Ngược dòng 'trốn' sóng nhiệt, du khách đổ tới Thung lũng Chết và Hỏa Diệm Sơn

Mùa hè 2023 mới bắt đầu ở Bắc bán cầu, nhưng 2 đợt nắng nóng gay gắt sóng nhiệt đã và đang bao trùm nhiều khu vực tại châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Ngược dòng xu hướng chung, nhiều du khách chọn tới những nơi nóng nhất để trải nghiệm sóng nhiệt theo cách 'đẩy cơ thể tới giới hạn'.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dưới sóng nhiệt tại Las Vegas, Mỹ; du khách dùng quạt giải nhiệt ở Rome, Italy; du khách tại một bãi biển ở thành phố Nafplion, Hy Lạp; du khách tìm cách hạ nhiệt quanh đài phun nước tại Rome, Italy. Ảnh: AFP, Reuters

Mỹ: Thung lũng Chết đón dòng du khách trải nghiệm sóng nhiệt như "xông hơi trong lò lửa"

Các khuyến cáo về sóng nhiệt (heatwaves) đã được ban hành với hơn 100 triệu người Mỹ, khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) dự báo điều kiện đặc biệt nguy hiểm ở các bang Arizona, California, Nevada và Texas. Đặc biệt là tại Thung lũng Chết (Death Valley) - nơi vốn được coi là nóng nhất trên Trái Đất.

Thung lũng Chết là một thung lũng dài và hẹp, nằm ở phần phía bắc sa mạc Mojave, giữa 2 bang California và Nevada của Mỹ. Đây là điểm sâu nhất Bắc Mỹ với nơi thấp nhất ở độ sâu 86m dưới mực nước biển. Thung lũng Chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49 độ C.

Tuy nhiên từ những đụn cát khô cằn đến những kẽ đá, địa hình sa mạc nơi đây có thể "đánh lừa" du khách rằng nó thuộc về một hành tinh gần mặt trời hơn nhiều so với hành tinh của chúng ta. Một nét mê hoặc nữa của Thung lũng Chết là sự dịch chuyển đầy bí hiểm của những tảng đá và vệt "đường đi" của chúng trên cát, dù không phải do áp lực của mưa gió hay dòng nước chảy…

Du khách "trốn" sóng nhiệt, đi bộ lúc chiều muộn kết hợp ngắm hoàng hôn tại công viên Papago ở thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ hôm 14/7. Ảnh: AP

Bảng cảnh báo du khách về nhiệt độ cực cao bằng nhiều ngôn ngữ, được treo tại công viên quốc gia Thung lũng Chết ở Mỹ ngày 11/7. Ảnh: AP

Năm 1933 Mỹ xây dựng tại đây một công viên quốc gia và đã trở thành một nơi nghỉ đông tránh rét. Mỗi năm Thung lũng Chết thu hút hơn 1,1 triệu du khách ghé thăm, trong đó có khoảng 20% số du khách đến trong 3 tháng hè 6,7 và 8.

Mặc dù nhiệt độ tại Thung lũng Chết hiện vẫn chưa vượt qua mức kỷ lục 134 độ F (56,6 độ C) đã được ghi nhận vào ngày 10/7/1913, nhưng cũng đã khá gần. Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, hôm 16/7 nhiệt độ lên tới 128 độ F (53,33 độ C) tại Furnace Creek - nơi có trung tâm du khách, bảo tàng và trụ sở chính của công viên quốc gia Thung lũng Chết.

Cơ quan Dịch vụ công viên quốc gia (NPS) vẫn ban hành cảnh báo "mùa hè cực nóng" kể từ ngày 19/7, khuyến cáo du khách chuẩn bị rất cẩn trọng "để sống sót" vì nhiệt độ sẽ tăng từ 110 độ F (43,3 độ C) lên 120+ độ F (từ khoảng 49 độ C trở lên).

