Người dân băn khoăn khi xử phạt xe không sang tên đổi chủ từ ngày 1/1/2017

Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, xe mô tô, xe gắn máy nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên sẽ bị phạt tiền. Điều này khiến một số người dân cảm thấy khá băn khoăn.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại phương tiện tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên sẽ bị phạt tiền. Theo điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô , xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình. Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".

Trước quy định này, nhiều người ủng hộ nhưng cũng có một số người dân vẫn còn băn khoăn trong những trường hợp mượn xe của bạn bè, người thân để tham gia giao thông.

Gia đình chị Hoài (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 1 chiếc xe máy đăng ký theo tên chị. Ban ngày, chị dùng xe máy để đưa đón con út đi học, chồng chị cũng thường xuyên dùng xe để di chuyển đến xưởng mộc cách nhà gần 10km để làm việc, buổi tối con trai đầu của chị cũng mượn xe để đi học trung tâm ở quận Cầu Giấy. Một chiếc xe máy nhưng được 3 người trong một gia đình sử dụng vậy nên chị Hoài khá thắc mắc và lo lắng liệu chồng và con mình có thuộc diện bị phạt xe không chính chủ hay không, làm thể nào để không bị phạt lỗi xe không chính chủ khi xe máy chỉ có 1 người đứng tên.

Nhiều người dân tỏ ra khá lúng túng và nhiều thắc mắc trước quy định sẽ xử phạt những xe không sang tên đổi chủ từ ngày 1/1/2017

Một trường hợp khác, anh Thạch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết do điều kiện gia đình chưa cho phép nên anh chưa mua được xe máy. Vì vậy, khi anh đi làm ca chiều và ca tối thường phải mượn xe máy của bạn cùng phòng trọ để di chuyển. Anh cho biết: "Chuyện xe máy khi sang nhượng phải sang tên đổi chủ là đúng đắn. Tuy nhiên, tôi không biết sẽ kiểm tra và xử phạt thế nào nếu một chiếc xe máy chính chủ được đồng ý giao cho người khác sử dụng, trong khi tôi và chính chủ xe không có quan hệ huyết thống gì".

Theo Cục Pháp chế - Bộ Công an , cảnh sát chỉ phạt chủ xe không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông , còn lại không được dừng xe chỉ để kiểm tra việc này.

Việc xử phạt những trường hợp xe không sang tên đổi chủ sẽ tác động nhiều đến ý thức của chủ phương tiện về việc đảm bảo tài sản, phương tiện của mình. Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra. Ngoài ra, nếu không thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, người đứng tên đăng ký xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng, nghĩa là nếu có tranh chấp, khởi tố, điều tra việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng, chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/trong-nuoc/nguoi-dan-ban-khoan-khi-xu-phat-xe-khong-sang-ten-doi-chu-tu-ngay-1-1-2017-20161117142056572.htm