Ngư dân Sri Lanka bắt cá đuối quỷ chỉ để lấy mang, bán sang Trung Quốc

Do nhu cầu mang cá đuối khô tăng cao, loài cá này đang bị ngư dân Sri Lanka đánh bắt - thay vì được thả trở lại biển như trước.

 Mang cá đuối - không phải thịt - là sản phẩm đang được săn lùng. Ảnh: Jonathan Browning/Guardian.

Mang cá đuối - không phải thịt - là sản phẩm đang được săn lùng. Ảnh: Jonathan Browning/Guardian.

Mỗi buổi sáng, Lakshan - một người bán buôn trong chợ cá lớn nhất Sri Lanka nằm ở thành phố Negombo, phía Bắc Colombo - đều dậy từ 3h sáng để chế biến cá đuối. Dù chủ yếu buôn bán cá ngừ, ông vẫn nhập về khoảng 700 kg cá đuối mỗi ngày.

Thứ Lakshan cần không phải thịt cá đuối vì hầu hết người dân Sri Lanka không ăn loại thịt này. Ông chỉ lấy mang cá.

Tại một khoảng sân gần chợ, Lakshan phơi mang cá trên các tấm tôn. Để có được mỗi kg mang cá khô, ông cần 5 kg sản phẩm tươi. Sau khi phơi, ông bán chúng cho lái buôn với mức giá lên tới 130 USD/kg.

Lakshan không biết nhiều về công dụng cụ thể của các sản phẩm. “Chúng tôi nghe được là họ bán chúng sang Trung Quốc để làm thức ăn”, ông nói.

Nhu cầu mang cá đuối thúc đẩy ngư dân trên khắp Sri Lanka đánh bắt cá đuối ở quy mô nhỏ - bao gồm cả những loài đang nguy cấp - chỉ để lấy mang. Đánh bắt, buôn bán cá đuối giúp Lakshan và nhiều người Sri Lanka có thêm thu nhập giữa lúc nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng tiềm ẩn tác động xấu tới môi trường sinh thái.

Nguồn thu mới cho ngư dân

Mang cá đuối khô được bán khắp Đông Á để làm thuốc lẫn thực phẩm khô. Nhiều người quảng cáo loại canh làm từ sản phẩm này có thể chữa được nhiều chứng bệnh nhưng những lời rao này thiếu cơ sở khoa học.

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy số lượng cá đuối bị đánh bắt tại Sri Lanka nhiều hơn lượng cá thu được từ đánh bắt quy mô lớn trên toàn cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra kích thước của cá đuối cũng đang nhỏ đi.

Hầu hết loài cá đuối thuộc chi Manta hoặc cá đuối quỷ - vốn bị ngư dân Sri Lanka nhắm đến - đã bị xếp vào diện nguy cấp (theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đây là các loài có số lượng cá thể giảm 50-70% trong thập kỷ qua). Tuy nhiên, số lượng cá bị đánh bắt mỗi năm vẫn tăng.

Ngư dân Sri Lanka nhìn chung không cố tình săn cá đuối. Thay vào đó, chúng bị mắc vào lưới khi ngư dân bắt cá ngừ hay cá buồm. Hầu hết người Sri Lanka không ăn loài cá này - dù một số đầu bếp chế biến thịt cá đuối khô ăn kèm với cà ri.

 Thịt cá đuối không được người Sri Lanka ưa chuộng. Ảnh: New York Times.

Thịt cá đuối không được người Sri Lanka ưa chuộng. Ảnh: New York Times.

Trước đây, cá đuối thường được ngư dân thả lại về biển. Tuy nhiên, tình hình giờ đây đã khác khi mang cá đuối trở thành món hàng béo bở.

“Ngư dân đã có lúc cắt bỏ đầu và ném chúng xuống biển: Họ tưởng rằng khách hàng muốn thịt cá”, ông Daniel Fernando, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu hải dương Blue Resources Trust, kể lại. “Nhưng các nhà buôn không cần thịt. Họ muốn có mang cá - thứ nằm ở đầu cá”.

