'Người bạn' thầm lặng của phạm nhân

Đã nhiều lần tôi được tiếp cận với không gian của Thư viện sách phạm nhân (Trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an). Lần nào những người quản lý Thư viện và những cuốn sách ở đây cũng để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt.

Đã nhiều lần tôi được tiếp cận với không gian của Thư viện sách phạm nhân (Trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an). Lần nào những người quản lý Thư viện và những cuốn sách ở đây cũng để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt.

Thư viện sách phạm nhân và mô hình Lăng Hồ Chủ tịch do các phạm nhân xếp bằng sách.

Là khách mời của chương trình “Giai điệu bình yên” do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, tôi lại có cơ hội “thâm nhập” Thư viện và tiếp xúc với cán bộ quản lý, phạm nhân trông coi Thư viện.

Trung tá Nguyễn Thái Anh, cán bộ phụ trách Thư viện từ năm 2018 đến nay, cho biết: Thành lập tháng 9-2014, Thư viện hiện có hơn 5.000 đầu sách về Văn học, Y học, Kỹ năng sống, Pháp luật, Lịch sử… Số sách này từ các nguồn: Do Thư viện tỉnh luân chuyển đến, do các ban, ngành ủng hộ và sách của người nhà phạm nhân tặng. Mỗi tháng trung bình có khoảng 300-500 lượt sách được phạm nhân mượn đọc. Nhiều phạm nhân khi ở ngoài không quan tâm đến sách, nhưng vào đây lại chăm đọc sách. Không chỉ mở mang hiểu biết, quý trọng sách mà họ đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức, quan niệm sống, từ đó cải tạo tốt hơn. Điều này được thể hiện qua các cuộc thi “Cảm nhận từ sách” do Trại giam Phú Sơn 4 tổ chức. Các bài thi của phạm nhân được chấm chọn, sân khấu hóa và biểu diễn, trao đổi. Nhiều người đã bày tỏ suy nghĩ về nhân vật thần tượng, dự kiến tương lai của mình sau khi đọc cuốn sách họ tâm đắc.

Một trong những người thay đổi cách nghĩ nhờ sách là phạm nhân Nguyễn Anh Quân, Phó đội Tự quản Phân trại 1. Trò chuyện với tôi, Quân cho biết đã ở trại 10 năm và chỉ còn vài tháng nữa là được ra tù, trước thời hạn 6 năm.

Quân nói: Khi vào trong này cháu mới thấy có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Nếu người nào trông chờ quá lớn vào sự giúp đỡ của người khác, mà không nhìn vào khả năng chính mình thì sẽ thất vọng lớn. Bản thân cháu cũng phải chịu đựng nhiều biến cố: Bị đi tù do án kinh tế, khi sắp ra tù thì vợ bỏ. Nhưng từ khi cháu đọc được cuốn sách “Cảm ơn người đã làm bạn đau khổ”, cháu đã nhìn lại các mối quan hệ với người thân, bạn bè… và chấp nhận những biến cố đến với mình, cuộc sống nhờ thế bớt nặng nề hơn.

Trong Thư viện có khá nhiều đầu sách truyền niềm tin, sức mạnh tương tự cuốn sách “cứu cánh” của Quân, được nhiều phạm nhân tìm đọc như: “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, “Cuộc sống không giới hạn”, “Sống cho điều ý nghĩa hơn” (tác phẩm của Nick vujicic, người đàn ông không chân tay, Chủ tịch tổ chức quốc tế “Cuộc sống không giới hạn”). Các cuốn: “Làm chủ vận mệnh của bạn”; “Dám ước mơ”; “Hạnh phúc hay không do ta quyết định”; sách Phật pháp của các thiền sư…

Phạm nhân Trần Văn Cường, người trực tiếp trông coi Thư viện, say sưa giới thiệu với tôi mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp bằng sách. Anh Cường nói: Các đầu sách viết về sự nghiệp vĩ đại, tấm lòng cao cả của Bác được trân trọng xếp vào vị trí trung tâm. Các tầng được xếp từ những cuốn sách như: Nẻo về, Đắc nhân tâm và những cuốn Phật pháp thể hiện sự ăn năn, hối hận trước những tội lỗi bản thân gây ra, thể hiện sự quyết tâm phấn đấu lao động, cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội. Công trình như một lời hứa của phạm nhân: Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ luôn cố gắng sửa chữa lỗi lầm, tuân thủ pháp luật để sớm được trở về với gia đình, làm công dân có ích cho xã hội.

Mong muốn Thư viện làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, Trung tá Nguyễn Thái Anh bày tỏ: Dù sách của Thư viện phạm nhận khá phong phú, nhưng chúng tôi vẫn cần cập nhật sách mới về pháp luật, sách kỹ năng sống và các tác phẩm văn học đương đại. Đó cũng là những “người bạn” thầm lặng, đồng hành với phạm nhân trên con đường trở về nẻo thiện.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202311/nguoi-ban-tham-lang-cua-pham-nhan-f8b1538/