Người dân Nghĩa Đàn mở lối thoát nghèo từ cây sở

Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn tích cực khôi phục, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị cho cây sở. Hướng đi này mang lại hiệu quả cao, mở lối thoát nghèo cho người dân các xã miền núi đất đai cằn cỗi.

Bà con xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn chăm sóc cây sở. Ảnh: Minh Thái

Cải thiện đời sống nhờ cây sở

Có một thời gian dài, cây sở như một loại cây rừng chỉ có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên vùng đất , hiệu quả mang lại thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây sở đã đem lại giá trị kinh tế khá cao cho nông dân.

Thời điểm này, đi dọc tuyến đường vào xã Nghĩa Lộc, xen giữa những cánh rừng keo là bạt ngàn cây sở xanh ngút mắt. Anh Nguyễn Văn Dụng ở xóm Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc chia sẻ: Trước đây giá sở quá bèo bọt, nhưng 5 năm qua thị trường đầu ra đối với hạt sở tương đối ổn định. Gia đình có trên 2ha sở, năng suất đạt 6 tấn quả tươi/ha (tương đương 3 tấn hạt khô/ha); giá từ chỗ chỉ 14.000 đồng/kg hạt khô (thời điểm năm 2019), đến nay tăng lên 25.000 đồng/kg, cho thu nhập 150 triệu đồng/2ha/năm.

Vào mùa hoa sở đầu tháng 12, cánh hoa trắng muốt, nõn nà, bung xòe điểm xuyết nhụy vàng rất đẹp. Ảnh: PV

Theo tính toán của các hộ dân, sở trồng khoảng 8 năm là cho quả, đến năm thứ 10 thì giá trị thu về đủ bù chi phí cho việc trồng mới và chăm sóc. Sở cho năng suất ổn định, hàng năm cứ đến mùa sở chín (từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch) là người dân lại vào rừng thu hoạch sở. Cây sở chỉ trồng một lần rồi cứ thế thu hoạch trên 20 năm.

Trồng cây sở còn có lợi thế khác là ít phải đầu tư chăm sóc, đến kỳ cho thu hoạch rồi thì chỉ cần bỏ công phát dọn cỏ quanh gốc và mỗi năm thu hoạch một lứa vào những tháng cuối năm.

Ông Lại Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: Địa bàn xã Nghĩa Lộc duy trì được trên 250ha sở, bình quân mỗi ha cho thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn hạt khô, thu nhập đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm. Nhờ cây sở mà có nhiều hộ ở xã Nghĩa Lộc vươn lên cải thiện cuộc sống, làm giàu. Trên địa bàn xã, ngoài gia đình anh Dụng còn có các gia đình như ông Đào Văn Toàn trồng 2,8ha cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, gia đình chị Bùi Thị Quyên trồng 2,9ha cho thu nhập trên 210 triệu đồng/năm.

Thương lái thu mua sở phơi khô để chế biến tại địa bàn xã Nghĩa Lộc. Ảnh: Văn Trường

Cùng với phát triển vốn rừng, xã đang triển khai mở rộng thêm trên 20ha, bà con đang tuyển chọn quả hạt có chất lượng để ươm giống, chuẩn bị cho kế hoạch trồng sở. Ngoài cho giá trị kinh tế cao, sở còn là cây xanh tốt quanh năm, rễ cây bám sâu vào lòng đất, không bị ảnh hưởng do thiên tai, đổ gãy chống xói lở do mưa lũ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và rừng đầu nguồn.

Toàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 500ha sở, tập trung tại các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Thọ. Hiện nay, cây sở đang phát triển hiệu quả hơn cây keo, đầu ra ổn định. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của cây sở, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, huyện đang xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng sở tại những nơi chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ ở các hồ, đập đầu nguồn.

Vào mùa hoa sở đầu tháng 12, cánh hoa trắng muốt, nõn nà, bung xòe điểm xuyết nhụy vàng giữa những cánh rừng xanh ngút ngàn tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp hoang sơ và bình dị. Mùa hoa sở, cũng là một gợi mở để Nghĩa Đàn thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Hạt sở ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn đạt chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường

Chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch

Để chủ động bao tiêu sản phẩm, trên địa bàn xã Nghĩa Lộc đã có khá nhiều hộ dân đầu tư hệ thống thiết bị máy móc để bảo quản, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho loại cây này. Điển hình như hộ ông Nguyễn Duy Quang ở xóm Bình Minh, xã Nghĩa Lộc. Năm 2019, ông Quang đầu tư trên 7 tỷ đồng, xây dựng xưởng chế biến tinh dầu sở, công suất chế biến 20 tấn quả/ngày đêm

Ông Quang cho biết: Hàng năm, cơ sở chúng tôi thu mua của bà con huyện Nghĩa Đàn gần 1.000 tấn, trong đó một phần chế biến tinh dầu, một phần sơ chế sấy khô để bán. Đầu ra cho sản phẩm qua chế biến khá ổn, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, sản phẩm tinh dầu sở của chúng tôi đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ và nâng tầm giá trị thương hiệu, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực xúc tiến thương mại, quảng bá tại một số hội chợ trong và ngoài huyện, mở rộng điểm bán lẻ tại địa bàn trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm tinh dầu sở.

Bà con xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn làm giàu nhờ cây sở. Ảnh: Minh Thái

Cùng với cơ sở của ông Nguyễn Duy Quang là hộ ông Nguyễn Văn Lưu ở xóm Khe Sài, xã Nghĩa Lộc, chuyên thu mua, sơ chế khá nhiều sản phẩm sở cho bà con địa phương. Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Lưu đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống lò sấy, ép dầu sở, mỗi vụ thu mua trên 1.100 tấn sở cho bà con xã Nghĩa Lộc và các xã lân cận; tạo việc làm cho trên 15 lao động.

Ông Lưu chia sẻ: Dầu sở có nhiều dinh dưỡng như Omega 6, Omega 9… hàm lượng chất tương đương với dầu oliu và là loại dầu ăn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, cơ sở vật chất lò sấy và ép dầu công nghệ còn hạn chế. Tôi mong muốn được các cấp ngành liên quan hỗ trợ để đầu tư kinh phí mua sắm hệ thống máy móc hiện đại từ công đoạn sấy, nghiền hạt sở đến chiết xuất dầu chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường; tiến tới xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm dầu sở Nghĩa Đàn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ thăm mô hình chế biến tinh dầu sở xã Nghĩa Lộc. Ảnh: Minh Thái

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Để cây sở phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngoài 500ha sở hiện có, huyện khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích cây sở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển cây sở theo hướng bền vững, thu hút các doanh nghiệp vào chế biến sở thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng và chuẩn hóa thương hiệu sản phẩm từ cây sở để tiến tới xuất khẩu ở nhiều thị trường.

Cây sở thuộc cây họ chè, là loại cây lấy hạt. Ngoài tác dụng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, hạt sở còn có giá trị kinh tế chế biến thành dầu ăn cao cấp. Bã hạt sở (sau khi ép lấy dầu) làm nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật. Lá cây sở chứa chất tanin có thể phục vụ công nghiệp thuộc da. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu tinh dầu sở và tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản nhằm giới thiệu sản phẩm tinh dầu sở của Nghệ An để xuất khẩu sang thị trường các nước.

Văn Trường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-dan-nghia-dan-mo-loi-thoat-ngheo-tu-cay-so-post287685.html