Ngũ Hành Sơn - 20 năm từ quê lên phố

Là địa phương có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn  nhưng với tinh thần đoàn kết, biết tận dụng tối đa những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cũng như phát huy được các nguồn lực,...

Lãnh đạo Q. Ngũ Hành Sơn chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Biến khu vực nông thôn thành những khu đô thị

20 năm trước, trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, đâu đâu cũng chỉ thấy những con đường chật hẹp với cảnh nắng bụi mưa bùn... Là địa phương từ xã lên phường, hạ tầng đô thị của Ngũ Hành Sơn còn thiếu thốn và lạc hậu. Nhất là các phường Hòa Hải, Hòa Quý lúc bấy giờ không có một tấc đường bê- tông chứ nói gì đến đường nhựa. Nhà cửa, trường học, cơ sở y tế còn rất tạm bợ. Lúc bấy giờ, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chính với chỉ cây lúa thuần túy. Số hộ nghèo, hộ có cuộc sống khó khăn chiếm tỷ lệ khá cao. Ông Trần Nhật Bằng - Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn khóa I (nhiệm kỳ 1997 - 2000) nhớ lại: "Trước tình hình đó, lãnh đạo quận nhận thấy muốn xây dựng Ngũ Hành Sơn thành đô thị hiện đại thì phải bắt đầu từ hạ tầng. Điều đó cũng đồng nghĩa một cuộc cách mạng về giải tỏa, chỉnh trang đô thị phải được thực hiện, mà ở đó sự đồng thuận của lòng dân là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, ngay từ đại hội lần thứ nhất, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông đã được Đảng bộ quận chọn là khâu đột phá và tiếp tục những năm sau đó vấn đề này vẫn luôn được dành sự quan tâm đặc biệt".

Tuy là trục giao thông xương sống của quận nhưng lúc bấy giờ tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa chật hẹp với chỉ chưa đầy 10m và quanh năm bám đầy bụi đá... Câu chuyện đã thay đổi bắt đầu từ khi TP Đà Nẵng quyết định nâng cấp tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa dài gần 8km, rộng 48m với tổng vốn đầu tư hơn 482 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, hơn 1.000 hộ dân phải di dời, giải tỏa. Nhưng điều đáng quý là người dân đã đồng thuận vì cái chung để sau 12 tháng thi công, con đường đã rộng thênh thang, đẹp đẽ và trở thành huyết mạch nối liền thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam. Nối tiếp sau đó, những con đường Trường Sa, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạn Hạnh, Mai Đăng Chơn, Phan Tứ lần lượt được nâng cấp khang trang, hiện đại hơn. Đặc biệt những năm gần đây, các tuyến đường mới như: Võ Chí Công, Vành đai phía Nam thành phố đã ra đời, tạo sự kết nối đánh thức một vùng đất giàu tiềm năng phía Đông Nam thành phố. Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn khẳng định: "Giờ đây, những con đường mới thẳng tắp, như cánh hải âu đang vươn cánh rộng dài giữa bao la trời biển, là xương sống, là mạch chính kết nối sự phát triển của địa phương. Những con đường, kiệt, hẻm vốn lầy lội, cách trở 20 năm trước giờ đã được bê- tông hóa thẳng tắp, khang trang. Có thể nói, việc chọn phát triển hạ tầng làm khâu đột phá không chỉ giúp Q. Ngũ Hành Sơn mở rộng không gian và thay đổi diện mạo đô thị mà còn là điều kiện cần thiết để kinh tế địa phương phát triển".

