Người đàn ông mê bấm huyệt

(ANTĐ) - “Phải gọi tớ thế này mới đúng, ví von thôi nhưng tớ thấy mình như cái anh nông dân làm ra máy bay đấy. Cả đời tớ đam mê mỗi hai việc thôi, đó là bấm huyệt và văn học. Tớ sung sướng bao nhiêu khi chứng kiến người bệnh hết đau thì càng khoái khi đem được những tình cảm của mình vào mớ lý thuyết khô cứng khi viết sách. Nghe có vẻ buồn cười nhỉ?” - Khá cởi mở, lương y Trần Ngọc Trường mở đầu câu chuyện ngoài sức tưởng tượng của cuộc đời mình bằng giọng điệu hóm hỉnh như thế…

Ngồi đây, trong căn nhà ông, trò chuyện vui vẻ cùng ông, vừa mới mấy chục phút trôi qua thôi sao mà ông khác với cái vẻ cặm cụi nom phần khó tính lúc ban đầu khi gặp ông đang chữa bệnh đến thế. Năm mới chẳng muốn bàn chuyện năm cũ, nhưng có lẽ từ lâu lắm rồi người ta biết đến ông - lương y Trần Ngọc Trường là một người “mát tay”, có biệt tài nhanh chóng làm mất cơn đau trả lại vị trí cân bằng vốn có của cơ thể cho hàng trăm người bệnh mà không phải dùng thuốc hay phẫu thuật bằng dao kéo. Chuyện là, bắt đầu từ lời nhận định trên báo giới của GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Cơ xương khớp Việt Nam thì, những trường hợp bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm do bê vác nặng sai tư thế không phải là hiếm. Không chỉ bê vác nặng, mà nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hóa khớp, trật khớp… Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20-55 tuổi. Theo thời gian, con số người bệnh còn tăng lên nhiều vì một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ sinh hoạt trong cuộc sống. Và theo rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo, và điều trị triệt để căn bệnh này là không hề dễ dàng. Thế mà ở Việt Nam, lương y Trần Ngọc Trường đã dám “tuyên chiến” với căn bệnh này bằng phương pháp điều trị rất giản đơn là… bấm huyệt. Tìm những cuốn sách y khoa đọc lại, hay đơn giản lên mạng “sớt” thông tin, kết quả cho thấy căn bệnh thoát vị đĩa đệm (đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng) là một chứng thường gặp trong các bệnh lý vùng cột sống. Chỉ một sang chấn nhẹ (hắt hơi, cúi xuống, đứng bật lên, xoay người đột ngột không đúng cách, hay mang, vác, với, kéo, xách một vật...) người bệnh bỗng thấy đau sốc ở lưng chạy dọc xuống chân, bàn chân. Cơn đau ngày một tăng khi cử động khiến người bệnh thậm chí không dám ho và phải nằm một chỗ. Từ trước đến giờ để hóa giải những cơn đau đó, y học mới chỉ dừng lại ở việc dùng thuốc kéo dài hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên phần lớn người bệnh không mấy chuyển biến, hay bị tái phát, cột sống biến dạng (gù, vẹo, quá ưỡn ra phía trước), thậm chí liệt vĩnh viễn. Lương y Trần Ngọc Trường cho biết: “Nguyên nhân chính của căn bệnh này là do đĩa đệm và khớp liên mấu vùng bản lề cột sống chịu một áp lực quá tải không lường trước, gây ra sự chuyển dịch nhân nhầy đĩa đệm, kích thích lên dây chằng dọc sau, hoặc làm căng dây chằng bao khớp liên mấu quá mức khiến người bệnh đau dữ dội vùng cột sống thắt lưng. Nguyên tắc chữa chứng này là phải lấy lại cân bằng sinh lý biên độ khớp tại vùng có sự chuyển dịch khối lượng nhân nhầy trong đĩa đệm cho người bệnh”… Thú thật, tôi là một kẻ ngoại đạo với cái nghề của ông, với căn bệnh mà ông đã nhiều năm nghiên cứu, chữa trị cho người bệnh, tôi nghe vậy mà gật gù, thuật ngữ chuyên môn thì nhiều vô kể, cũng may là đã dạm