Người dân lo lắng về dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp

Nhà máy luyện cán thép (LCT) Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, dù chỉ mới được đồng ý chủ trương khảo sát địa điểm lập dự án song đã bị người dân và chính quyền địa phương tỏ ý lo ngại…

Dư luận hiện đang xôn xao về thông tin Nhà máy LCT Việt Pháp sẽ được xây dựng tại huyện miền núi Nam Giang, thượng nguồn những con sông đổ về Đà Nẵng và các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Nam.

Sáng 4-10, có mặt tại tổ 3, thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, nơi dự kiến đặt nhà máy, chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng của người dân nơi đây.

Ông Nông Văn Quảng, người dân tộc Nùng, di cư từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp tại địa phương này từ năm 1991, cho biết, ông cũng đã nghe thông tin có dự án Nhà máy LCT Việt Pháp. Theo dự kiến, nhà của ông sẽ phải di dời nếu dự án được triển khai.

“Người dân chúng tôi lo lắng dự án khi hoàn thành sẽ gây ô nhiễm môi trường; vì sản xuất thép là ngành kim loại nặng. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã lên mạng Internet tìm hiểu và được biết nhà máy này ở dưới thị xã Điện Bàn và đã từng bị người dân phản ứng gay gắt vì trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu nhà máy được xây dựng nơi này, gia đình tôi phải di dời đi nơi khác, phải bắt đầu một cuộc sống mới, vất vả lắm”, ông Quảng chia sẻ.

Ông Kaphu Tân chỉ khu vực được khảo sát để triển khai dự án Nhà máy LCT Việt Pháp.

Cũng như nhiều người dân khác tại địa phương, ông Quảng cho rằng, nếu nhất định phải xây dựng Nhà máy LCT Việt Pháp thì ông mong muốn được tái định cư tại chỗ để không khỏi xáo trộn đời sống quá lớn.

“Đất đai, vườn rẫy của người dân đều ở hết cả đây nên việc dọn đi nơi khác là không được. Đặc biệt, việc thực hiện công tác giải tỏa đền bù phải được làm một cách công khai, minh bạch và đúng theo quy định của Nhà nước để đảm bảo quyền và lợi ích thiết thực của người dân”.

Có chung tâm trạng với ông Quảng, bà Nguyễn Thị Thỏa, một người dân tổ 3, thôn Hoa, cho rằng dự án Nhà máy LCT Việt Pháp nếu được triển khai ở đây sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của cả các thế hệ sau. Hơn nữa, nếu nước thải của nhà máy không được xử lý tốt, khi đổ ra suối sẽ chảy thẳng ra sông Vu Gia, đe dọa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của vùng hạ du, trong đó có cả hàng triệu người dân TP Đà Nẵng.

Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân, chia sẻ với chúng tôi, ông Kaphu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, thật thà nhìn nhận: “Nếu xét ở góc độ cá nhân, nói thật tôi cũng thấy rất lo lắng khi dự án nhà máy thép được triển khai tại địa phương. Tuy nhiên, với cương vị là người đứng đầu chính quyền cơ sở, tôi sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, nếu người dân phản đối dự án thì tôi sẽ có tờ trình gửi lãnh đạo huyện xem xét để đảm bảo tuyệt đối nguyện vọng của người dân”.

Theo ông Tân thì vào cuối tháng 9-2016, chính quyền huyện Nam Giang có tổ chức buổi họp 17 hộ dân tại tổ 3, thôn Hoa để nghe thông báo về những thông tin liên quan đến dự án Nhà máy LCT Việt Pháp. Tại cuộc họp này, đa phần người dân đều tỏ ra lo lắng 2 vấn đề, một là vấn đề môi trường và hai là vấn đề giải tỏa đền bù. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng việc họp dân chỉ có 17 hộ của tổ 3 tham dự là chưa thỏa đáng, cần phải tổ chức họp dân cả thôn Hoa để thăm dò ý kiến về dự án này.

Còn ông Lê Văn Hường, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin chính quyền tỉnh Quảng Nam cho phép khảo sát địa điểm triển khai dự án Nhà máy LCT Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và đồng ý về chủ trương này.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang cũng nêu ra 3 vấn đề cần làm rõ, cụ thể: Nguồn thải của nhà máy sẽ được xử lý như thế nào và điểm cuối của nguồn thải là ở đâu, việc giám sát được thực hiện ra sao? Thứ hai, công tác giải quyết việc làm cho người dân địa phương được tính toán và bố trí ra sao? Thứ ba, công tác giải tỏa đền bù được tiến hành như thế nào?

Cũng theo ông Hường thì trước đây tại thôn Hoa không có kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp, nhưng sau khi đơn vị chủ đầu tư dự án Nhà máy LCT Việt Pháp có đề xuất thì mới quy hoạch khu vực này thành cụm công nghiệp của huyện.

Theo tìm hiểu, ngày 23-9-2016, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đã có Thông báo số 420/TB-UBND về việc thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy LCT Việt Pháp tại thôn Hoa, trong đó nêu rõ: Thống nhất cho phép Công ty TNHH thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Nhà máy LCT Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ theo sơ đồ địa điểm kèm theo Tờ trình số 138/TTr-UBND ngày 1-8-2016 của UBND huyện Nam Giang; diện tích nghiên cứu khoảng 17,3ha…

Được biết, Nhà máy LCT Việt Pháp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn). Tuy nhiên, do trong quá trình hoạt động, nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực nên tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời nhà máy này.

Địa điểm đầu tiên được tỉnh Quảng Nam chọn là xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Tuy nhiên, do biết được “lịch sử gây ô nhiễm” của Nhà máy LCT Việt Pháp nên chính quyền huyện Đại Lộc đã thẳng thừng từ chối. Sau đó dự án được chọn triển khai tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ.

Nhà máy LCT Việt Pháp nếu đầu tư tại huyện Nam Giang, một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam thì sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi, như: được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nguoi-dan-lo-lang-ve-du-an-nha-may-luyen-can-thep-viet-phap-411151/