Người đàn ông ở Bắc Ninh đam mê làm nghề không lo thất nghiệp, hiếm có ai theo

Theo chia sẻ của anh Thạo, làm nghề này không bao giờ sợ 'thất nghiệp' vì hiện tại trên cả nước những người làm nghề khắc mộc bản chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để lưu giữ văn hóa và truyền bá tri thức, từ nhiều thế kỷ trước, người Việt đã dùng mộc bản để in từng trang sách. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nghề khắc mộc bản trở nên xa lạ với nhiều người.

Trong số những người còn ‘nặng lòng’ với mộc bản, anh Nguyễn Văn Thạo (SN 1974, ở xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), là một kỳ nhân của cái nghề đòi hỏi nhiều kỹ thuật tinh tế này.

Một bản kinh Phật do anh Thạo khắc trên gỗ thị

Một buổi chiều mưa những ngày giữa tháng 3, chúng tôi vào nhà anh Thạo khi anh đang cặm cụi khắc từng chữ lên trên mặt gỗ, bên cạnh là những dụng cụ nghề mộc.

Những mũi dao, mũi đục bé xíu, được anh cẩn thận, khéo léo 'chuyển thể' trang kinh chữ Hán từ bản in trên giấy thành bản được khắc trên gỗ.

“Làm mộc bản đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ chọn gỗ đến khắc chữ, hòa mực, lăn mực đến in trên giấy để được bản in đẹp, sinh động nhất. Gỗ được chọn phải mềm, chủ yếu tôi dùng gỗ cây thị. Gỗ lấy về phải đưa qua nhiều công đoạn như xẻ, phơi cho tới khi đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên”, anh Thạo chia sẻ.

Để tạo ra một tấm mộc bản thì cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết

Nhẹ nhàng, miệt mài trên tấm ván gỗ thị có chiều dài khoảng 60cm, rộng 40cm đã dán úp một tờ kinh trên giấy dó lụa. Tấm giấy dó lụa mỏng tang, được bôi một lớp dầu thực vật khiến các chữ Hán cổ hiện lên khá rõ, nhưng là những chữ in ngược. Anh Thạo cầm chiếc đục trên tay, từ từ đi những nét uốn lượn.

Mỗi chữ có kích thước chỉ vỏn vẹn khoảng 1cm, mà có hàng chục nét ngang dọc, đòi hỏi người làm phải hết sức bình tĩnh.

“Khó nhất là những nét móc, vì có cả chục kiểu móc khác nhau, phải làm sao lột tả đúng được những đường nét khi đuôi chữ hất lên, khi mềm mại, khi rắn rỏi”, anh Thạo cho biết.

Sau mỗi con chữ, anh Thạo đều ngồi ngắm lại những đường nét trên mặt gỗ, những chữ được anh Thạo tạo ra uyển chuyển, không khác gì người viết bằng bút lông.

“Nếu khắc chuông, khắc bia đá, người ta khắc âm bản, các nét chữ tạo thành do người ta đục vào thân chuông, thân bia. Tuy nhiên đối với khắc mộc bản, các nét chữ tạo thành bằng cách đục hết phần còn trống trên ván gỗ, chỉ để lại phần nét, tạo thành bản khắc nổi, gọi là khắc dương bản. Sau này, phủ mực lên, úp tờ giấy dó vào là sẽ in được một bản kinh”, anh Thạo cho hay.

Khắc mộc bản đòi hỏi sự kỳ công hơn, dành nhiều tâm huyết hơn chạm khắc gỗ mỹ nghệ

Theo anh Thạo, khắc chữ Hán là khó nhất trong mộc bản. Mỗi ngày chỉ khắc được khoảng 25 chữ. Chính vì thế khi khắc một cuốn sách, hay một cuốn kinh phải mất cả tháng hoặc cả năm trời.

Anh Thạo chia sẻ, nghề mộc bản không phải là nghề gia truyền, nhưng anh lại đam mê với nghề đục, chạm khắc từ nhỏ.

“Nhà tôi ngay gần chùa Bút Tháp - một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc cổ truyền, tôi hay ra đó xem và bị ‘hút hồn’ bởi những nét đục chạm của thế hệ trước để lại. Chính vì thế tôi ‘khởi nghiệp’ bằng nghề khắc gỗ”, anh Thạo nhớ lại.

Anh Thạo chia sẻ, bố anh công tác trong ngành văn hóa, anh được gia đình hướng cho đi học và làm công việc Nhà nước, nhưng anh không đồng ý vì đam mê của mình là nghề mộc. “Tôi thấy nghề mộc bản bị mai một, chính vì thế tôi rất tâm huyết với công việc”, anh Thạo nói.

Theo chia sẻ của anh Thạo, làm nghề này không bao giờ sợ ‘thất nghiệp’ vì hiện tại trên cả nước những người làm nghề khắc mộc bản chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Ở Bắc Ninh, chỉ có duy nhất tôi làm nghề này, mỗi năm tôi đều nhận được việc khắc kinh từ các chùa, làm từ năm này sang năm khác chưa bao giờ hết việc”, anh Thạo chia sẻ.

Anh Thạo là người duy nhất ở Bắc Ninh giữ nghề mộc bản

Để có thành quả như ngày hôm nay, anh Thạo cũng phải mất gần 10 năm miệt mài học hỏi.

“Nghề khắc mộc bản không có nhiều thu nhập, nhưng lại giúp con người ta tĩnh tâm. Tính ra, khắc mộc bản kinh Phật mang về cho tôi khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Dù thu nhập không nhiều, nhưng tôi vẫn chuyên tâm với nghề khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại”, anh Thạo nói.

Những chi tiết trong bức mộc bản của anh Thạo

Theo anh Thạo, hiện tại có rất nhiều người giới thiệu, nên có cả khách nước ngoài tìm đến và nhờ khắc. Tuy nhiên, anh nhiều khi phải từ chối vì làm không nổi.

Hiện nay, anh Thạo đang truyền nghề cho 2 người cháu gần nhà vì cũng có đam mê khắc mộc bản, với mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn và tiếp nối những giá trị của ông cha.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ong-o-bac-ninh-theo-duoi-dam-me-lam-nghe-khong-bao-gio-so-that-nghiep-2261886.html