Người cựu chiến binh không cam chịu đói nghèo

Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Lôi Đại Phong- hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Nà Dụ, xã Văn Minh (Na Rì) đã cùng gia đình thực hiện thành công mô hình kinh tế tổng hợp ao - chuồng - rừng.

Ao câu rộng hơn 1,2ha của gia đình ông Phong thu hút được nhiều cần thủ tới câu cá giải trí, đem lại khoản thu nhập đáng kể.

Ao câu rộng hơn 1,2ha của gia đình ông Phong thu hút được nhiều cần thủ tới câu cá giải trí, đem lại khoản thu nhập đáng kể.

Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì, chúng tôi tới thôn Nà Dụ thăm mô hình kinh tế tổng hợp ao - chuồng - rừng của ông Lôi Đại Phong, một trong những hội viên CCB thoát nghèo, làm giàu từ việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Hôm chúng tôi đến, đúng dịp Hội CCB tỉnh đưa các hội viên CCB đến tham quan học tập mô hình của CCB Lôi Đại Phong. Ai cũng trầm trồ thán phục và muốn học tập từ mô hình của gia đình ông.

Ông Phong chia sẻ: Sau hơn 10 năm phục vụ trong quân đội, năm 1983 ông được xuất ngũ trở về quê hương, tiếp tục tham gia công tác tại UBND huyện Na Rì được 3 năm thì nghỉ hưu. Trở về gia đình trong điều kiện kinh tế rất khó khăn, song phát huy bản chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, năm 1990 ông Phong cùng gia đình bắt tay vào ngăn khe suối làm ao nuôi cá.

Chỉ tay về phía ao cá rộng thênh thang, ông Phong kể tiếp: Gia đình tôi đã tốn bao công sức, tiền của từ năm 1990 đến năm 2005 mới xây xong bờ ao vững chắc như hiện nay. Trong quá trình xây dựng có 3 năm liên tục bờ ao bị vỡ do mưa lũ. Không nản chí, ông quyết tâm tiếp tục vay vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng ao cá vững chắc với diện tích mặt nước khoảng 1,2ha. "Hồi ấy bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đắp ao là lớn gan lắm"- Ông Phong cười chia sẻ.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Lôi Đại Phong vẫn tích cực tham gia chăm sóc ao cá và đồi rừng của gia đình.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Lôi Đại Phong vẫn tích cực tham gia chăm sóc ao cá và đồi rừng của gia đình.

Hoàn thành việc đắp khe suối làm ao thả cá, ông Phong lại cùng vợ con tiếp tục lên rừng khai hoang, phục hóa đất để trồng cây gây rừng. Mỗi năm trồng một ít, chủ yếu là cây mỡ, vừa phát cỏ trồng rừng, vừa kết hợp chăn nuôi trâu, dê, nhím, gia cầm… Mấy năm sau đó, gia đình ông không nuôi nhím, dê nữa mà chỉ tập trung vào chăm sóc ao cá và trồng rừng. Riêng rừng trồng hiện nay gia đình có gần 30ha chủ yếu là cây mỡ, keo. Một số diện tích đang được khai thác tỉa để đầu tư vào ao cá.

Nhận thấy dịch vụ câu cá được nhiều người ưa thích, năm 2018, ông Lôi Đại Phong quyết định mở loại hình dịch vụ kinh doanh giải trí này. Trong ao lúc nào cũng có khoảng 3-4 tấn cá to phục vụ khách câu. Với thu nhập từ rừng, dịch vụ câu cá và một số khoản thu khác, mỗi năm gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ chỗ cuộc sống khó khăn thiếu thốn, nay gia đình ông đã khấm khá. Dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông vẫn luyện tập sức khỏe, hăng say lao động, gắn bó với đồi rừng, ao cá.

Ông Đàm Văn Đá- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì cho biết: CCB Lôi Đại Phong là một hội viên gương mẫu, tích cực phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ làm giàu hiệu quả, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhiều hộ hội viên khác về kinh nghiệm, vốn... để cùng vươn lên./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202206/nguoi-cuu-chien-binh-khong-cam-chiu-doi-ngheo-a3301d8/