Người dân đồng lòng hiến đất làm đường ở xã nông thôn mới đầu tiên ở Bình Thuận

Nhờ sự chung tay của người dân, xã Trà Tân từ một xã ở vùng sâu, vùng xa đã vươn mình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.

Tết Giáp Thìn năm nay, chúng tôi về xã Trà Tân (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Trà Tân hôm nay có diện mạo mới, hệ thống đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa từ trung tâm hành chính xã đến từng thôn.

Tết Giáp Thìn tại xã Trà Tân, người dân vui tươi đi sắm hoa Tết.

Dọc các tuyến đường, cây xanh hai bên đường ngả bóng mát. Đèn chiếu sáng được lắp đặt khắp các tuyến đường thôn vào đến sông La Ngà.

Đảng viên phải nêu gương, đi đầu

Anh Nguyễn Văn Phú, công chức địa chính xã cho hay, để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, một trong các yếu tố quan trọng là huy động sức dân. Tiêu biểu là nhiều tuyến đường được dân hiến đất làm đường, ủng hộ đóng góp hàng tỷ đồng.

Điển hình là tuyến đường 32 đang triển khai, hàng chục hộ tự nguyện lùi hàng rào để mở rộng tuyến đường liên xã.

Là đảng viên và hộ đi đầu hiến đất làm đường, ông Nguyễn Văn Đông - nguyên trưởng thôn 5, xã Trà Tân - cho biết, ông về hưu theo chế độ từ năm 2019. Khi có chủ trương mở rộng đường ông đồng ý ngay vì đây là tuyến đường mơ ước của người dân trong xã.

"Để làm tuyến đường nhanh, một hai hộ chấp thuận thì chưa được mà phải toàn bộ các hộ đồng tình. Với vai trò đảng viên, nguyên trưởng thôn, ít nhiều vẫn còn tiếng nói trong thôn nên tôi phải làm gương đi đầu mới thuyết phục được các hộ khác", ông Đông nói.

Ông Nguyễn Văn Đông, nguyên trưởng thôn 5 là một trong những hộ đầu tiên hiến đất làm đường.

Như lời ông Đông nói, mở rộng đường thì gia đình nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Thế nhưng khi đụng đến lợi ích, một số hộ còn băn khoăn thậm chí yêu cầu bồi thường vì "tấc đất, tấc vàng".

Tuy nhiên, khi thấy nguyên trưởng thôn là người tiên phong chấp nhận lùi hàng rào, hiến gần 200m2 đất, ít lâu sau các hộ khác đều chấp thuận.

"Trước đây, tôi là trưởng thôn gắn bó mảnh đất này hàng chục năm qua, nên cũng dễ vận động, tác động bà con hơn. Đường được mở rộng lên gần 10m, đến nay đã bàn giao 100% mặt bằng để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công", ông Đông nói.

Cách nhà ông Đông khoảng 300m, gia đình ông Hoàng Hựu Ưu, thôn 5 cho biết, hay tin Nhà nước làm đường người dân đều rất hoan nghênh.

Bởi con đường này trước đây nhỏ, hẹp mùa mưa sình lầy, các cháu đi học vất vả, bà con đi rẫy vận chuyển nông sản khó khăn.

"Khi có chủ trương kêu gọi hiến đất làm đường, tôi chấp nhận lùi hàng rào vào 2m, chiều ngang 50m, tổng cộng 100m2, dời cả am miếu thờ trước nhà.

Đường làm xong sau này con cháu đi lại sướng hơn, thoát cảnh nắng bụi, mưa sình lầy", ông Ưu nói.

Ông Hoàng Hựu Ưu, người dân thôn 5, xã Trà Tân hiến đất, dời am thờ nhường đất mở rộng đường.

Còn anh Nguyễn Thiện Anh, nhà số 26, thôn 5 cho biết, khi được vận động hiến đất làm đường, nhà anh đồng thuận không có gì băn khoăn.

"Nhà nước mở đường tôi ủng hộ ngay vì đường mở rộng, thảm nhựa sẽ đẹp hơn. Đường đẹp giá đất sẽ tăng cao 5-7 lần so với cũ là bình thường, nhà nào cũng hưởng lợi", anh Thiện Anh bày tỏ.

