Người con của núi rừng

Ấn tượng trong tôi là người chiến sĩ Công an nhân dân với ánh mắt hiền từ tỏa xuống khuôn mặt tròn trịa với nước da đen bóng rắn rỏi, anh nhanh nhẹn sải dài những bước đi mạnh mẽ, thoăn thoắt vượt qua những cung đường ngoằn nghèo trên đỉnh Lũng Sặp. Chúng tôi bước theo sau, ngước lên bóng áo xanh của anh thấp thoáng giữa ngàn trùng đồi núi.

Những ngày băng rừng vượt núi

Anh Hoàng Văn Ninh, chiến sĩ Đội an ninh, Công an huyện Quảng Hòa được người dân gọi là người con của núi rừng, bởi những bước chân anh hằng ngày băng rừng, vượt núi, mở ra những con đường cho người dân trên bản Mông vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Sinh ra trên mảnh đất Quảng Hòa nên anh hiểu rất rõ tâm tư, đời sống của bà con nơi đây, những người dân chất phác thật thà nhưng còn nhiều thiếu thốn nên bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ đã dễ dàng nghe theo. Anh Ninh chia sẻ: Với vai trò là cán bộ phụ trách lĩnh vực an ninh dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện, khi được giao nhiệm vụ thường trực tại địa bàn, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM), tôi quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vu, dù biết rằng phía trước còn nhiều gian nan, bởi TCBHPDVM đã hoạt động lâu năm, địa bàn rộng, họ có sự kết nối với nhau và cả những địa phương khác, đặc biệt nhiều gia đình tham gia theo hình thức cha truyền con nối…, để phá vỡ niềm tin của họ phải kiên trì và có chiều sâu.

Với lợi thế là người dân tộc Mông, thông thạo tiếng nói, am hiểu về văn hóa, đời sống của đồng bào Mông nên quá trình triển khai nhiệm vụ anh tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 3 đợt cao điểm tuyên truyền đấu tranh với TCBHPDVM trên địa bàn huyện. Trực tiếp tham gia phối hợp với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động cá biệt, tranh thủ hiệu quả từ người có uy tín trên địa bàn đồng bào dân tộc Mông, tham gia biên soạn dịch thuật nội dung tuyên truyền tiếng dân tộc Mông; chủ động triển khai công tác nắm tình hình hoạt động của số đối tượng trong TCBHPDVM, không để bị động, bất ngờ.

Đồng chí Hoàng Văn Ninh thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở cơ quan.

Những ngày cao điểm của đợt đấu tranh, anh dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc, có những ngày làm đến 2 giờ sáng, tập trung biên soạn, dịch thuật tài liệu tuyên truyền cấp tỉnh sang tiếng Mông, biên soạn trên 30 bài viết tuyên truyền trên mạng xã hội, tích cực đăng tải chia sẻ, bình luận đấu tranh phản bác các luận điệu của TCBHPDVM trên không gian mạng, thường xuyên nắm dư luận trong các hội, nhóm có đông thành viên là đồng bào dân tộc Mông. Thời điểm đó, anh thu thập được nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác nắm bắt tình hình tại điểm nhóm TCBHPDVM xóm Lũng Sặp, xã Quốc Toản. Tiến hành thu thập các tài liệu quan trọng của các đối tượng theo TCBHPDVM, lập hồ sơ tổ chức của điểm nhóm Lũng Sặp, lập sơ đồ phục vụ công tác đấu tranh xóa bỏ các biểu tượng của TCBHPDVM.

