Người dân biên giới hân hoan được mùa ngô

Những ngày này, người dân thôn Bãi Sở, xã biên giới Tam Quang (Tương Dương) có niềm vui nhân đôi. Ấy là vừa được mùa ngô, vừa được 'mùa đoàn kết' khi bà con bản làng cùng giúp nhau thu hoạch ngô.

Được mùa, giúp nhau thu hoạch ngô

Khi ruộng ngô đã lấp ló những bông ngô vàng rực, chắc nịch, người dân thôn Bãi Sở, xã Tam Quang bắt đầu thu hoạch.

Cùng người dân ra đồng thu hái thành quả lao động, cán bộ nông nghiệp xã Tam Quang, chị Nguyễn Thị Hoài cho biết, vụ hè thu - mùa năm nay, thôn Bãi Sở trồng 53 ha ngô. Với tỷ lệ bông và hạt thu hoạch thực tế, dự kiến năng suất ngô vụ hè thu – mùa đạt khá cao, khoảng 4,5-5 tấn/ha. Không chỉ trồng vụ hè thu - mùa, bà con thôn Bãi Sở cũng bắt đầu trồng ngô vụ đông gối vụ trên đất màu. Hiện hơn 22 ha ngô vụ đông đã lên mầm non.

Người dân thôn Bãi Sở giúp đỡ gia đình khó khăn thu hoạch ngô. Ảnh: H.T

Mỗi hộ gia đình ở thôn Bãi Sở tham gia trồng ngô có trung bình khoảng 0,3- 0,5 ha ngô, mỗi vụ cho thu nhập 1- 3 tấn tùy diện tích, không chỉ đem lại nguồn thức ăn chăn nuôi, mà còn có để bán, tăng thêm nguồn thu nhập.

Trên ruộng ngô của gia đình ông Hoàng Văn Sơn, có một “điều lạ” ấy là không có mặt của chủ ruộng ngô, nhưng lại có rất nhiều người dân là xóm giềng thoăn thoắt hái những bông ngô vàng rộm, chắc nịch cho vào bao bì, mang về nhà ông Sơn.

Vừa tham gia cùng người dân thu hoạch ngô, cán bộ UBND xã Tam Quang Nguyễn Thị Hoài vừa cho biết: “Đó là hơn 0,35 ha ngô của gia đình ông Hoàng Văn Sơn. Ông Sơn bị bệnh hiểm nghèo, hiện đang điều trị ở Hà Nội. Gia đình neo người, ngô chín rục ở ruộng không ai thu hoạch. Thấy vậy, chính quyền và bà con lối xóm ngoài đóng góp tiền thăm hỏi, bà con không ai bảo ai, tự giác ra đồng thu hoạch ngô giúp ông. Không chỉ giúp gia đình ông Hoàng Văn Sơn, bà con còn thu hoạch ngô giúp các gia đình khác có người ốm, người mới bị tai nạn giao thông chưa thể ra đồng”.

Theo chia sẻ của người dân thôn Bãi Sở, bà con có truyền thống làm nghề nông nghiệp và giúp đỡ nhau, “hàng xóm, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”. Gia đình nào có chuyện vui, chuyện buồn, bà con đều quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, xem đó là niềm vui trong cuộc sống, tạo thành một tập thể thôn bản đoàn kết, tiến bộ.

Lãnh đạo UBND xã Tam Quang cho biết, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đến nay, nhiều hộ nông dân ở xã biên giới không chỉ thay đổi về tư duy sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, mà nếp sống, sự đoàn kết cũng gắn bó hơn. Bản làng ở xã Tam Quang hầu như không còn những hủ tục lạc hậu, mà thay vào đó là sự văn minh, tiến bộ trong các phong trào tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Vụ hè thu – mùa năm 2023, toàn xã Tam Quang có hơn 100 ha lúa, theo Chủ tịch UBND xã Kha Thị Hiền, do nắng hạn, sản xuất vụ hè thu phải bỏ hoang gần 30 ha, chỉ gieo cấy được khoảng 75 ha. Những diện tích lúa kém hiệu quả, UBND xã chỉ đạo người dân chuyển sang trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả khác như ngô, lạc, dưa… Thôn Bãi Sở cũng như các thôn, bản khác ở xã Tam Quang, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô, các loại dưa hấu, dưa chuột và trồng sắn cao sản.

Đơn cử, cuối năm 2022, trên vùng đồng trồng lúa trước đây vốn đã bỏ hoang nhiều năm do khô hạn, gia đình anh Trần Văn Đô đã chuyển sang trồng ngô. Ban đầu anh trồng trái vụ, năng suất đạt khá, chịu được nắng hạn. Sau thành công, anh tiếp tục trồng ngô vụ hè thu – mùa.

Anh Trần Văn Đô thu hoạch ngô. Ảnh: H.T

Anh Đô cho biết, cây ngô khá hợp với đất ven suối nên cho năng suất cao, hạt chắc, đều và to bông. Ngoài ra, anh còn trồng thêm dưa hấu, sắn và đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ khe, suối gần đập Nậm Khủn để tưới tiêu.

“Vùng đồng bãi này vốn thiếu nước vì xa đập, xa khe, suối, gia đình đã đầu tư gần chục triệu đồng thuê máy phát dọn, cày đất, kéo đường điện và mua ống dẫn nước để trồng dưa hấu. Mùa dưa hấu, dưa chuột năm 2022 cho thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng, hiệu quả hơn trồng lúa. Ngô vụ này cũng cho thu hoạch khá, người dân đã thấy yên tâm hơn khi sản xuất trên đồng ruộng của thôn bản” – anh Trần Văn Đô cho biết.

Thấy được hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng khô cằn của thôn Bãi Sở, năm 2023 đã có thêm nhiều hộ khai hoang vùng đất bãi này. Đến cuối năm, gần như các diện tích đất hoang đã được phủ xanh bởi những ruộng ngô, ruộng sắn xanh tươi. Người dân còn dựng lán, kéo đường điện, đưa máy móc vào cày cấy, thu hoạch, biến vùng bãi hoang thành nơi nhộn nhịp mỗi khi mùa vụ.

Ngô vụ hè thu - mùa của thôn Bãi Sở. Ảnh: H.T

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương cũng hướng dẫn bà con khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ, khai thác diện tích rừng xoan không có khả năng phát triển để chuyển đổi sang trồng keo và trồng mét, tận dụng các diện tích rừng nghèo không có giá trị, đất ven khe, suối để phát triển trồng ngô kết hợp với trồng rừng. Nhờ vậy, hiện diện tích rừng ở xã Tam Quang đã trồng được 251,9 ha, trong đó, có gần 3 ha mét.

Từ những hướng đi ban đầu, lãnh đạo UBND xã Tam Quang cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang sản xuất hàng hóa; chuyển đổi diện tích ruộng nước thường xuyên thiếu nước sang trồng ngô, trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tập trung phát triển trồng rừng nguyên liệu, bình quân mỗi năm trồng mới từ 140 – 150 ha và mở rộng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả khác. Ví như mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các thôn bản Bãi Sở, Tam Liên, Bãi Xa; trồng mét tại thôn Bãi Sở, Tam Liên… đang từng bước giúp người dân có thêm việc làm, thu nhập bình quân đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm.

Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-dan-bien-gioi-han-hoan-duoc-mua-ngo-post279921.html