Người 25 năm 'bắt mạch thời gian' nơi vỉa hè

(Baonghean) - Không cửa hàng, không bảng biển..., chỉ một chiếc xe tủ kính nép bên góc đường với những dụng cụ nghề đơn giản - đó là những người thợ “sửa thời gian”... Ở TP. Vinh, có một người được mệnh danh là “Bác sỹ sửa thời gian” rất giỏi, có thể chữa được bách bệnh của chiếc đồng hồ, đó là anh Phạm Văn Đức (46 tuổi) trú ở khối 7, phường Trung Đô (TP. Vinh).

Sáng sớm, khi những tia nắng vẫn còn ngái ngủ thì chiếc xe tủ kính chứa những dụng cụ đồ nghề của anh Đức đã được bày đặt sẵn ở mép đường Lê Duẩn (TP. Vinh), một vị trí khá đông đúc người đi lại. Tôi tìm đến “tiệm” của anh vì muốn sửa chiếc đồng hồ đeo tay của mình, tuy còn khá sớm nhưng nhìn nụ cười của anh, tôi yên tâm để vào “mở hàng”...

Anh Phạm Văn Đức đang sửa đồng hồ.

Vừa sửa, anh vừa trải lòng về nghề của mình, đây là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao nên người thợ cần phải kiên trì, không được nóng vội và phải có khả năng quan sát tinh tường để “bắt bệnh”. Nhìn anh cầm chiếc kìm nhẹ nhàng mở từng ốc vít, rồi cẩn thận gắp từng con ốc... tôi mới hiểu tại sao anh nói nghề này cần sự tỉ mỉ và khéo léo cao. Quan sát trong chiếc tủ nhỏ của anh, tôi thấy nhiều bộ đồ nghề sửa đồng hồ như: tua vít, kìm, nhíp, chổi quét, chiếc kính lúp... và những chiếc đồng hồ đã được cứu sống được trưng bày rất đẹp.

Anh Đức cho biết, năm 1990 sau khi đã hoàn thành xong khóa học sửa chữa đồng hồ, anh đã bắt đầu vào hành nghề, vì không có tiền để xây “ốt” nên anh đã chọn cách sửa chữa di động. Theo anh, sửa chữa đường phố cũng có nhiều mặt thuận lợi, thứ nhất không tốn kém đầu tư, thứ hai là có thể lưu động... Ngoài những thuận lợi đó, anh gặp cũng không ít khó khăn như, mỗi khi thời tiết chuyển hướng...

Anh nói, muốn hành nghề lâu dài đặc biệt đối với những người thợ sửa chữa di động thì cần phải tạo được sự uy tín, chất lượng. Anh chia sẻ, đã từng gặp rất nhiều ca “bệnh” khó, thế nhưng với sự quyết tâm, cố gắng và đam mê nghề thì anh chưa từng chịu thua bất kỳ trường hợp nào. Suốt ngày, bám đường phố mưu sinh từ sáng cho đến tối, thế nhưng, thu nhập hàng ngày của anh Đức chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. “Nghề sửa đồng hồ bây giờ thất thường lắm, lúc đông, lúc vắng khách, đồng nghĩa với thu nhập cũng bấp bênh theo, thậm chí hôm ngồi cả ngày chẳng có ai ghé đến. Trung bình thu nhập mỗi tháng bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng”- Anh Đức nhẩm tính.

Nơi "bắt mạch" của anh Đức.

Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, những sản phẩm có tính năng vượt trội đã chiếm lĩnh thị trường, khiến cho nghề sửa đồng hồ không còn hưng thịnh như trước đây. Dọc tuyến đường trên địa bàn TP. Vinh, những người thợ sửa đồng hồ như thế cũng vắng dần, thay vào đó là những cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời thượng khác.

Anh Đức nhớ lại thời hưng thịnh của nghề: “Trước đây gần 20 năm, khắp các nẻo đường trên TP. Vinh đều có tiệm sửa đồng hồ, lúc bấy giờ nghề này được xem là “nghề hót” bởi cho thu nhập khá cao”. Còn bây giờ, khi thời kỳ công nghệ phát triển thì nghề sửa chữa đồng hồ vỉa hè không còn thịnh nữa. “Những người vẫn đang bám đuổi nghề, thực sự là những người rất yêu nghề” - Anh Đức nói và cho hay, cho dù nghề này có trải qua những thăng trầm như thế nào đi chăng nữa, thì anh vẫn sẽ theo nghề cho đến khi không còn khả năng để làm.

Nghề sửa đồng hồ trên hè phố đã qua thời hưng thịnh. Tuy nhiên, còn đó những người thợ gắn bó với nghề, cặm cụi tìm lại sức sống cho những chiếc đồng hồ. Nghề họ đang theo đuổi chỉ là nghề kiếm từng đồng tiền lẻ, thu nhập khá bấp bênh, nhưng như duyên nợ, đã theo nghề rồi khó ai có thể rũ bỏ để tìm việc khác. Đã thành thói quen, một ngày không ra “tiệm” làm, họ đều mang một cảm giác... trống vắng!

Tuấn Anh

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/201611/nguoi-25-nam-bat-mach-thoi-gian-noi-via-he-2752060/