Ngừng việc tập thể đòi quyền lợi - 'được và mất'

Liên quan tới việc tổ chức ngừng việc tập thể của người lao động tại một số doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây, cũng như câu chuyện công nhân Công ty TNHH Viet Glory ngừng việc tập thể vừa mới diễn ra, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thục - Trưởng ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An để có góc nhìn đa chiều hơn cho bạn đọc.

Từ việc công nhân Công ty TNHH Viet Glory ngừng việc tập thể:

Ông Nguyễn Văn Thục - Trưởng ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đối thoại với công nhân Cty Viet Glory. (Ảnh nhân vật cung cấp)

PV: Được biết, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã luôn có mặt kịp thời trong các vụ việc, nhận rõ tình hình và tham gia đối thoại cùng người lao động cũng như doanh nghiệp và địa phương. Vậy qua những vụ ngừng việc tập thể đó ta thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ đâu và vấn đề nào nổi cộm?

Ông Nguyễn Văn Thục: Chúng ta có thể thấy, những năm vừa qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có bước phát triển nhanh và bền vững; môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, là địa phương có tốc độ thu hút đầu tư FDI tốp đầu cả nước với mức trên 1 tỷ USD từ đầu năm 2023 đến nay. Khi số lượng các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI tăng thì rõ ràng sẽ phát sinh quan hệ lao động phức tạp hơn, xung đột tranh chấp về lợi ích giữa người lao động và chủ sử dụng lao động là điều khó tránh khỏi.

Giai đoạn từ 2018 đến nay, Nghệ An xảy ra 21 cuộc ngừng việc tập thể tại 18 doanh nghiệp trên địa bàn 9 huyện, thành, thị. Ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI (chiếm 57,9%). Hầu hết ngừng việc tập thể xảy ra chưa theo đúng trình tự pháp luật, mang tính tự phát và không có sự tham gia của công đoàn.

Các vụ ngừng việc trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đều xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu do tranh chấp về lợi ích, với các nội dung như: yêu cầu tăng lương cơ bản, trả thưởng, tăng các loại phụ cấp, nâng chất lượng bữa ăn ca và thái độ ứng xử của bộ phận quản lý đối với người lao động...

Mặc dù doanh nghiệp trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng, thời gian làm thêm giờ nhiều nhưng thu nhập của người lao động vẫn thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng thang bảng lương, chưa có quy chế trả lương, trả thưởng. Có doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ không lấy ý kiến người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp xảy ra đình công đều chưa quan tâm việc tổ chức hội nghị dân chủ, hoặc là tổ chức đối thoại theo Điều 63, 64 của Bộ luật Lao động.

Ngoài những nguyên nhân trên thì có một số cuộc đình công cho thấy có mối liên hệ giữa các cuộc đình công. Cụ thể, đình công chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tại các công ty con. Công ty này đình công sẽ kích động lôi kéo các công ty khác trong tập đoàn đình công.

Đình công chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, tại các doanh nghiệp FDI. Điểm đặc biệt là các yêu cầu, kiến nghị của người lao động tại các cuộc đình công cơ bản giống nhau, về thời điểm đình công, các kiến nghị cũng giống nhau hoàn toàn, từ nội dung cho đến mức đòi hỏi. Một số công nhân lao động không tham gia đình công, đi làm thì có hiện tượng bị đe dọa. Với thực tế đang diễn ra, tính chất các vụ đình công tại Nghệ An có phần phức tạp, căng thẳng, khó giải quyết hơn.

PV: Liên quan tới việc đình công, người lao động có đạt được 1 số mục đích, liệu có để lại hệ quả, hệ lụy gì cho doanh nghiệp, người lao động về lâu dài?

Ông Nguyễn Văn Thục: Cần phải nói rằng những kiến nghị của người lao động là chính đáng, doanh nghiệp cũng đã có tiếp thu bổ sung sửa đổi. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của doanh nghiệp, vì “chính đáng” nhưng phải “hợp pháp”.

