Người cha giỏi tính nhẩm và có tính cách trái ngược của Hồ Anh Thái

Cha tôi dũng cảm thì tôi nhát. Cha tôi hiếu động thì tôi ru rú góc nhà. Cha tôi thích chơi thể thao, đá bóng, đánh cờ tướng... cứ cái gì cha tôi thích thì tôi không thích.

Ngày trước ông chưa ở Paris phải không?

Câu này trong nhà tôi bây giờ đã thành chuyện đùa. Nhưng nó bắt đầu từ một chuyện cũ của cha tôi. Ngày trước ông chưa ở Paris phải không?

Trước năm 1945, cha tôi hoạt động bí mật chống thực dân Pháp và làm việc trong ngành hỏa xa, ngành đường sắt bây giờ. Một thời gian ngồi bán vé tàu, cho người Pháp. Một hôm ngồi kiểm kê sau giờ bán vé, thấy thiếu mất số tiền của bốn chiếc vé hạng nhất. Cha tôi là người giỏi tính nhẩm và nhanh ý. Ông nhớ ra ngay. Trong số hàng trăm người mua vé ngày qua, nhớ ngay ai là người đã lấy vé mà quên trả tiền. Một ông quan người Pháp.

Hai cha con Hồ Sỹ Lãng - Hồ Anh Thái chụp năm 1973.

Chỗ này thì phải dừng lại một chút để nói về cái sự tính nhẩm của cha tôi. Nhân chia cộng trừ trong đầu rất nhanh và các phép tính rất tuần tự. Tôi cũng thừa hưởng cái kiểu tính nhẩm này. Khi cần thì vẫn dùng phép toán trên giấy, rồi cũng có khi dùng máy tính. Nhưng những gì vừa đến và cần tính tại chỗ thì nhẩm tính rất nhanh. 70 độ F chẳng hạn. Quy đổi rất nhanh thành độ C. Công thức là lấy độ F trừ đi 32, rồi nhân với 5, rồi chia cho 9.

Nghe qua thì có vẻ rắc rối, nhưng biết tính nhẩm thì...

Rất nhanh: 70 - 32 = 38.

38 x 5 thì đừng làm phép nhân thông thường cho mệt. Ta nhân lập tức với 10, bằng 380, rồi lấy một nửa của 380.

Rồi chia cho 9.

Vậy đáp số là 70 độ F xấp xỉ bằng 21 độ C.

Nói ra thì dài, thực ra những phép tính thủ công kiểu ấy lại chạy loang loáng rất nhanh trong đầu. Người làm phép tính bài bản chắc sẽ buồn cười, nhưng cách tính thủ công nhiều khi có lợi thế của nó.

Trở lại với phép tính mà cha tôi lục lại trong trí nhớ. Số tiền bị hao hụt đúng bằng bốn chiếc vé hạng nhất. Nhớ rồi. Đó là một ông Tây mua vé cho cả nhà đi nghỉ mát. Mải nói chuyện bằng tiếng Pháp về các điểm du lịch, cả hai đều quên chuyện thanh toán tiền.

Cha tôi lục trong sổ bán vé, tìm ra địa chỉ ông Tây. Rồi đến nhà ông ta, trình bày rõ sự việc. Ông Tây xuýt xoa xin lỗi rồi mang tiền ra thanh toán đầy đủ. Ông Tây gặp được người Việt có thể chuyện trò bằng tiếng Pháp thì thích lắm.

Một chén trà, vài câu chuyện, rồi cha tôi chào khách hàng, thong thả bước ra khỏi văn phòng của ông ta.

- Này ông - Ông Tây nói với theo - Ngày trước ông chưa ở Paris phải không?

Bỏ cha, mình có ở Pháp bao giờ đâu mà lão này hỏi vậy. Cha tôi nghĩ. Rồi hiểu ra ngay. Lão muốn nhắc rằng mình đã quên đóng cửa ra vào.

Cha tôi xin lỗi rồi đóng cửa lại như đã được nhắc nhở.

Sự nhắc nhở tế nhị.

Bây giờ ở trong nhà, ai ra vào mà quên đóng cửa, tôi đều hỏi:

- Ngày trước ông (bà) không ở Paris phải không?

Đã thành một chuyện để trêu nhau. Lúc ấy cũng là dịp để nhớ về cha tôi, một người vốn vui tính.

Tính cách hiếu động, mạnh bạo của cha

Khi tôi còn bé, một trong những điều mà cha tôi thất vọng là tôi quá nhút nhát. Con khác hẳn cha. Cha tôi dũng cảm thì tôi nhát. Cha tôi nhanh nhẹn thì tôi không nhanh. Cha tôi hiếu động thì tôi ru rú góc nhà, chỉ thích đọc sách và chơi một mình. Cha tôi thích chơi thể thao, đá bóng, đánh cờ tướng... cứ cái gì cha tôi thích thì tôi không thích.

Ông không chỉ đá bóng mà thôi, lại còn cộng tác với Tổng cục Thể dục thể thao, làm trọng tài bóng đá hạng A. Là nhà báo bút danh Việt Quỳnh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng ông còn lên đài tường thuật bóng đá trực tiếp. Đánh cờ thì tham gia Hội Cờ tướng Việt Nam, từng đấu mấy trận với nhà vô địch cờ Trung Quốc tên là Hồ Vinh Hoa, người giật giải vô địch năm 16 tuổi...

