Người chánh bái lễ hội Bà Thu Bồn đã đi xa

Dẫu vẫn biết không bao lâu nữa, cụ ông Thái Văn Lịch sẽ rời cõi tạm theo quy luật nghiệt ngã của đời người nhưng khi hay tin cụ từ trần, bà con hai làng Thu Bồn Đông, Thu Bồn Tây (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đều tiếc thương lão làng 93 tuổi, được tôn kính là linh hồn lễ hội Bà Thu Bồn nổi tiếng của xứ Quảng.

Cụ Thái Văn Lịch được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp trong việc tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh gia đình cung cấp

Ở xã Duy Tân, ai cũng biết cụ là một trong ba bô lão có công rất lớn trong việc phục dựng lại lễ hội Bà Thu Bồn đã có từ hàng trăm năm trước, dân địa phương thường gọi là Lệ Bà. Trải qua bao bận thăng trầm thời cuộc, bom đạn chiến tranh đã làm đứt gãy lễ hội này trong thời gian khá dài và khi đất nước thống nhất, lễ hội mới được cải tử, hoàn sinh.

Có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, song các câu chuyện mang sắc màu huyền bí ấy đều khắc họa, tô vẽ chân dung về người mẹ của xứ sở miền sông nước giàu lòng yêu thương với đức hy sinh cao đẹp. Những năm đầu phục dựng lễ hội cũng là thời điểm đất nước vừa bước ra từ lửa đạn chiến tranh, đời sống làng quê lúc bấy giờ còn quá thiếu thốn về vật chất nên cụ Thái Văn Lịch phải chạy khắp nơi tìm nguồn cùng bà con trong làng chung tay, góp sức xây dựng lại lăng mộ Bà, may sắm áo quần, mũ mão, trống mõ, cờ xí… để tổ chức lại lễ. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu leo lét, cụ giở từng trang sách Hán - Nôm của tiền nhân, nghiền ngẫm từng con chữ để thực hiện cho đúng nghi lễ của cha ông có từ lâu đời.

Với niềm khát khao và công lao rất lớn trong việc gầy dựng lại nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của làng quê bị mai một, cụ được dân làng bầu làm chánh bái lễ hội Bà Thu Bồn. Theo tục lệ, người lưu giữ, bảo quản bản sắc của vua triều Nguyễn phong Thượng đẳng thần cho Bà Thu Bồn phải là người mẫu mực, có uy tín nhất nên cụ Thái Văn Lịch được bà con trong làng trao gửi thêm nhiệm vụ này.

Cứ ba năm một lần, Hội đồng hương chức lễ hội Bà Thu Bồn lại họp, bình chọn người chánh bái và giữ sắc phong nhưng do cụ là người có đủ niềm tin, lại thường xuyên nghiên cứu khá kỹ về văn hóa dân gian, luôn đau đáu nỗi lòng với nguồn cội nên liên tục từ năm 1975 đến năm 2014, cụ được cử chọn nắm giữ công việc này. Gần 40 năm với vai trò chủ bái lễ hội, cụ rút ra được nhiều kinh nghiệm hay trong lễ lạt nên sau khi xin nghỉ làm chủ lễ do tuổi cao, sức yếu, cụ lại được dân làng và chính quyền địa phương cử làm cố vấn giúp cho ban tế lễ của làng.

Trải qua bao năm tháng, quy mô lễ hội Bà Thu Bồn từng bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ ban đầu chỉ cúng Bà Thu Bồn đơn sơ tại lăng mộ đến một lễ hội hoành tráng với các nghi thức: bài trí, rước nước, rước sắc, đại tế, hoàn sắc… cùng dàn lân, cờ xí đa sắc, nhạc cổ, trống chiêng, lọng, kiệu, binh lính hộ tống rất đa dạng, phong phú, trở thành một lễ hội lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Rồi năm 2005, lăng Bà Thu Bồn được xếp hạng di tích cấp tỉnh và từ đó, lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam đưa vào Chương trình lễ hội “Quảng Nam - hành trình di sản”.

Mấy năm gần đây, sức cụ yếu kiệt, đi lại khó khăn nên căn dặn cháu con vào ngày rằm, mồng một phải đến thắp hương để lăng Bà Thu Bồn thêm ấm cúng. Hôm nghe con cháu nói lễ hội Bà Thu Bồn đã được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cụ vui mừng đến rơi nước mắt.

Hôm huyện Duy Xuyên tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 14-3-2022), cụ Thái Văn Lịch được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp trong việc tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn. Bằng khen là sự ghi nhận của địa phương về công lao của cụ trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội Bà Thu Bồn. Đây cũng là lần cuối cùng cụ đến lăng Bà Thu Bồn dự lễ hội đặc sắc này để bây giờ nhẹ nhàng rời trần gian về cõi vĩnh hằng. Xin cầu mong linh hồn cụ mãi mãi nghìn thu thanh thản.

THÁI MỸ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202310/nguoi-chanh-bai-le-hoi-ba-thu-bon-da-di-xa-3957615/