Người cha đấu tranh với chẩn đoán con trai bị rối loạn phổ tự kỷ

Bác sĩ nhi khoa của thằng bé khăng khăng xếp loại Robin vào 'rối loạn phổ tự kỷ'. Tôi muốn nói với tay đó rằng tất cả người sống trên hành tinh nhỏ xíu này đều nằm trên một phổ.

Thằng bé đã cầm sẵn một chiếc đèn pin cứu hộ, loại sạc bằng tay quay. Chiếc đèn mê hoặc thằng bé khi bố con tôi tới đây lúc sáng, và con bắt tôi phải giải thích cơ chế hoạt động mầu nhiệm của nó. Giờ thằng bé đang nghiện việc tự mình tạo ra dòng điện.

Chúng tôi đã yên vị bên trong căn cứ tạm thời. Thằng bé nom phấn khởi biết bao, niềm vui của con cũng là ý nghĩa cho toàn bộ chuyến đi đặc biệt này. Bố con tôi nằm trên hai chiếc giường trải trên những thanh gỗ đang võng xuống của sàn gỗ, niệm thành tiếng bài cầu nguyện thế tục xa xưa như mẹ con vẫn hay làm, rồi chìm vào giấc ngủ bên dưới bốn trăm tỷ vì sao trong thiên hà của chúng ta.

Tôi chưa bao giờ tin vào những chẩn đoán mà các bác sĩ dành cho con trai mình. Khi một căn bệnh mang ba tên gọi khác nhau qua suốt nhiều thập kỷ, khi người ta phải cần đến hai hạng mục phân loại phụ chỉ để giải thích cho những triệu chứng hoàn toàn mâu thuẫn nhau, khi bệnh của con tôi chỉ mất đúng một thế hệ để từ chỗ chưa từng tồn tại nay đã trở thành hội chứng rối loạn ở trẻ nhỏ được chẩn đoán nhiều nhất nước Mỹ, khi hai bác sĩ muốn kê ba toa thuốc khác nhau, thì có điều gì đó không ổn chút nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pavel Danilyuk/Pexels.

Robin của tôi không phải lúc nào cũng ngủ ngon. Thằng bé tè dầm mỗi mùa vài lần, khiến con dằn vặt vì xấu hổ. Thằng bé không chịu được tiếng ồn, con thích vặn âm lượng TV xuống nấc nhỏ nhất, nhỏ đến nỗi tôi không nghe được gì.

Thằng bé ghét mỗi khi con khỉ bông ngồi không đúng cái kệ cao trong phòng giặt bên trên chiếc máy giặt. Con dùng hết tiền tiêu vặt để mua trò chơi thẻ sưu tập - Phải sưu tập đủ hết! - nhưng lại giữ nguyên những tấm thẻ trong bọc nhựa, theo số thứ tự, bên trong một bìa đựng đặc biệt.

Thằng bé có thể ngửi thấy mùi ai đó thả bom từ phía bên kia một rạp phim chật ních người. Con thích tập trung nhiều giờ đồng hồ vào những cuốn sách Khoáng Sản của Bang Nevada hay Những Vị Vua Và Hoàng Hậu Của Anh Quốc - bất cứ thứ gì được trình bày trong bảng biểu.

Thằng bé vẽ liên tục và vẽ rất đẹp, tỉ mẩn ký họa những chi tiết tinh xảo mà tôi không thể nhìn ra. Con vẽ những tòa nhà và máy móc phức tạp suốt một năm trời. Rồi sau đó đến động vật và cây cỏ.

Những phát ngôn của thằng bé là điều bí ẩn kỳ lạ với tất cả mọi người, trừ tôi. Con có thể trích dẫn toàn bộ các cảnh phim, dẫu chỉ mới xem qua một lần. Con không ngừng lặp đi lặp lại những ký ức trong đầu, mỗi lần nhắc lại các chi tiết lại khiến con vui hơn. Khi đọc xong một cuốn sách ưa thích, thằng bé ngay lập tức bắt đầu lại từ trang đầu tiên. Con dễ dàng buồn bã và nổi cáu vì những chuyện không đâu. Nhưng con cũng dễ dàng ngập tràn niềm vui theo cách tương tự.

Trong những đêm không êm ả khi Robin lần tìm đến giường ngủ của tôi, con muốn nằm ở phía xa nhất khỏi những nỗi kinh hoàng vô tận bên ngoài cửa sổ. (Mẹ con cũng luôn nằm ở phía an toàn.) Con hay mơ mộng, hay trễ hạn chót nộp bài vở và, phải rồi, cũng hay từ chối tập trung vào những điều mình không thấy hứng thú.

Nhưng con chưa bao giờ bồn chồn hay hấp tấp, cũng không bao giờ nói luôn mồm. Và con có thể bất động hàng giờ đồng hồ bên những điều mình yêu thích. Nói tôi nghe xem, sự thiếu hụt gì có thể tạo ra tất cả điều này? Chứng rối loạn nào có thể lý giải nổi thằng bé?

Có nhiều gợi ý, bao gồm các hội chứng liên quan đến hàng tỷ tấn chất độc được phun lên nguồn cung thực phẩm trên khắp nước Mỹ mỗi năm. Bác sĩ nhi khoa thứ hai của thằng bé đã khăng khăng xếp loại Robin vào “rối loạn phổ tự kỷ”. Tôi muốn nói với tay đó rằng tất cả những người đang sống trên hành tinh ăn may nhỏ xíu này đều nằm trên một phổ.

Đó chính là ý nghĩa của từ phổ. Tôi muốn nói với tay đó rằng bản thân cuộc sống này đã là một chứng rối loạn phổ, nơi từng người trong chúng ta rung động theo một tần số độc nhất trên một dải cầu vồng bất tận. Rồi tôi muốn đấm vào mặt ông ta. Tôi đoán người ta cũng có tên gọi cho thôi thúc đó.

Lạ thay, trong cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần lại không có khái niệm nào để chỉ chứng ám ảnh chẩn đoán người khác.

Khi trường của Robin đình chỉ học thằng bé hai ngày và mời đến bác sĩ của riêng họ, tôi thấy mình giống một kẻ cổ hủ phản động. Có gì cần phải giải thích? Trang phục làm từ vải tổng hợp khiến thằng bé bị chàm kinh người.

Bạn học cùng lớp thường bắt nạt thằng bé vì nó không hiểu được những màn buôn chuyện ác ý của chúng. Mẹ thằng bé bị nghiền chết khi nó mới lên bảy. Con chó yêu quý của nó thì chết vì hoảng loạn sau đó chỉ vài tháng. Cánh bác sĩ còn cần thêm bất cứ lý do nào nữa để giải thích cho hành vi bất ổn của thằng bé?

Richard Powers/Bách Việt - NXB Văn Học

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-cha-dau-tranh-voi-chan-doan-con-trai-bi-roi-loan-pho-tu-ky-post1468119.html