Người anh hùng giữa đời thường

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh nên ông Trương Đức Hai tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong quá trình chiến đấu, ông lập nhiều chiến công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trở về đời thường, người thương binh hạng 2/4, 50 tuổi đảng này cùng với đồng đội, đồng chí, đồng bào chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Anh dũng trong chiến đấu

Năm 16 tuổi, ông Trương Đức Hai tham gia vào lực lượng du kích xã Trung Hải cùng lực lượng du kích bám trụ vùng giải phóng tổ chức nhiều trận chống càn địch ở vĩ tuyến 17 để bảo vệ vùng giải phóng. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng ông gan dạ, quả cảm trong chiến đấu, cùng đồng đội đánh nhiều trận chống càn hiệu quả, bảo vệ từ xa, không cho địch tràn vào vùng giải phóng suốt cả năm 1967.

 Ông Hai dành thời gian bên gia đình, trò chuyện với con cháu - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Ông Hai dành thời gian bên gia đình, trò chuyện với con cháu - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Năm 1968, khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra, ông được tăng cường phối hợp với lực lượng du kích xã Gio Mỹ, vừa đánh chống càn vừa bao vây bắn tỉa địch trên cao điểm 31 tại xã Gio Mỹ với mục đích không cho địch càn ra phía Đông của xã Trung Hải, bảo đảm an toàn hành lang phía Bắc cho bộ đội ta tiến đánh vào Cửa Việt. Khi tình hình đã ổn, ông được cấp trên điều về tăng cường tại xã Gio Lễ (cũ) để xây dựng cơ sở cách mạng, hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.

Nhiệm vụ lúc này đòi hỏi phải bản lĩnh táo bạo, quyết đoán và giỏi ứng phó. Bởi, ngoài nắm bắt tình hình, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, ông còn có nhiệm vụ quan trọng là diệt ác trừ gian để bảo vệ phong trào cách mạng. Cùng với đồng đội, ông tham gia nhiều trận đánh vào các đơn vị lính địa phương, nghĩa quân, lính “dơi, nhện” ở địa bàn xã Gio Lễ.

Thời gian này, địch thường xuyên phục kích, bảo vệ vòng ngoài của căn cứ Dốc Miếu và thường xuyên phục kích chặn không cho các cán bộ ta tiếp cận với Nhân dân và cơ sở cách mạng bên trong vùng tạm chiếm. Nhiệm vụ của ông Hai và đồng đội là phải “bám thắt lưng địch mà đánh”. Tổ của ông có 3 đồng chí bám sát mọi nhất cử nhất động để tổ chức đánh úp vào các nhóm phục kích của địch. Với khẩu B40 trên vai, ông Hai nhiều lần khiến địch kinh hồn bạt vía không dám phục kích chặn đường bộ đội của ta nữa.

Với vai trò là lực lượng du kích xã Trung Hải, Gio Mỹ, Gio Lễ (cũ), Gio Sơn ông từng trực tiếp chiến đấu, tham gia chiến đấu gần trăm trận đánh. Với sự mưu trí, dũng cảm, ông nhiều lần cải trang thành “lính cộng hòa”, “lính thủy đánh bộ” để vào sâu trong hang ổ của định nắm bắt tình hình, diệt ác trừ gian. Một trong những trận ông làm nên tên tuổi Trương Đức Hai là lần ông cải trang thành “lính thủy đánh bộ”, trà trộn vào vùng địch tạm chiếm để tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng có nợ máu giữa ban ngày theo yêu cầu của cơ sở cách mạng trong vùng tạm chiếm, tạo lòng tin tuyệt đối cho cơ sở cách mạng bên trong vững vàng hơn.

Năm 1970, ông được đề bạt làm xã đội phó xã Gio Lễ (cũ), đầu năm 1971 được đề bạt làm xã đội trưởng rồi tăng cường về xã Gio Sơn hoạt động ở khu tập trung Quán Ngang với nhiệm vụ củng cố cơ sở cách mạng diệt ác trừ gian. Chiến dịch tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1972 giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh thời gian này, ông được cấp trên giao nhiệm vụ giữ chức Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Gio Sơn. Trong chiến tranh, Gio Sơn là “vùng trắng” nên lúc này mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Song, với sự hỗ trợ, chi viện từ cấp trên, cùng với ý chí và bản lĩnh được tôi rèn của một người từng xông pha trận mạc, ông Hai nhanh chóng tổ chức lực lượng khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất để ổn định đời sống cho hàng trăm người dân từ khu tập trung Quán Ngang và những nơi sơ tán trở về.