Dân đồng lòng, việc gì cũng xong

Chỉ tay về phía con đường đã hoàn thành nền đường, anh Nguyễn Văn Phú cho biết, trước đây đường 32 là "con đường đau khổ", chỉ có ô tô gầm cao, xe máy cày mới lội qua được.

Đường 32 trước khi thi công mở rộng là con đường nhỏ hẹp, sình lầy, nay đang thi công mở rộng hai ô tô có thể tránh nhau.

Đoạn qua xã Trà Tân chỉ dài 3km sau hoàn thành là tuyến tránh tỉnh lộ 766, bà con hai xã đi lại vận chuyển nông sản không còn phải vòng ra tỉnh lộ, mật độ xe cộ đông đúc. Tuyến này còn đóng vai trò là tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai khi xảy ra bão, lũ.

"Dự án đã quy hoạch từ năm 2012, nhưng hơn 10 năm qua chưa được triển khai do thiếu vốn. Việc hiến đất làm đường không những giảm kinh phí đầu tư mà còn góp phần tạo điều kiện sớm đưa công trình này vào khai thác", anh Phú nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho rằng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã xác định một trong những tiêu chí phải hoàn thành sớm là làm đường giao thông nông thôn. Do vậy, xã phát động ngay phong trào người dân hiến đất đóng góp kinh phí làm đường.

Ngay khi địa phương phát động, tuyến đường huyết mạch số 8 nối từ ĐT766 vào đến thôn 5 với chiều dài hơn 5km và các tuyến đường xuống cấp khác được địa phương sửa chữa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Hàng chục hộ dân ven đường 32 đã tự nguyện lùi hàng rào, hiến đất mặt tiền để mở rộng đường.

Đến nay toàn xã có nhiều cây số đường giao thông, đảm bảo đạt chuẩn Bộ GTVT. Trong năm 2023, xã là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND xã đã ban hành các nghị quyết, triển khai các tuyến đường "sáng, xanh, sạch, đẹp" nhằm sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, để sớm về đích cần sự chung tay của người dân trong xã.

Ông Đức Anh dẫn chứng, tuyến đường 32, qua đo đạc ảnh hưởng 60 hộ dân dọc tuyến. Qua vận động, các hộ dân đều tự nguyện dịch chuyển hàng rào, hiến đất.

Nếu quy ra giá trị bình quân, thì mỗi hộ ủng hộ từ 50-60 triệu đồng. Nhờ bàn giao mặt bằng nhanh, dự kiến tuyến đường này đưa vào khai thác trong năm 2024.

Tháng 8/2023, xã Trà Tân được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Chú trọng công tác dân vận tại cơ sở

Chia sẻ với PV, ông Lê Đình Trung, Phó bí thư thường trực UBND xã Trà Tân cho biết, xã có 4 thôn, trong đó có 1 thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu năm 2024, Đảng ủy đã ban hành nghị quyết để quán triệt đến hệ thống mặt trận, đoàn thể và các chi bộ.

Trong đó, nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, đoàn viên đi đầu và vận động người dân tham gia đóng góp làm đường nông thôn.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", ngoài việc vận động, chính quyền xã cũng làm việc với các chức sắc, tôn giáo, linh mục vận động cho bà con hiểu và hưởng ứng xây dựng nông thôn mới.

"Đưa nghị quyết vào cuộc sống trên thực tiễn là một quá trình lâu dài. Để đạt được kết quả rất cần sự chung tay cả hệ thống chính trị từ các đoàn thể, mặt trận và nhân tố quan trọng là được nhân dân đồng lòng ủng hộ", ông Trung đúc kết.

Cuối tháng 8/2023, xã Trà Tân (huyện Đức Linh) đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh. Tổng kinh phí đầu tư trên địa bàn xã là 223,1 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp là 52,9 tỷ đồng, chiếm 23,7%. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn của xã thay đổi rõ rệt, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang.

Vĩnh Phú

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nguoi-dan-dong-long-hien-dat-lam-duong-o-xa-nong-thon-moi-dau-tien-o-binh-thuan-192240214134246644.htm