Người đàn ông bị tố giết vợ: Án tù từ bản giám định pháp y vô lý

Qua 3 lần xét xử ở 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm, các cơ quan tố tụng vẫn không làm rõ nổi nội dung vô lý của bản kết luận pháp y. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 mới đây, Tòa án huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk vẫn căn cứ vào đó để kết án 2 năm tù một nông dân nghèo khó, không chốn nương thân.

Bị cáo Trung đau yếu được ngồi khi tòa xét xử.

“Cháy sém” sau 100 ngày bị điện giật ?

Báo Tiền Phong 2 số ra ngày 24/7/2015, và ngày 19/9/2015 đã đăng 2 bài vụ “Tiếng kêu oan của người đàn ông bị tố giết vợ”, về dấu hiệu bị cáo Trần Ngọc Trung ở thôn 2 xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bị kết án oan.

Sau khi đứa con trai duy nhất chết vì tai nạn giao thông, vợ ông Trung là bà Như Thị Giang xin ly hôn. Trong khi chờ tòa xử, họ vẫn ở chung nhà. Tối 14/10/2013 ông Trung bê máy cắt sắt ra làm kiềng đun bếp, bà Giang ngồi trên ghế sa lông gỗ.

Nghe tiếng bà Giang hô hoán là ông Trung dí điện để giết bà, láng giềng chạy ra xem đã thấy bà Giang đứng trước cổng nhà ông Toàn hàng xóm bấm điện thoại gọi cho người thân đến chở bà đi bệnh viện.

Đêm đó, em rể bà Giang chở bà bằng xe máy ra bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh xin nhập viện. Bà Giang được điều trị huyết áp cao và gan nhiễm mỡ 9 ngày tại khoa Nội. Hồ sơ bệnh án và bác sĩ điều trị đều xác nhận trên cơ thể bà Giang không có thương tích gì suốt thời gian nhập viện.

Ảnh bà Giang tự nộp kèm đơn tố cáo ông Trung.

Bà Giang về làm đơn tố cáo ông Trung dí điện để giết vợ, kèm mấy tấm ảnh do bà nói đã thuê thợ ảnh ngoài phố vào bệnh viện chụp, lốm đốm nhiều vết đỏ trên chân và mông.

Khoảng 100 ngày sau, ngày 21/1/2014 tại Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk (TTGĐPY), dù “ảnh minh họa” chụp tại chỗ cho thấy chân bà Giang không thương tích. Nhưng căn cứ mấy tấm ảnh bà Giang nộp, cả 3 điều tra viên cùng y sĩ pháp y Bạch Xuân Hồng ghi vào biên bản: “Khi xem xét thân thể của đương sự, chúng tôi phát hiện thấy có dấu vết ở các vị trí trên thân thể như sau: -Cháy xém 1/3 ngoài mông phải kích thước 1x2cm- Cháy xém nhiều chỗ ở mặt trong 1/3 dưới cẳng chân trái kích thước trong khoảng 5x7cm”.

Chiều cùng ngày, Giám đốc-Giám định viên của TTGĐPY là bác sĩ Từ Công Hiển ký vào bản Kết luận pháp y thương tích số 164, rằng căn cứ hồ sơ bệnh viện Thiện Hạnh và Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, xác nhận bà Giang “tổn thương da ở vùng mông phải và 1/3 dưới trong cẳng chân trái”, tổn hại 12% sức khỏe, do “tiếp xúc với điện”.

2 biên bản oan trái của Trung tâm giám định pháp y.

Bệnh án ghi Không, giám định viết Có !

