba người con, các con của tôi đều ảnh hưởng rất lớn đến tôi”. Đó là tâm sự của người đàn ông đã gần 50 tuổi ở Singapore nhưng tất cả những nhiệt huyết của ông đều dành cho công việc và đặc biệt là những dự án về bảo vệ trẻ em trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam,...

Đó là ông Stefan Phang - Giám đốc khu vực CSR kiêm Giám đốc phát triển bền vững của Tập Đoàn Sealed Air (Mỹ).

Cả gia đình hướng đến cộng đồng xã hội

Stefan Phang và 3 người con của mình

Ông chia sẻ: “Con trai lớn nhất 22 tuổi, đang phục vụ trong quân đội. Cậu ấy sẽ sớm vào đại học theo ngành chính sách quốc tế. Mục tiêu của cậu ấy là làm việc trong một số cơ quan của liên hợp quốc như UNICEF hay UNHCR (Cao ủy liên hợp quốc về người tị nạn) trong tương lai. Con trai thứ hai của tôi 17 tuổi, trong đội tuyển cầu lông quốc gia Singapore. Cháu gái thứ ba cũng là một vận động viên cầu lông. Cả hai vận động viên cầu lông này đều dành thời gian cho các hoạt động từ thiện và thăm các cộng đồng cần sự giúp đỡ…”

Dường như, cả gia đình ông đều ảnh hưởng đến nhau và tất cả đều hướng đến cộng đồng xã hội. Stefan Phang là cái tên được nhắc đến nhiều ở Việt Nam hiện nay, nhất là sức ảnh hưởng của ông tới giới trẻ.

Ông giúp đỡ đặc biệt cho các cộng đồng nghèo tạo ra các chương trình sinh kế bền vững như là một cách để giúp họ thoát nghèo.

Hiện tại, ông đang điều hành hơn 150 dự án tại hơn 30 quốc gia, chủ yếu là các dự án vào bảo vệ trẻ em, chống buôn bán người, các chương trình sinh kế, cứu trợ và phục hồi sau thảm họa.

Stefan Phang vốn là một nhà bảo vệ trẻ em thuộc mạng lưới bảo vệ trẻ em quốc tế tại Châu Á, Trung đông và châu Phi. Năm 2014, ông được trao huân chương của vương quốc Anh cho những đóng góp xuất sắc trong việc làm việc với các đối tác nhằm giải quyết các nhu cầu của nạn nhân buôn bán người, đưa những người phạm tội ra trước công lý.

“Bảo vệ trẻ em là điều tôi tự hào nhất trong sự nghiệp của mình”. – Ông Stefan Phang luôn tự hào.

Nhân rộng những việc làm nhân văn

Khi đến với Việt Nam, công việc của Stefan Phang liên quan tới vận động gây quỹ để mua mũ bảo hiểm cho trẻ em, những đứa trẻ tới trường với cha mẹ trên xe gắn máy. Chương trình đó đã cứu sống 79 trẻ em khỏi một vài chấn thương vùng đầu trong 7 năm.

“Tôi đã yêu Việt Nam và con người nơi đây. Do đó, tôi tìm cách để giúp Việt Nam. Vì vậy mà khi khởi động chương trình Soap for Hope – Xà phòng Hi vọng và Linens for Life – Vải cho cuộc sống, thật sự tự nhiên và dễ dàng cho tôi với sự giúp đỡ của người dân Việt Nam” – Stefan Phang cho biết.

Xà phòng hi vọng là một chu trình đơn giản và không đòi hỏi phải dùng với điện hay bất cứ một loại năng lượng nào.

Khi xà phòng đã qua sử dụng, họ vận chuyển đến các cộng đồng và dạy cho người dân địa phương cách tái chế xử lý xà phòng bằng một sáng kiến ép lạnh với thiết bị đơn giản nhưng độc đáo. Toàn bộ quá trình này mất chưa đầy 5 phút và một bánh xà phòng tái chế đã được tạo ra.

Chúng được phân phát tới các cộng đồng chưa được hoặc hạn chế tiếp cận với xà phòng trong vệ sinh. Thông qua quá trình này, người dân địa phương có thể học các kĩ năng và giúp tạo ra một phần sinh kế từ việc tái chế xà phòng, và do đó các cộng động có xà phòng miễn phí để sử dụng. “Chúng tôi cung cấp toàn bộ các thiết bị liên quan đến ép xà phòng, chi phí giúp vận chuyển và hướng dẫn người dân làm xà phòng cho các tổ chức tại địa phương thực hiện hoạt động” – ông Stefan Phang nói.

Trong chương trình “Vải cho cuộc sống”, sử dụng vải đã qua sử dụng được thu thập từ các khách sạn, vận chuyển cho các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để tái chế. Các loại vải này sẽ được tái sử dụng theo hai cách. Cách thứ nhất, họ giúp khắc phục hoặc giảm nhẹ hậu quả của thiên tai bằng cách tạo ra các đồ dùng thiết yếu. Cách thứ hai, người dân có thể kiếm được một số tiền nhỏ từ việc bán sản phẩm được tạo ra từ những đồ vải này.

Sau 2 năm triển khai tại Việt Nam, hàng trăm ngàn bánh xà phòng đã được tạo ra, cung cấp miễn phí cho trẻ em và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Việt Nam và hàng ngàn lượt tình nguyện viên đã tham gia chương trình. Chương trình đồ vải cũng bắt đầu được triển khai, cung cấp các đồ dùng thiết yếu bằng vải cho trạm y tế các xã vùng biên thuộc Yên Châu, Sơn La, bệnh viện Sản Nhi tại Yên Bái, huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của Khánh Hòa, huyện Vĩnh Sơn và Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định, mái ấm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại HCM..

Stefan Phang luôn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người tiếp xúc với ông bởi cách làm việc chuyên nghiệp nhưng rất thân thiện và sự nhiệt huyết của mình với cộng đồng. Tất cả những dự án ông làm ở Việt Nam đều với mong muốn được giúp đỡ những người khó khăn, và đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/nguoi-dan-ong-singapore-va-niem-vui-duoc-bao-ve-tre-em-viet-3591641-v.html