Buôn bán cá đuối vẫn chưa phải hoạt động bất hợp pháp, dù Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 2014 đã có các quy định mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ cá đuối. Tuy nhiên, theo Công ước Bonn, các nước không được phép đánh bắt loài cá này vì mục đích thương mại.

Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương - tổ chức Sri Lanka có tham gia - cũng quy định các nước không được giữ lại một số loài cá đuối đánh bắt được.

Tuy nhiên, luật pháp Sri Lanka không đề ra khuôn khổ pháp lý bảo vệ cá đuối. Ông Fernando cho biết Sri Lanka đã ngừng cấp giấy phép xuất khẩu sản phẩm này nhưng không có các biện pháp bảo vệ ở quy mô toàn quốc.

Giới chức hải quan đôi lúc vẫn chặn bắt những lô hàng xuất khẩu trái phép, nhưng mang cá đuối vẫn lọt được ra ngoài. Năm 2020, cơ quan chức năng sân bay Hong Kong thu giữ 300 kg mang cá đuối trị giá 116.000 USD từ Sri Lanka.

Nguy hại tiềm ẩn

Cá đuối thuộc chi Manta là một trong những loài cá thông minh nhất. Bộ não của chúng lớn gấp 10 lần cá nhám voi, giúp phát triển khả năng học, giải quyết vấn để hay liên lạc. Loài cá này cũng tò mò, thích vui đùa và có thể còn có khả năng tự nhận ra mình trong gương - năng lực thường chỉ có ở một số loài động vật có vú.

Do có vòng đời sinh sản dài (cá thể cái mất tới 10-15 năm để trưởng thành và chỉ đẻ con mỗi 2-3 năm), cá đuối rất dễ tổn thương trước tình trạng đánh bắt quá mức.

“Số lượng cá thể có thể giảm mạnh chỉ trong một thời gian ngắn”, ông Fernando nói. “Mọi thứ sẽ dường như vẫn ổn trong vài năm, rồi chúng có thể sẽ đột ngột bị xóa sổ”.

 Ngành khai thác mang cá đuối có thể gây nguy hại tới loài sinh vật này. Ảnh: Manta Trust.

Ngành khai thác mang cá đuối có thể gây nguy hại tới loài sinh vật này. Ảnh: Manta Trust.

Ông Fernando nhấn mạnh đây không phải vấn đề của riêng Sri Lanka. “Cá đuối không quan tâm tới biên giới - chúng đi ra rồi lại đi vào vùng biển của Sri Lanka. Đây là vấn đề mang tầm khu vực, thậm chí là toàn cầu. Sẽ là không đủ nếu chỉ một quốc gia hành động", ông chia sẻ.

Tổ chức của ông đang kêu gọi các chính phủ chung tay thiết lập các khu bảo tồn cá đuối, giảm tình trạng đánh bắt ngoài ý muốn, cũng như giáo dục cho ngư dân về cách thức thả lại cá xuống biển nhằm đạt được tỷ lệ sống sót cao.

Ngoài ra, các ngư dân có thể thay thế lưới rê bằng các phương pháp khác bền vững hơn. Tuy nhiên, việc này có thể tốn nhiều thời gian vì lưới rê đang là công cụ lao động chính của nhiều ngư dân nhỏ lẻ. Ông Fernando cho rằng cá đuối không thể chờ lâu như vậy vì số lượng cá thể đang giảm nhanh.

“Chúng ta đáng ra cần tìm cách bảo vệ chúng từ bốn thập niên trước để đảm bảo chúng được đánh bắt bền vững. Dù vậy, chúng ta đã chờ quá lâu”, ông nhận định. “Chúng ta giờ đây sẽ phải đưa ra các lựa chọn không mấy dễ dàng”.

Ngư dân thả đàn cá đuối mắc kẹt trong lưới ở Thái Lan Các ngư dân cố gắng thả 30 con cá đuối bị mắc kẹt trong lưới. Vụ việc xảy ra ngày 10/7 tại Phuket, Thái Lan.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngu-dan-sri-lanka-bat-ca-duoi-quy-chi-de-lay-mang-ban-sang-trung-quoc-post1428419.html