Căn cứ Kết luận pháp y, ngày 20/5/2014 công an huyện Cư Mgar ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Ngọc Trung về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trong cả 3 phiên xét xử tại tòa 2 cấp huyện và tỉnh, nhiều dân làng đã bỏ việc nhà đi làm nhân chứng để tố bà Giang vu khống. Vợ chồng bà Gấm (bán tạp hóa) và ông Tiến (công an thôn) khẳng định với phóng viên: Nếu bị điện giật tới cháy xém cả chân và mông, làm sao bà Giang chạy được tới hơn năm chục mét tới tận cổng nhà ông Toàn hàng xóm kêu la ? Vết bầm ở mông do ngã chính bà Giang đã sang nhà vạch quần cho bà Gấm xem trước đó, không phải vì bỏng điện.

Ảnh thực nghiệm điều tra cho thấy ông Trung không thể dí điện vào phía trong bắp chân bà Giang.

Tại phiên xử phúc thẩm ở TAND tỉnh Đắk Lắk ngày 18/9/2015, công nhận căn cứ khởi tố chưa vững chắc, công tố viên đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Kết quả 2 lần thực nghiệm hiện trường đều ghi nhận đầu dây điện hở không thể nào văng trúng mặt trong bắp chân bà Giang.

Để bổ sung hồ sơ, giữa Công an huyện Cư Mgar với TTGĐPY đã có văn bản hỏi-đáp về việc vì sao sau khi bà Giang bị điện giật, từ “1 đến 3 ngày sau mới xuất hiện các vết cháy sém, bầm tím ”. Câu hỏi đầy vẻ “gọt chân cho vừa giày”, vì bà Giang khai mấy ngày sau khi nhập viện, bà đã tự thuê người vào bệnh viện chụp ảnh để nộp làm bằng chứng tố ông Trung. Trên ảnh bà nộp có nhiều “vết cháy sém, bầm tím”.

Điều lạ là: Dù các bác sĩ từng trực tiếp thăm khám điều trị cho bà Giang đã xác nhận trong suốt 9 ngày nhập viện, trên cơ thể bà Giang không có vết thương nào, và điều này đã ghi rõ trong hồ sơ bệnh án của BV Thiện Hạnh, nhưng cả TTGĐPY lẫn cơ quan CSĐT đều bỏ qua.

Ông Tiến bà Gấm đến tòa làm chứng về việc bà Giang vu khống ông Trung.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai tại TAND huyện Cư Mgar ngày 24/6/2016, luật sư Phan Ngọc Nhàn bào chữa miễn phí cho bị cáo Trung nhận xét: Các vết “cháy sém” mô tả trong giám định pháp y và kết quả điều tra hoàn toàn dựa vào 4 tấm ảnh do bà Giang tự cung cấp không theo thủ tục tố tụng, có thể bị photoshop, hoàn toàn trái ngược với hồ sơ bệnh án và tường trình của bác sĩ trực tiếp thăm khám điều trị cho bà Giang, là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng. Còn luật sư Dương Văn Quế trước tòa mỉa mai lập luận về bỏng điện là “thảm họa về năng lực giám định pháp y”.

Đuối lý, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng “Cơ quan điều tra phải tin giám định pháp y !”. Còn Hội đồng xét xử vẫn cứ tuyên bị cáo Trần Ngọc Trung phải chịu án 2 năm tù giam, bồi thường cho bà Giang hơn 28,6 triệu đồng.

Nhiều người dân thôn 2 la hét về việc bà Giang vu oan giá họa ông Trung sau phiên tòa sơ thẩm lần 2.

Tiễn anh trai lên xe tù, anh Trần Ngọc Dũng, em trai đồng thời là thân nhân duy nhất còn lại của ông Trung nghẹn ngào chia sẻ : Tôi làm nông ở tận xã Suối Tre thị xã Long Khánh tỉnh Đồng Nai, cách đây 500 km nhưng đã phải lên xuống thăm lo cho anh trong tù tới hơn hai chục lần trong 21 tháng anh ấy bị tạm giam, vợ con nhà cửa chẳng còn. Tôi sẽ kêu oan, kháng cáo đến cùng cho anh ấy.

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/nguoi-dan-ong-bi-to-giet-vo-an-tu-tu-ban-giam-dinh-phap-y-vo-ly-1028462.tpo