trước đôi lời với ông rằng xin mạn phép cắt ngang lời ông để hỏi những chỗ không hiểu, để ông lý giải sâu thêm. Cho đến khi thốt nhiên tôi buột miệng hỏi ông “Thưa Giáo sư...” - Thoáng ngạc nhiên, ông lại trở lại phong cách nói chuyện quen thuộc khoe ngay: “Cậu nằm trong số ít những người gọi tớ là Giáo sư đấy nhé! Còn trước đó là mấy ông người Mỹ đã từng gọi tớ thế rồi, cũng thích lắm nhưng nghe mà ngượng đến chín người vì lần ấy gọi tớ như thế ngay trước mặt mấy thủ trưởng mới chết”. (Cười) Dịp ấy là cuối năm 1999, chuyện là có một phái đoàn Y tế của Mỹ sang tham quan, tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt chữa các bệnh vùng cột sống của ta. Ban đầu họ có thái độ rất trịnh thượng, dường như chẳng mấy tin vào cái phương pháp chữa bệnh vốn xa lạ với văn minh phương Tây này. Cũng chẳng trách họ được, nhưng biết ý khách là vậy, tôi đã nhã nhặn mời một vị to béo đang mắc phải chứng bệnh này lên thực hiện điều trị. Chỉ sau mươi phút thực hiện các thao tác, vị khách Mỹ này đã chuyển hẳn thái độ. Sau lời nhận xét của vị bệnh nhân bất đắc dĩ, cả phái đoàn vỗ tay trân trọng, họ kính cẩn chào tôi là “Giáo sư” và tới tấp đưa các-vi-dít. Lúc đấy tôi ngượng chín người, cũng may mà đúng lúc đấy ánh đèn flash của máy ảnh chớp lia lịa, quay phim tới tấp nên không mấy ai để ý đến cái “chức danh” người ta tự phong cho tôi” - Nhân câu chuyện của vị bệnh nhân bất đắc dĩ người Mỹ, chúng ta quay lại với các bệnh nhân khác của ông chứ nhỉ? - “Nhiều lắm cơ, kể ra không hết, nhưng tôi vẫn nhớ ông Dương Trường Xuân, ở Tập thể Vật liệu điện, Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội bị thoát vị đĩa đệm từ năm 1996. Nhiều năm chữa trị khắp nơi nhưng bệnh vẫn không giảm, toàn thân ông Xuân bị lệch vẹo, chân trái teo 30% không đi lại được, ăn uống rất khó. Nhiều nơi đã chỉ định mổ cho ông. Chắc có ai mách, ông Xuân tìm đến tôi. Ngay buổi đầu day, bấm huyệt, các cơn đau đã thấy giảm, đêm ông Xuân đã có thể ngủ ngon. Bấm huyệt thêm vài buổi tiếp theo, bệnh giảm 50%, ông Xuân bắt đầu đi lại được. Nhớ lắm, ông Xuân kiên trì lắm, tôi đã chữa cho ông Xuân 72 ngày thì bệnh đã hết đau và có thể trở lại làm việc bình thường trước sự ngạc nhiên và vui mừng của người nhà”... Trong cuốn sách xoa bóp bấm huyệt chữa các bệnh vùng cột sống có vẽ hình bàn tay trong tư thế bấm huyệt đang được coi là chuẩn mực về chuyên môn này hiện nay ở Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Trường đã rất hào hứng khi kể lại: “Đó là chính tay tớ vẽ đấy nhé, tớ không phải họa sỹ nên cứ phải vẽ đi vẽ lại trên giấy nháp sao cho thật ưng ý mới thôi”. Rồi chẳng dấu diếm, ông cho xem ngay bàn tay khác thường có 2 ngón cái to bè: “Không phải tớ khác người như người ta vẫn bảo đâu nhé! Tại tay tớ bấm nhiều quá nên cậu thấy nó đã chai hết còn gì”. Chính cái ngón cái cá biệt đó lại là câu chuyện dài về đời ông. Có một dạo người ta phàn nàn cho ông là… “tinh tướng” nên không cho bấm nữa. Nhưng cái máu đam mê khoa học cứ làm ông trăn trở mãi. Những năm khốn khó ấy tài liệu quý như vàng, 1 chỉ vàng còn mua được hơn chục mét vuông đất nhưng cũng chỉ đổi được vài cuốn sách chuyên nghành, ông giấu vợ có bao nhiêu tiền mua tất thảy sách vác về nhà, và liền bị mang cái tiếng là gàn dở. Có một chuyện hẳn không nhiều người biết, lương y Trần Ngọc Trường có một người anh là Giáo sư hàng đầu về bệnh xương. Đáng lý ra với lợi