Nói thế để biết sự nhút nhát của tôi là trái ngược hoàn toàn với tính cách cha tôi.

Cũng là thời cha tôi làm hỏa xa. Có lần ông được điều sang một ga xép ở rừng Lào. Tôi nhớ ông kể là vùng Ba Na Phào. Gần ga có một căn nhà bỏ hoang. Vài anh em đồng nghiệp kể rằng đó là nhà mẹ Cò. Mẹ Cò là một người đàn bà đã thắt cổ tự tử trong nhà mình. Rồi không còn ai dám lai vãng đến căn nhà ấy nữa. Ban đêm người ta vẫn thấy một người đàn bà áo trắng đi lại ở đấy. Nhà có ma.

Ma nào. Ma trong đầu các cậu thì có. Cha tôi bảo.

Tranh vẽ nhà văn Hồ Anh Thái.

Tuổi trẻ hiếu động. Tinh nghịch. Và có chút liều lĩnh, muốn chứng tỏ. Một đêm cha tôi vác cái ghế xếp đến nhà mẹ Cò. Giở cái ghế xếp ra cho ngay ngắn. Rồi nằm xuống ngủ một giấc đến sáng. Sáng ra. Xách cái ghế xếp về. Mấy anh bạn ở cùng xúm lại hiếu kỳ hỏi, có thấy ma không.

Có. Ma ở trong đầu các cậu.

Trong nhà có một người đặc biệt thừa hưởng tính không sợ gì của cha tôi, là anh Tài. Không sợ gì và không sợ ai.

Tôi thì ra đường gặp ai cũng ngại. Chào người ta cũng không dám chào to, lúng búng trong mồm như không chào. Nhát như cáy. Thành ra mỗi khi đến rạp xem phim, hễ trên màn ảnh có nhân vật thiếu nhi, bao giờ cha tôi cũng bảo: Đấy, người ta bằng tuổi mình mà người ta đóng phim, người ta có sợ gì đâu.

Không ngờ câu nói ấy lặp lại nhiều lần đã gieo vào lòng tôi tính tự ái, rồi quyết tâm cải biến bản thân. Sau này tôi cũng hay dùng những câu khích như vậy với đám con cháu các anh chị. Mong là chúng tự ái và thay đổi. Nhưng chưa thấy đứa nào tự ái. Và cũng chẳng quyết tâm.

Một người cha mê văn chương

Cha tôi giỏi nhớ và mê văn chương. Ông là người Tây học, thành thục tiếng Pháp, làm ở Ban Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng ông cũng biết cả tiếng Trung. Khi tôi còn bé, thường nghe ông cãi nhau với cái đài. Thỉnh thoảng ông lại kêu lên trước những câu sai ngữ pháp, những câu cụt câu què hoặc những câu Tây An Nam người ta đang đọc trên đài. Phản ứng bản năng của một nhà biên tập. Toàn là cộng tác viên của ông và đồng nghiệp của ông đấy chứ đâu.

Ông thường bảo: Người Việt viết văn viết báo ít nhất phải biết từ Hán Việt để không viết thừa, và phải biết một thứ tiếng phương Tây để đối chiếu văn phạm. Không viết thừa, ví dụ: sông Hồng Hà, sông Cửu Long Giang, cây cổ thụ, ăn gạo mễ, mũ miện, ngày chủ nhật... Biết một ngôn ngữ như tiếng Anh tiếng Pháp thì có thể so sánh ngữ pháp.

Ông Hồ Sỹ Lãng.

Cha tôi mê thơ. Một lần nhắc đến Huế, ông đọc ngay bài thơ có khung cảnh Huế, rồi bảo tôi giở sổ ra nghe ông đọc tại chỗ mà chép lại: Thuở ấy miền Hương Ngự / Dịu dàng như một lá thư xanh / Một dòng sông xinh / Đôi bờ thông nhỏ / Có con đường ngát gió / Về Nam Giao bóng nắng chênh chênh / Em tôi áo biếc hiền lành / Lòng vui bước rộn nhanh nhanh đường dài...

Sau này tôi viết văn, có cuốn tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng được nhà văn Huy Phương thích. Lúc ấy chú Huy Phương mới nhắn tôi đến gặp, rồi tôi kể với chú rằng cha tôi đọc cho nghe từ bé bài thơ Em tôi. Chú Huy Phương cười có vẻ rất thú vị: Ồ, bài ấy của một thời rồi, chú viết cho cô em gái là Thanh Hương đấy mà. Cô Thanh Hương là vợ nhà văn Vũ Tú Nam, cũng phải về sau này tôi mới gặp. Nhân vật cô em gái “em tôi áo biếc hiền lành” khi tôi gặp đã là một bà ngoài bảy chục tuổi.

Trích sách "Cha và con - Tình cha con của những người nổi tiếng"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-cha-gioi-tinh-nham-va-co-tinh-cach-trai-nguoc-cua-ho-anh-thai-post956625.html