Người đã khuất bỗng...'hồi sinh': Ứng dụng công nghệ AI gây tranh cãi ở Trung Quốc

Gần đây ở Trung Quốc nổi lên trào lưu 'AI phục sinh', tức sử dụng công nghệ AI để tạo hình ảnh người quá cố, giao lưu với người sống. Tuy nhiên, trào lưu này đang gây nên tranh cãi.

Hình ảnh hai nghệ sĩ quá cố Coco Lee và Cao Dĩ Tường do AI hồi sinh (Ảnh: SingTao)

Ngôi sao đã khuất bỗng dưng "hồi sinh"

Mới đây, một đoạn video nội dung ngôi sao Hollywood gốc Hoa Coco Lee được trí tuệ nhân tạo (AI) "hồi sinh" đã gây xôn xao dư luận. 8 tháng sau khi cô qua đời, một blogger đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số để làm "sống lại" cô với giọng nói, nụ cười giống hệt khi còn sống, âm thanh và hình ảnh đều do AI tạo ra.

Tuy nhiên, hôm 28/3, mẹ của cố ca sĩ Coco Lee đã ủy quyền cho Công ty luật Mộng Hải (Menghai) Quảng Đông đưa ra tuyên bố về video liên quan đến " Coco Lee AI hồi sinh".

Tuyên bố cho biết, gần đây một số người dùng Internet đã lợi dụng chân dung của nữ sĩ Coco Lee để sản xuất và phát hành loạt video “Coco Lee phục sinh bằng AI” (AI Resurrection of Coco Lee) mà không có sự đồng ý của người thân. Đây là hành động trục lợi phi pháp dưới danh nghĩa ‘tình cảm ấm áp’, lợi dụng cơ hội để bán dịch vụ AI và dẫn dắt một cách ác ý để thu hút lưu lượng truy cập.

Tuyên bố cũng cho hay, việc truyền bá rộng rãi những video như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công việc và cuộc sống của người mẹ cũng như thân nhân của Coco Lee, vốn đã vô cùng đau đớn vì mất người thân.

Mẹ của Coco Lee phản đối việc dùng AI để "hồi sinh" con gái bà (Ảnh: SingTao)

Theo luật pháp Trung Quốc, nếu họ tên, hình ảnh, danh tiếng, danh dự, quyền riêng tư, hài cốt...của người quá cố bị xâm phạm thì vợ, chồng, con và cha mẹ của họ có quyền yêu cầu người gây ra hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 27/3, chị gái thứ hai của Coco Lee (Lý Mai) là Lý Tư Lâm (Li Silin) cũng nói về sự việc khi tham dự một sự kiện. Bà cho rằng việc sử dụng clip AI để tưởng nhớ những người đã khuất không có vấn đề gì, nhưng nếu làm vì mục đích thương mại, có tính chất lừa đảo thì không ổn.

"Điều này sẽ gây tổn thương lần thứ hai cho gia đình của người quá cố. Tôi đã tìm kiếm lời khuyên pháp lý về vấn đề này và tạm thời chưa có kế hoạch khởi kiện...Tôi hy vọng nhân đây muốn nhắc nhở những người có liên quan hãy gỡ bỏ video AI xuống. Dù sao thì loại vụ việc này còn rất mới, mọi người đều chưa biết rõ”, bà nói.

Lý Tư Lâm cũng tiết lộ rằng bà thực sự đã nghẹn ngào khi xem video AI của"Coco Lee: "Tôi đã rất đau lòng khi xem nó và lo lắng rằng mẹ tôi sẽ gục ngã khi thấy".

Hai người chị gái Coco Lee gặp gỡ báo chí phản đối hồi sinh em gái (Ảnh: SingTao).

Được biết, trong đoạn video nêu trên, "Coco Lee" ngồi trước gương, nồng nhiệt đáp lại người hâm mộ: "Tôi biết các bạn có thể rất ngạc nhiên hoặc thậm chí cảm thấy không đúng sự thật, nhưng hãy tin tôi đi, đây là một thời khắc tràn ngập tình yêu và xúc động, vì tôi có cơ hội được gặp lại các bạn qua video này".

Nhiều cư dân mạng nói họ đã khóc khi nghe, nhưng số khác cho rằng hành vi này xâm phạm hình ảnh cá nhân. Người tạo video đã phản hồi trong phần bình luận: "Đây không phải là bắt chước mô phỏng, chỉ để bày tỏ tình cảm của tôi với CoCo Lee. Đầu tiên, tôi miễn phí và thứ hai, tôi ghi rõ rằng nhân vật được tạo ra bởi AI".

Kinh doanh người đã khuất?