Bản thân người lao động cũng cần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, hài hòa các lợi ích, lắng nghe những đề xuất, phân tích thấu đáo từ tổ chức công đoàn. Bởi nếu không vì lợi ích chung thì đối tượng chịu thiệt thòi không chỉ là người lao động, doanh nghiệp mà còn cản trở cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của Nghệ An trong thời gian tới…

Cho rằng quyền lợi lao động bị ảnh hưởng, hàng nghìn công nhân Cty TNHH Viet Glory thực hiện ngừng việc tập thể từ ngày 2/10 đến 7/10 bắt đầu quay trở lại làm việc sau những đối thoại với Liên đoàn Lao động tỉnh và Cty TNHH Viet Glory. (Ảnh: Hoàng Phạm)

PV: Vậy theo ông, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong các vụ việc này như nào? Liên đoàn Lao động sẽ có những hành động như nào trước sự việc như vậy?

Ông Nguyễn Văn Thục: Hầu hết những vụ đình công, ngừng việc tập thể thời gian qua đều là tự phát, không thông qua tổ chức công đoàn nhưng với trách nhiệm “chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”, các tổ chức công đoàn tại Nghệ An vẫn nhanh chóng vào cuộc, tiếp xúc, đối thoại, thương lượng giữa các bên để tìm ra tiếng nói chung, tạo ra sự yên tâm và yên ổn trong sản xuất, kinh doanh.

Để phòng ngừa, hạn chế đình công trái pháp luật phải bắt đầu từ doanh nghiệp và người lao động - nơi khởi phát của mọi xung đột dẫn đến đình công. Một khi doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật lao động, coi người lao động là tài sản đáng quý để chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động; đối thoại, công khai, minh bạch các chế độ chính sách của người lao động thì sẽ xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.

Về phía người lao động, phải tuân thủ pháp luật, chấp hành các cam kết trong hợp đồng lao động, nâng cao nhận thức, tăng cường kỷ luật, kỹ năng, đặc biệt lựa chọn cách bày tỏ, đề xuất tâm tư nguyện vọng kiến nghị phù hợp pháp luật. Tránh bị lôi kéo, xúi giục chính trị hóa các cuộc đình công ngừng việc của các thế lực phản động, chống phá công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Đối với vai trò của tổ chức công đoàn, ngoài việc tuyên truyền pháp luật lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, người lao động còn phải tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, bức xúc, kiến nghị của người lao động thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức cũng như các khả năng xảy ra ngừng việc tập thể, đình công để có phương án giải quyết. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác thông tin về đình công. Từ đó, kịp thời phát hiện, nắm bắt diễn biến các cuộc đình công, ngừng sự việc sẽ xảy ra.

Cán bộ công đoàn ngay khi nắm bắt thông tin, phải bình tĩnh, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến đình công, có đối tượng đứng sau kích động hay không, từ đó phân loại nhóm công nhân. Đồng thời cán bộ công đoàn phải nắm chắc tình hình đơn vị, kiến nghị của người lao động; phân tích, đánh giá nội dung nào đúng pháp luật, nội dung nào doanh nghiệp vi phạm, nội dung nào là kiến nghị cần thương lượng để từ đó làm việc với doanh nghiệp để thương lượng thỏa thuận, đồng thời giải thích rõ cho công nhân để tìm tiếng nói chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa.

Cái quan trọng chính là làm thế nào để người lao động hiểu được đâu là “quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng” thay vì những đòi hỏi, kiến nghị vượt quá khả năng của doanh nghiệp để từ đó góp phần tạo niềm tin, gắn bó lâu dài của các doanh nghiệp, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, công đoàn cần quan tâm tham gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các quy chế, đặc biệt là xây dựng, công khai hệ thống thang bảng lương, quy chế thưởng, chế độ phúc lợi để công nhân lao động được biết lộ trình nâng lương, hạn chế đình công tự phát.

Công đoàn phải xác định bảo vệ người lao động là một nhiệm vụ quan trọng nhưng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng cần xem trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động…

Hoàng Phạm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dinh-cong-doi-quyen-loi-duoc-va-mat-356804.html