Khó khăn nhất là đấu tranh trực diện với các đối tượng, khi hằng ngày là bà con hàng xóm nhưng vào thời điểm cam go các đối tượng trở thành những người hoàn toàn khác, anh phải khôn khéo sử dụng các biện pháp để tuyên truyền, giải thích bằng ngôn ngữ địa phương trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, mong mọi người hiểu và đi theo chủ trương, đường lối của Đảng, Bác Hồ, từ bỏ không nghe, không theo TCBHPDVM. Nhiều gia đình không dễ dàng từ bỏ, họ thể hiện chống đối bằng nhiều cách, anh và đồng đội phải đi lại nhiều lần, tuyên truyền, giải thích, thuyết phục trên 140 lần. Qua những lần tuyên truyền đó, người dân hiểu và các gia đình tự tháo dỡ “tấm phông trắng” treo trong nhà, không tổ chức các hoạt động chống đối khi chính quyền địa phương tiến hành tháo dỡ “nhà đòn” tại điểm nhóm. Trực tiếp tham gia thực hiện công tác tiếp xúc, tấn công chính trị các đối tượng cầm đầu, cốt cán hoạt động tích cực tại điểm nhóm, góp phần vô hiệu hóa khả năng, điều kiện hoạt động của nhóm đối tượng này.

Bước chân anh cùng các đồng chí trong đội in hằn trên từng cung đường, để lại dấu ấn của những tháng ngày dày công tuyên truyền, vận động, đóng góp quan trọng trong việc vận động thành công 13 hộ/71 nhân khẩu chịu ảnh hưởng của TCBHPDVM trên đỉnh Lũng Sặp ký cam kết rời bỏ TCBHPDVM. Đồng chí Vũ Trần Chính, Phó trưởng Công an huyện Quảng Hòa cho biết: Đơn vị xem xét và thống nhất lựa chọn đồng chí Ninh thực hiện nhiệm vụ, giao nhiệm vụ lần này, chúng tôi khá yên tâm vì lợi thế của Ninh là người địa phương, có trình độ, tố chất, tuổi trẻ, sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Và đúng như kỳ vọng, đồng chí Ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, đồng chí được các cấp, ngành khen thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, tập thể đơn vị đề nghị Bộ Công an tặng Bằng khen.

Đưa con chữ về bản

Lũng Sặp là xóm vùng cao của xã Quốc Toản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nơi đây cơ bản là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đường đi lại khó khăn. Từ ngày 13 hộ dân ký cam kết rời bỏ TCBHPDVM, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, đoàn thể, giờ đây đường mở đến từng nhà, đồng bào được hỗ trợ cây, con giống, kiến thức trồng trọt tăng năng suất, kinh tế gia đình dần ổn định. Để đồng bào có thể tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Ninh tham mưu thủ trưởng đơn vị phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thành lập Tổ công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông tổ chức lớp học xóa mù chữ cho bà con nơi đây, anh là người tiên phong trong việc dạy học cho bà con. Hằng ngày, sau khi tạm gác lại công việc ở đơn vị, anh và những đồng chí trong tổ công tác tiếp tục băng rừng, vượt núi đến dạy học cho bà con. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đúng giờ các “thầy” có mặt hỗ trợ, giúp bà con biết đọc, biết viết, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các kỹ năng sống.

Đồng chí Hoàng Văn Ninh và các thành viên Tổ công tác của huyện thăm hỏi người dân xóm Lũng Sặp, xã Quốc Toản (Quảng Hòa).

Anh Phùng Văn Lình, xóm Lũng Sặp là người đầu tiên từ bỏ TCBHPDVM chia sẻ: Nhờ có anh Ninh cùng các cán bộ đến tuyên truyền cho chúng tôi hiểu và từ bỏ TCBHPDVM, giờ đây tôi biết đọc, biết viết và tính toán, tôi có thể áp dụng kiến thức học được vào chăn nuôi, trồng trọt, Nhà nước hỗ trợ làm đường, làm nhà. Chúng tôi rất vui và biết ơn Đảng, Nhà nước, lực lượng công an.

Để đảm bảo an ninh trật tự khu vực, anh Ninh tham mưu xây dựng mô hình đảm bảo an ninh trật tự “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự không có tệ nạn ma túy” tại xóm, giúp người dân nâng cao nhận thức, đoàn kết, bảo vệ an ninh trật tự. Ngoài ra, tham mưu thành lập 8 đội văn nghệ tại các xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tham gia các hoạt động xã hội hóa, an sinh xã hội tại địa phương.

Hồng Chuyên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguoi-con-cua-nui-rung-3167378.html