Với những chiến công trong chiến đấu và thành tích trong xây dựng quê hương, cựu chiến binh Trương Đức Hai đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu dũng sĩ và hàng chục huân, huy chương các loại. Đặc biệt, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tình nghĩa giữa thời bình

Trong cuộc đời tham gia cách mạng, người anh hùng Trương Đức Hai đã tham gia nhiều trận đánh. Trở về thời bình, ông tiếp tục tham gia xây dựng quê hương với vai trò, vị trí công tác tại nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh. Năm 1974, ông đi học lớp bổ túc văn hóa. Khi 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ sáp nhập thành huyện Bến Hải ông về công tác ở Văn phòng Huyện ủy Bến Hải. Sau này, ông chuyển công tác nhiều nơi với nhiều vai trò khác nhau như: Công ty Thương nghiệp Triệu Hải; Thị ủy Đông Hà; UBND Phường 5, thị xã Đông Hà; Trường Đảng thị xã Đông Hà; Công ty Vật tư tổng hợp Đông Hà; Công ty Vật tư Gio Linh; Công ty Xuất nhập khẩu Hướng Hóa; Khách sạn du lịch Đông Hà... Cho đến năm 1995, ông xin nghỉ hưu trước tuổi do vợ bị bệnh hiểm nghèo để có thời gian chăm lo cho gia đình.

 Anh hùng LLVTND Trương Đức Hai thăm Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Di tích Quán Ngang - Ảnh: NGỌC DUY

Anh hùng LLVTND Trương Đức Hai thăm Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Di tích Quán Ngang - Ảnh: NGỌC DUY

Dù ở cương vị nào, ông Hai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên và đồng nghiệp quý mến, nể phục, luôn giữ được phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Với bản chất cần cù, xông xáo, chịu khó nên dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn muốn làm thêm nhiều việc để cống hiến cho quê hương, vừa để gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Khi điều kiện kinh tế gia đình khá vững vàng, các con cũng đã có cuộc sống ổn định, ông nghĩ nhiều đến việc tham gia cùng khu phố giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình còn khó khăn trong cuộc sống.

Từ suy nghĩ ấy, ông quyết định hằng năm đóng góp kinh phí để TP. Đông Hà chăm lo tốt hơn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Năm 2012, nhân dịp xã Trung Hải, huyện Gio Linh tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng xã, ông Hai đứng ra kêu gọi được 300 triệu đồng để tặng xã Trung Hải xây dựng cổng chào xã.

Một trong những việc làm ý nghĩa mà ông tâm đắc đó là xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Quán Ngang. Ý tưởng này được ấp ủ từ những ngày đầu sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, vì nơi đây đã diễn ra trận đánh cuối cùng để giải phóng huyện Gio Linh. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, khi ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thì tâm nguyện này mới được Huyện ủy, UBND huyện Gio Linh đồng tình ủng hộ và ông tự nguyện đóng góp toàn bộ số tiền thưởng để xây dựng bia tưởng niệm. Năm 2019, công trình được khởi công xây dựng. Cuối cùng, tâm nguyện của ông đã được thỏa nguyện khi ngày 30/3/2022 vừa qua, huyện Gio Linh tổ chức lễ khánh thành công trình mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Những việc làm ý nghĩa của ông Hai không chỉ dừng lại ở đó. Cuối năm 2020, mưa lũ triền miên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thương cảnh đồng bào phải màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu mặc sau mưa lũ, ông Hai tự bỏ tiền túi trên 15 triệu đồng và hàng trăm suất quà nhu yếu phẩm để hỗ trợ Nhân dân xã Tà Rụt, huyện Đakrông ổn định cuộc sống. Một người bạn từng chiến đấu, vào sinh ra tử với Trương Đức Hai đúc kết về ông rằng: “Dũng cảm, kiên quyết nhưng chân thật và khiêm nhường, có tình có nghĩa đó là lẽ sống và bản chất của người anh hùng Trương Đức Hai”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166751&title=nguoi-anh-hung-giua-doi-thuong