Người cựu chiến binh hơn nửa cuộc đời canh giấc ngủ cho các liệt sĩ

Ở tuổi 70, cựu chiến binh (CCB) Cáp Kim Xinh, quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã có 36 năm cần mẫn quét dọn và chăm sóc từng phần mộ, canh giấc ngủ ngàn thu cho các liệt sĩ. Coi liệt sĩ như người thân đã khuất của mình, hơn nửa cuộc đời của ông đã âm thầm gắn bó với công việc để nơi yên nghỉ của các liệt sĩ luôn được sạch, đẹp, ấm cúng.

Cựu chiến binh Cáp Kim Xinh chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: N.T.H

“Công việc quản trang đến với tôi như cơ duyên, thế nên phần đời còn lại tôi nguyện gắn bó chăm sóc các phần mộ liệt sĩ cho đến khi nào sức tàn, lực kiệt mới thôi”, CCB Cáp Kim Xinh mở đầu câu chuyện đến với “nghề” quản trang của mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng), huyện Hải Lăng, từ nhỏ chàng thanh niên Cáp Kim Xinh đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia xã đội Hải Xuân. Năm 1972, trở lại chiến đấu sau khi vết thương vừa ổn định, ông được Huyện đội Hải Lăng rút lên làm lính trinh sát, phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Sau ngày huyện Hải Lăng hoàn toàn giải phóng, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đội phá bom mìn còn sót lại trên chiến trường xã Hải Lệ cho đến cuối năm 1977. Từ năm 1978- 1981 ông tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, sau đó xuất ngũ đi kinh tế mới ở tỉnh Gia Lai.

Lên Tây Nguyên được 1 năm thì hai người con của ông đau ốm liên tục, buộc ông xin về công tác tại Nông trường Cao su Đồng Nai. Năm 1986, ông bị tái phát vết thương, không đủ sức khỏe làm công nhân cao su, nên ông quyết định về quê và xin lên vùng Cùa, thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ sinh sống.

“Hồi đó, người dân xã Hải Xuân quê tôi đi kinh tế mới được tỉnh bố trí lên miền Tây huyện Gio Linh; nhưng tôi là thương binh, sức khỏe yếu, nên xin lên xã Cam Chính gần chợ Cùa để sinh sống và được thị xã Đông Hà tạo điều kiện. Nhà tôi ở cách Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính chừng nửa cây số, thấy cảnh các liệt sĩ nằm lại cô quạnh nên tôi nhận làm quản trang chăm sóc phần mộ liệt sĩ từ năm 1987 đến nay”, ông Xinh cho biết.

Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính là nơi yên nghỉ của 610 liệt sĩ con em nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó có 486 mộ liệt sĩ biết tên, 124 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Theo lời kể của ông Xinh, cách đây 36 năm, khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính rất vắng vẻ, cây cối rậm rạp.

Từ Quốc lộ 9 qua đèo Cùa vào khu vực nghĩa trang liệt sĩ xã khoảng 7 km không có nhà cửa hai bên đường. Những ngày đầu nhận công việc quản trang, ông Xinh bỏ công sức phát quang bụi rậm, san lấp hố bom, nhổ cỏ, quét dọn, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang.

Nhà ông vừa đến nơi ở mới, ruộng vườn chưa kịp khai phá, vợ ông phải xắn tay làm để ông có thời gian chăm sóc nghĩa trang, đi về thắp nhang cho các liệt sĩ. Con ông, một đứa bị di chứng của chất độc da cam/ dioxin, ba đứa còn lại nheo nhóc. Nhưng hằng ngày người dân Cam Chính vẫn thấy ông đều đặn âm thầm làm việc trong nghĩa trang với nắm hương và cây chổi đót trên tay. Dịp lễ, Tết, ông thường ở lại nghĩa trang gần hết cả ngày để thắp hương cho các liệt sĩ.

“Nói là nghĩa trang liệt sĩ xã, nhưng phần lớn các liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây phần đông là con em của các tỉnh ở miền Bắc và liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Thân nhân liệt sĩ ở xa, mình không chăm hương khói cho các liệt sĩ thấy cô quạnh lắm”, ông Xinh động lòng.

Đặc biệt, đầu những năm 2000, dịch vụ tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm nở rộ, vì Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính ở xa khu dân cư nên một số người chuyên đi bốc mộ thuê từ dịch vụ ngoại cảm cứ ập vào những ngôi mộ chưa xác định được thông tin trong nghĩa trang để trộm mộ, lừa gạt thân nhân liệt sĩ trong việc cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Trước thực trạng đó, ông Xinh kiên quyết chống lại nạn trộm mộ đưa về quê để lừa gạt thân nhân liệt sĩ, có lần suýt mất mạng vì dân cướp mộ quây đánh. Trong ký ức của ông vẫn nhớ như in lần kẻ gian cướp mộ liệt sĩ tối 20/8/2011. Linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra ở nghĩa trang liệt sĩ xã, ông cầm đèn pin ra kiểm tra thì phát hiện cổng nghĩa trang bị mở toang, nhìn vào trong thấy 4 bóng đen đang hì hục đào bới.

Biết có người đào trộm mộ, ông lập tức hô hoán và xông vào can ngăn. Nhóm người trộm mộ mua chuộc, năn nỉ ông không được quay ra dùng gậy đuổi đánh ông. May mắn, nghe tiếng hô hoán của ông, người làng chạy ra hỗ trợ, nên nhóm người đào trộm mộ mới chạy trốn. Lần khác, linh tính mách bảo có người đào trộm mộ liệt sĩ, ông đạp xe ra nghĩa trang thì gặp hai đối tượng định cướp mộ. Chống cự dùng dằng một lúc, biết không thể trộm mộ được nên kẻ gian đành bỏ đi.

“Gia đình chứng minh được đúng hài cốt liệt sĩ là thân nhân của mình và xin đưa về quê để tiện chăm sóc thì còn gì vui hơn. Nhưng lừa gạt thân nhân gia đình trong việc cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm là tôi kiên quyết chống lại. Việc đưa hài cốt không phải con em mình về như vậy tội cho gia đình liệt sĩ lắm, mà hài cốt liệt sĩ lại thêm một lần lưu lạc càng tội”, ông Xinh tâm sự.

Gắn bó với “nghề” quản trang khi phụ cấp chỉ 20.000 đồng/tháng từ năm 1987, đến nay tăng dần lên được 700.000 đồng/tháng trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã, với CCB Cáp Kim Xinh việc canh giấc ngủ ngàn thu cho các liệt sĩ không phải công việc hết tháng nhận lương, mà trên hết đó là tình cảm của ông tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Bản thân ông là thương binh, may mắn hơn các đồng đội từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước khác là còn sống trở về, được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho thương binh, nên càng thấy có trách nhiệm hơn với các liệt sĩ nằm xuống mãi mãi không về với gia đình, người thân, đồng đội.

Suy nghĩ như thế nên cứ ngày này sang ngày khác, người quản trang từng là CCB, thương binh Cáp Kim Xinh luôn cần mẫn, tận tụy với công việc làm sạch đẹp và bảo vệ từng ngôi mộ liệt sĩ, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, để được gần gũi, canh giấc ngủ ngàn thu cho đồng đội ngã xuống.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nguoi-cuu-chien-binh-hon-nua-cuoc-doi-canh-giac-ngu-cho-cac-liet-si/177668.htm