Du khách đi bộ trên tuyến đường mòn Golden Canyon tại Thung lũng Chết ngày 11/7. Ảnh: AP

Trong khi nhiều du khách đổ tới các điểm nghỉ mát để "trốn nóng", thì vẫn có những du khách muốn trải nghiệm "xông hơi trong lò lửa" như tại Thung lũng Chết bất chấp sóng nhiệt. Họ hy vọng được chứng kiến kỷ lục mới nữa về nhiệt độ có thể được thiết lập, đồng thời làm vậy cũng là "đẩy cơ thể mình đến giới hạn".

Báo Insider ngày 20/7 dẫn lời một nữ du khách nói với kênh Channel 4 News rằng, đây là lần đầu cô tới Thung lũng Chết vì tin đó sẽ là "một điều tuyệt vời khi có mặt tại đây trong ngày nóng nhất trên Trái Đất".

Trung Quốc: Hỏa Diệm Sơn đón khoảng 6.000 du khách mỗi ngày

Tại một "điểm nóng" sóng nhiệt mùa hè 2023 khác ở châu Á là Trung Quốc, hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở khu vực vừa chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục 52,2 độ C hôm 16/7. Đó là ngôi làng hẻo lánh Tam Bảo (Sanbao) gần thành phố Thổ Lỗ Phồn (Turpan) ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương.

Kỷ lục mới này phá kỷ lục "lịch sử" trước đó là 50,3 độ C được ghi nhận năm 2015 ở gần khu vực Ayding (Hồ Ngải Đinh, nay đã hoàn toàn khô cạn), cũng thuộc Thổ Lỗ Phồn (Turpan), Tân Cương.

Tên gọi Hỏa Diệm Sơn bắt nguồn từ tác phẩm Tây Du Ký. Theo đó Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung đã đập phá một lò luyện đan, làm tàn lửa rơi từ trên trời xuống nơi nay là Hỏa Diệm Sơn ở Trung Quốc. Ảnh: Ancient Origins

Bất chấp sóng nhiệt, nhiều du khách vẫn đổ tới thắng cảnh Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, Trung Quốc ngày 27/6. Ảnh: Xinhua

Thông tin từ báo chí cho thấy, ngày 20/7, nhiều du khách Trung Quốc đổ tới Hỏa Diệm Sơn (Flaming Mountains) ở khu vực này. Đây là vùng đồi sa thạch màu đỏ cằn cỗi và bị xói mòn, dài khoảng 100km, thuộc dãy Thiên Sơn ở Tân Cương.

Các rãnh có hình dạng ấn tượng của Hỏa Diệm Sơn được tạo thành do sự xói mòn của nền đá sa thạch đỏ, khiến dãy núi trông như bùng cháy tại một số thời điểm trong ngày. Khí hậu tại khu vực này rất khắc nghiệt, với nhiệt độ rất cao vào mùa hè biến Hỏa Diệm Sơn thành nơi nóng nhất Trung Quốc.

Một nhóm du khách từ Osaka, Nhật Bản tới Tân Cương, Trung Quốc từ 18-23/6. Trong lịch trình có chặng dừng chân tại thành phố Thổ Lỗ Phồn. Ảnh: Liu Xin/Global Times

Từ ngày 1-28/6, thành phố Thổ Lỗ Phồn đã đón 2,53 lượt du khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022. Dù mức nhiệt độ kỷ lục mới được dự báo còn kéo dài ít nhất tới ngày 21/7, nhưng trong những ngày qua Hỏa Diệm Sơn vẫn đón khoảng 6.000 du khách/ngày.

Một du khách tên Lou bày tỏ: "Tôi đã trải qua mức nhiệt độ cao nhất trong đời, đó là một trải nghiệm rất tuyệt".

Nguồn: CNN, Reuters…

Thanh Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoc-dong-tron-song-nhiet-du-khach-do-toi-thung-lung-chet-va-hoa-diem-son-179230721080144601.htm