thế như thế ông phải đi theo con đường chính ngạch, hoặc chí ít ông phải nổi tiếng từ lâu rồi mới phải. Đằng này đằng đẵng suốt mấy chục năm trời chỉ làm anh kỹ thuật viên quèn về bấm huyệt, rồi cả đời phấn đấu mãi mới được cái danh… lương y để có thể ung dung hành nghề. Nhưng chính vì cái long đong về đường công danh đấy mới khiến ông toàn tâm, toàn ý nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Mấy chục năm làm kỹ thuật viên dạy cho ông Trường nhiều điều, chứng kiến cảnh người bệnh điều trị bằng phương pháp thông thường đau đớn đến cùng cực ông mới cả gan tìm cách đột phá. Việc này chẳng khác gì cái việc mà người ta vẫn bảo đốt đuốc đi trong đêm, chính vì thế ông luôn bị chỉ trích là tinh tướng, lắm điều thậm chí có những lúc người ta còn xoay sang bắt ông làm công việc bàn giấy. Những lúc như thế ngoài việc nghiên cứu, nhà khoa học “chân đất” này lại xoay sở sang viết báo. Ông viết khá nhiều bài thú vị về cái công trình tự mình mày mò ra đó và đăng rất đều đặn trên các báo. Cho đến một ngày, nghe tin một nhà xuất bản ở Đà Nẵng đang có tâm làm một cuốn sách như một tủ thuốc gia đình ông quyết định gửi gắm tâm huyết đó của mình đến tham gia. Thành công ngoài sức tưởng tượng, ông Giám đốc NXB lập tức gọi điện ngay cho ông và đích thân đem công trình nghiên cứu đó đến NXB Y học. Thế là cuốn sách đầu tiên ra đời, lại đúng vào sinh nhật 46 tuổi của ông, kể từ đó ông lại có thể ngẩng mặt với bạn bè đồng nghiệp và tự hào với công trình khoa học vị nhân sinh cao cả của đời mình. Thế là, sau bao năm, qua bao nhiêu miệt mài khổ luyện, lương y Trần Ngọc Trường đã tìm ra phương pháp chữa bệnh kỳ tài vượt ra ngoài khuôn khổ y học từ trước đến giờ. Sau khi khám xác định, loại trừ các thương tổn ngoại khoa, quan sát kỹ thực trạng đau cũng như độ cong cột sống và thời gian mắc bệnh từng người, ông Trường mới tiến hành các thủ pháp bấm huyệt có một không hai và các phương pháp điều trị thích hợp nhanh chóng hóa giải cơn đau cho người bệnh. Tiếng lành đồn xa, đã có rất nhiều người tìm đến ông để theo phương pháp điều trị độc đáo mà không phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Hiệu quả của cách làm này không chỉ tạo niềm tin cho bao người bệnh mà còn được Bộ Y tế đánh giá cao. Cái thời khốn khó của nhà khoa học “chân đất” đốt đuốc đi trong đêm lần mò nghiên cứu những tưởng đã qua lâu rồi vậy mà ông Trường “bấm huyệt” vẫn còn phải lấn cấn mãi cái chuyện ấy. Hôm nay, vừa bước qua Xuân Canh Dần được đúng 1 tuần, đã bước qua 55 mùa xuân mà vẫn còn nhớ mãi cái ngày cách đây vài năm, lần đầu tiên ông được mời đi thuyết trình tại một cuộc hội thảo, thế là ông sướng như đứa trẻ, gặp ai cũng khoe, gặp ai cũng kể: “Tớ sắp đi dự hội thảo rồi nhé!”. Xuân mới như trải lòng, ông tâm sự: “Trong một cuộc hội thảo khoa học, GS.TS Trần Ngọc Ân tuyên bố đánh giá về những công trình nghiên cứu của tớ, và nhớ mãi câu nói: “Có những việc chúng ta không ngờ tới lại vẫn xảy ra” - Nhớ lại thời khắc ấy sướng quá cơ - “Hóa ra họ vẫn âm thầm dõi theo mình từ lâu mà mình không biết, cuối cùng tớ đã được công nhận rồi”... Chúng tôi hiểu ông còn rất nhiều điều muốn nói, muốn chia sẻ thật nhiều bởi từ trước đến giờ, hiếm hoi lắm mới có những người chịu nghe nhà khoa học “chân đất”, một người mà cả cuộc đời khoa học vị nhân sinh lên tiếng.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=68227&channelid=92