Người bạn của trẻ em gái

Cô Chúc luôn tin rằng, không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng sẽ tham gia vào các công việc xã hội nhiều hơn, tích cực hơn nếu được trao cơ hội. Và điều đó sẽ giúp nữ giới khẳng định giá trị trân quý của bản thân trước gia đình, cộng đồng và xã hội.

Như bao đứa trẻ khác ở quê cùng trang lứa, cô Sải Thị Chúc, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều gian khó.

Bố mẹ cô Chúc sinh được 2 người con gái. Theo chia sẻ của cô, đối với dân tộc Nùng, việc không có con trai là một sự xấu hổ của dòng họ, vì đồng bào quan niệm sau này không có ai thờ cúng tổ tiên, gia đình không có người nối dõi.

Bởi vậy, cô Chúc chính là nạn nhân của sự kỳ thị, hắt hủi trong mắt mọi người. Khi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cô chẳng quan tâm đến những chuyện đó. Nhưng khi học hết cấp 2, cô Chúc rơi xuống vực sâu của sự tuyệt vọng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì truyền thông phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại thôn Tả Chải, xã Bản Máy (Ảnh: CTV)

Cô kể lại, ngày ấy, người dân quê cô luôn cho rằng con gái là con nhà người ta, nuôi đi học cao cho tốn tiền. Mẹ cũng chỉ muốn cô nghỉ học ở nhà, đợi lớn hơn một chút nữa thì đi lấy chồng. Lúc ấy thế giới như khép lại, cô Chúc sợ hãi khi ở trong chính ngôi nhà của mình, sợ hãi phải đối diện với ý nghĩ của mẹ.

May mắn cho cô Chúc là có một người bố tuyệt vời. Bố đã luôn bên cô khi bị chúng bạn trêu chọc là “vịt giời” ngày đi học. Để bảo vệ con gái, một lần nữa, bố đứng ra chống lại định kiến xã hội và dòng họ, giúp cô thay đổi vận mệnh cuộc đời.

Ngày ấy, bố dấu gia đình đăng ký để cô thi vào trường nội trú huyện. Cô Chúc đã được trường lựa chọn. Hôm cô chuẩn bị bước chân vào ngôi trường nội trú, vẫn có nhiều người họ hàng nói với bố mẹ cô rằng: “Tôi chống mắt lên xem con gái nhà này đi học về sẽ làm được gì? Chẳng mấy mà hư hỏng thôi”…

Cô Chúc thấy mẹ lặng im. Còn bố lặng lẽ cầm túi đồ dắt cô đi ra khỏi con đường làng thân thuộc. Trường học ở xa nhà nên hai bố con phải đi bộ mất 20 km mới đến được nơi nhập học.

Bước chân vào ngôi trường mới, cuộc sống của cô Chúc sang một trang khác. Cô Chúc đã lấy những ánh mắt dò xét, những câu nói hắt hủi, trêu ghẹo của mọi người để làm động lực phấn đấu mỗi ngày.

Ở trường học, cô Chúc nắm được thông tin sau khi tốt nghiệp cấp 2, những người bạn thời chăn trâu của cô lần lượt lấy vợ, lấy chồng hết. Thấy họ không thể chống đỡ nổi trước những định kiến lạc hậu của dân tộc mình, cô Chúc quyết tâm phải làm thay đổi suy nghĩ của người dân quê hương.

Từ đó, cô ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên đem con chữ, sự hiểu biết về quê hương giúp người dân quê mình thay đổi suy nghĩ; giúp những đứa trẻ, đặc biệt là trẻ em gái không phải chịu nạn tảo hôn mà được đến trường.

Sự cố gắng, nỗ lực của cô Chúc đã được đền đáp xứng đáng. Ra trường với tấm bằng loại Khá, cô Chúc xin về quê công tác, phát triển sự nghiệp.

Sinh ra từ làng, lớn lên cùng những định kiến xã hội, bản thân là nạn nhân của định kiến đó nên cô Chúc hiểu rõ tâm lý của người dân và học sinh nơi đây.

Ở quê cô, 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số nên trình độ hiểu biết còn thấp. Khó khăn chồng chất khó khăn, cái nghèo luôn đeo bám khiến một số đứa trẻ ở đây không được đến trường thường xuyên. Nhiều em gái còn bận theo mẹ lên nương làm việc. Con trai được chiều chuộng hơn nên được đến trường…

Thấu hiểu những khó khăn đó, cô Chúc tích cực đến từng nhà, chia sẻ những điều cô biết, dùng chính câu chuyện cuộc đời mình để vận động, thuyết phục đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc học; rồi thì con trai hay con gái thì cũng cần được quan tâm như nhau, được bố mẹ tôn trọng…

Đội bóng nữ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Ảnh: CTV)

Dần dần, bằng những chia sẻ thật lòng, những ví dụ xác thực minh chứng, giữa cô Chúc và bố mẹ học sinh đã xây dựng được mối quan hệ cởi mở hơn. Cô đã từng bước góp phần để các vị phụ huynh có nhận thức đúng đắn hơn về quyền của các con.

Là một người cô, người chị, cô Chúc cũng thường xuyên trao đổi với học sinh về vấn đề giới; lắng nghe để hiểu các em hơn, có hướng giúp đỡ khi các em gặp khó khăn trong cuộc sống.

Sinh ra ở vùng quê nghèo đến nay vẫn còn duy trì một số phong tục lạc hậu, cô Chúc thấu hiểu những khó khăn mà trẻ em gái phải đối mặt. Mong muốn lớn nhất không chỉ của riêng cô mà còn của nhà trường đó là các em gái có cơ hội được đi học, được phát triển năng lực cá nhân, được tham gia vào các hoạt động có ích cùng cộng đồng.

Cô Chúc luôn tin rằng không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng sẽ tham gia vào các công việc xã hội nhiều hơn, tích cực hơn nếu được trao cơ hội. Và điều đó sẽ giúp nữ giới khẳng định giá trị trân quý của bản thân trước gia đình, cộng đồng và xã hội./.

Hải Phan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/binh-dang-gioi-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/nguoi-ban-cua-tre-em-gai-648116.html