Người cao tuổi nêu gương phát triển kinh tế

Phong trào phát triển kinh tế được nhiều hội viên người cao tuổi trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương...

Toàn tỉnh có trên 180.000 người cao tuổi (NCT), trong đó có gần 172.000 hội viên NCT sinh hoạt tại 2.151 chi hội NCT. Trong những năm qua, các cấp hội NCT luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương hội NCT và phong trào thi đua tại địa phương, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao- gương sáng” trên các lĩnh vực, nhất là NCT thi đua làm kinh tế giỏi.

Ông Phan Văn Uân (thứ 2 từ phải sang) và các doanh nhân cựu chiến binh trao đổi kinh nghiệm kinh doanh.

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh, cho hay: 5 năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương hội NCT Việt Nam phát động được Ban đại diện NCT tỉnh triển khai sâu rộng đến các cấp hội; quán triệt sâu sắc phương châm còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; NCT sức khỏe yếu, nhưng có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế thì hướng dẫn con cháu làm kinh tế.

Thực tế cho thấy, phong trào phát triển kinh tế đã được nhiều hội viên NCT trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Nhiều NCT làm chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ, chủ trang trại hoặc chủ doanh nghiệp...

Trong 5 năm qua có gần 2.000 NCT làm kinh tế giỏi tiêu biểu cấp xã, 154 NCT làm kinh tế giỏi tiêu biểu cấp huyện, được công nhận và khen thưởng; 48 NCT làm kinh tế giỏi tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận, trong đó 22 NCT tiêu biểu đang đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.

Điển hình như ông Phan Văn Uân, tổ 8, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), kinh doanh, phân phối mỹ phẩm, chăn ga gối đệm, có vốn đầu tư kinh doanh trên 20 tỷ đồng, lợi nhận bình quân đạt 1,6 tỷ đồng/năm. Chuỗi cửa hàng kinh doanh của ông giải quyết việc làm ổn định cho 35 lao động, với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Hay như ông Lôi Đình Quốc, tổ dân phố Cầu Trắng, thị trấn Đu (Phú Lương), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân Phú Lương. Ông thành lập Quỹ tín dụng tài chính, cho vay vốn từ năm 2008, tổng số thành viên của Quỹ đến nay là 1.839 thành viên. Doanh số cho vay năm 2023 đạt 120 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu biểu có bà Nguyễn Thị Tươi, xóm 7, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). Bà Tươi là Chủ tịch Hội NCT xã Phúc Thuận luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Gia đình bà có mô hình trồng chè cành với trên 5.500m2, kết hợp phát triển trang trại chăn nuôi lợn rừng. Tổng thu nhập từ trồng chè và chăn nuôi lợn rừng mỗi năm của gia đình bà đạt trên 1 tỷ đồng.

Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế, nhiều NCT trên địa bàn tỉnh không chỉ làm giàu cho gia đình, xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, mà còn tích cực đóng góp vào hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Đơn cử như ông Phan Văn Uân, tổ 8, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), từ năm 2018 đến nay tham gia ủng hộ các loại quỹ từ thiện, nhân đạo trên 400 triệu đồng; ông Bùi Đức Dũng, tổ dân phố Cây Châm, thị trấn Đu, (Phú Lương), trong 5 năm (2018- 2023) đã ủng hộ xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 15 triệu đồng, xây dựng kênh nương 15 triệu đồng, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt 1 tấn gạo, ủng hộ quỹ khuyến học 5 triệu, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn 40 triệu đồng…

Ghi nhận vai trò, đóng góp của NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban đại diện NCT tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi lần thứ VI, giai đoạn 2018-2023, trong thời gian tới. Hội nghị ngoài động viên kịp thời NCT nêu gương sáng trên mặt trận kinh tế cũng là dịp để những NCT làm kinh tế giỏi trao đổi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202308/nguoi-cao-tuoi-neu-guong-phat-trien-kinh-te-86339f7/