Cũng theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, để từng bước xây dựng địa phương trở thành khu đô thị hiện đại, Q. Ngũ Hành Sơn đã xác định ngoài những dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, những con đường thênh thang, cần phải phát triển không gian đô thị theo hướng hòa nhập với không gian đô thị của thành phố, vừa có sắc thái kiến trúc riêng và đặc sắc. Trong đó, hệ thống các khu dân cư, trường học, chợ, đường giao thông phải có sự đầu tư phát triển tương xứng. Chính vì vậy, 20 năm qua là khoảng thời gian đặc biệt ghi dấu sự hình thành của hàng loạt khu dân cư mới trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn. Nếu như các khu dân cư Bá Tùng cùng Khu phố chợ Hòa Hải được xem là mở đầu cho sự hình thành đô thị ở phía Nam thành phố, thì sau đó, hàng loạt khu đô thị mới như Phú Mỹ An, Khu đô thị công nghệ FPT, Khu dân cư Đông Trà, Tân Trà... lần lượt được xây dựng. Từ đó, những tên làng, tên xóm trước đây thành những khu đô thị, tô điểm thêm cho vóc dáng đô thị vốn đang định hình ngày càng rõ nét của quận. Và, từ một vùng ven của thành phố, đến nay, ở Q. Ngũ Hành Sơn đã có nhiều công trình giáo dục hiện đại như Trường CĐ TTHN Việt-Hàn, Đại học Y dược, Trường quốc tế Singapore,... "Ngay sau khi được thành lập, Q. Ngũ Hành Sơn như một đại công trường khi cùng lúc có hàng trăm dự án được khởi động với hàng ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa... Nhưng đáng quý là ở chỗ, người dân đã chấp nhận một cuộc đổi thay, hy sinh một phần lợi ích riêng cho sự bứt phá đi lên của quê hương. Sự đồng thuận của người dân bây giờ không chỉ thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị mà nổi lên trên tất cả các mặt của đời sống xã hội khi các chủ trương, quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân đều nhận được sự đồng thuận cao, là tiền đề quan trọng để Q. Ngũ Hành Sơn phát triển lên tầm cao mới", bà Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định.

Diện mạo Q. Ngũ Hành Sơn đã thay đổi mạnh mẽ sau 20 năm thành lập. Ảnh: N. Lê

Tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh

Để tận dụng lợi thế vừa có biển, có núi và có sông, tại các kỳ Đại hội, Đảng bộ Q. Ngũ Hành Sơn đã đặt ra mục tiêu chuyển dịch kinh tế địa phương theo cơ cấu "Du lịch, dịch vụ, thương mại, nông, công nghiệp", từng bước trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ của thành phố. Ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết, để làm được điều đó, từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau, nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó xác định đầu tư cho du lịch biển, tận dụng lợi thế từ Danh thắng Ngũ Hành Sơn và mở rộng các hoạt động thương mại và dịch vụ phù hợp... Nếu như năm 1997, có 150.000 lượt du khách tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn với doanh thu chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, thì đến năm 2016 đã có hơn 1,2 triệu lượt du khách đến với điểm du lịch này, mang lại nguồn doanh thu hơn 18 tỷ đồng... Cùng với đó là Lễ hội Quán Thế Âm, một trong những lễ hội cấp quốc gia được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú ngày càng thu hút du khách đến viếng. Bên cạnh việc phát triển du lịch-dịch vụ, 20 năm qua có thể xem là chặng đường ghi dấu bước tiến dài trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm... "Chính nguồn lực ấy là cơ sở để quận triển khai thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, bởi mục tiêu cuối cùng của sự phát triển suy cho cùng cũng là cho con người và vì con người. Dân có giàu thì địa phương mới mạnh, phát triển đô thị chỉ thật sự ý nghĩa khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tinh thần ấy đã trở thành phương châm hành động ngay từ ngày đầu thành lập quận và tiếp tục nâng lên trong những năm tiếp theo", ông Lê Trung Chinh khẳng định.

Trong buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy với Q. Ngũ Hành Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã đánh giá cao sự phát triển của địa phương và yêu cầu Q. Ngũ Hành Sơn cần tiếp tục tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất có tốc độ đô thị hóa nhanh đi liền với sở hữu những địa danh nổi tiếng về lịch sử, văn hóa, truyền thống làng nghề. Bên cạnh đó, Q. Ngũ Hành Sơn phải thu hút được những nhà đầu tư lớn để phát triển du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, làng quê... Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quận phải năng động, gương mẫu, mạnh dạn đề xuất, hiến kế xây dựng địa phương...

Lê Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_160808_ngu-ha-nh-son-20-nam-tu-que-len-pho-.aspx