Ngoài Coco Lee, một số ngôi sao đã khuất như Cao Dĩ Tường (Gao Yixiang), Kiều Nhiệm Lương (Qiao Renliang cũng đã được AI "hồi sinh". Họ mặc trang phục khác nhau nhưng khi đối diện với ống kính, họ luôn chào trước, sau đó bày tỏ nỗi nhớ các fan hâm mộ của mình cùng những lời cảm động khác.

Những người đăng chúng lên mạng cho rằng đây là cách để an ủi tinh thần, sử dụng công nghệ cao để mang lại giá trị tinh thần cho người sống. Tuy nhiên, ở phần bình luận video, nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi: Kiểu hành vi này mang danh là chân tình nhưng thực chất là kinh doanh những người đã rời bỏ thế giới.

Ngoài ra, hiện tại nhiều thành phố Trung Quốc đã xuất hiện dịch vụ “hồi sinh AI”, tức sử dụng công nghệ AI để tái tạo giọng nói, hình ảnh, hành vi...của người thân đã khuất dựa trên dữ liệu lịch sử như ảnh, video, hành vi tạo ra sản phẩm giống hệt người quá cố.

Trương Trạch Vĩ, chủ công ty “Super Mind” ở Nam Kinh phát tài nhờ kinh doanh "AI hồi sinh người quá cố" (Ảnh: Thepaper).

Ví dụ, nhóm “Super Mind” ở Nam Kinh của Trương Trạch Vĩ từ tháng 3/2023 đến nay đã hoàn thành hơn 1.000 đơn hàng “hồi sinh người chết”. Khi tết Thanh Minh đến gần, mỗi ngày họ nhận được khoảng 50 cuộc điện thoại xin tư vấn về vấn đề liên quan.

Khách hàng rất đa dạng: có bạn trẻ được ông bà nội nuôi dưỡng, muốn nhìn thấy ông bà lần cuối; có gia đình mất đứa con duy nhất, cha mẹ không vượt qua được nỗi đau mất con; cũng có người đã mất bạn đời nhiều năm, mong được gặp lại dù chỉ là trên màn ảnh trong ít phút...

Kể từ khi xuất hiện công nghệ AI, những dịch vụ này đã dần trở thành một ngành mới nổi; giá cả dao động theo các cấp độ, từ 10 NDT (hình ảnh động) tới 10.000 NDT (35 triệu đồng), người quá cố ảo có thể nói, cười, hát, đối thoại với người thân…

Video Coco Lee và Cao Dĩ Tường được AI hồi sinh trò chuyện với người hâm mộ
(Nguồn: Mnews)

Có vi phạm pháp luật không?

Vậy việc sử dụng AI để “phục sinh” người chết có vi phạm pháp luật không? Giáo sư Trương Lăng Hàn (Zhang Linghan) ở Viện nghiên cứu Dữ liệu pháp trị, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc đã có bài viết giải thích.

Giáo sư Trương cho rằng, Bộ luật Dân sự Trung Quốc có những quy định liên quan để bảo vệ quyền nhân thân của người quá cố, bao gồm quyền về chân dung, quyền riêng tư và quyền danh dự. Nhưng giờ đây, một số thách thức mới đã được đặt ra về cách mà AI xâm phạm quyền của người đã khuất, trong đó có tình huống người đã khuất được “hồi sinh” bằng công nghệ này.

Theo Bộ luật Dân sự, nếu không có sự đồng ý của thân nhân người quá cố thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị điều tra trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm đó.

Ngoài ra, trong "Quy định quản lý tổng hợp sâu trong dịch vụ thông tin Internet", chính quyền yêu cầu "các nhà cung cấp dịch vụ tổng hợp sâu và người hỗ trợ kỹ thuật cung cấp các chức năng chỉnh sửa thông tin sinh trắc học và khuôn mặt, giọng nói con người phải thông báo cho cá nhân được chỉnh sửa theo quy định của pháp luật và được sự đồng ý của họ".

Theo ông, nếu người nào muốn "hồi sinh" một người nổi tiếng thì rất khó để có được sự đồng ý của cá nhân hay gia đình người quá cố, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là hành vi xâm quyền.

Tuy nhiên, có sự khác biệt cơ bản giữa “AI hồi sinh người thân” và “AI hồi sinh người nổi tiếng”; cái trước là sáng kiến của người thân, cái sau là hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng ngay cả “hồi sinh người thân” cũng có thể gây ra khủng hoảng đạo đức, do “không phải thành viên nào trong gia đình cũng có thể hiểu được và chấp nhận điều mới này, dễ dẫn đến rủi ro đạo đức trong mối quan hệ giữa những người thân và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”.

Theo Thepaper, SingTao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nguoi-da-khuat-bonghoi-sinh-ung-dung-cong-nghe-ai-gay-tranh-cai-o-trung-quoc-post174016.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat