Ngừa ngộ độc CO trong các đợt rét đậm, rét hại

Ngày 26-12, Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh.

Cục Môi trường y tế nêu rõ, vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như: cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Đặc biệt, thời tiết giá lạnh rất nguy hại tới những người có nguy cơ cao, gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời; người mắc các bệnh mãn tính.

 Thời tiết rét đậm, rét hại khiến nhiều người dễ bị tai biến, viêm đường hô hấp cấp

Thời tiết rét đậm, rét hại khiến nhiều người dễ bị tai biến, viêm đường hô hấp cấp

Trước các nguy cơ trên, Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, như: Người dân, nhất là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng; khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh; tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.

 Rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người cao tuổi

Rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người cao tuổi

Đối với những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính, cơ xương khớp... thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với những người phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; cần phải giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt, đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp. Để có đủ nhiệt lượng lao động và chống rét, người lao động cần ăn uống đầy đủ chất đặc biệt là chất béo, gluxit và nên ăn uống nóng.

Đặc biệt, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc khí CO (Dioxide Carbon), Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

 Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường các biện pháp chống rét cho người bệnh

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường các biện pháp chống rét cho người bệnh

Không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1-2m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người; khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ trước khi sử dụng đề phòng hư hỏng, đảm bảo cách điện và cách nhiệt của dây.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngua-ngo-doc-co-trong-cac-dot-ret-dam-ret-hai-post720028.html