Ngư dân Quảng Bình nhận tiền chi trả bồi thường cùng những dự tính làm ăn

Ngày 17/11, có khá nhiều địa phương tại Quảng Bình đã tiến hành chi trả tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển. Ngư dân các xã Quảng Phúc (TX Ba Đồn), Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy)... nhận tiền bồi thường trong cảm giác vui, buồn lẫn lộn. "Với quy trình rất chặt chẽ thì việc sai sót, nhầm lẫn khó có thể xảy ra", anh Tân nói.

Dồn tiền đi xuất khẩu lao động

Buổi sáng, tại trụ sở xã Ngư Thủy Bắc, người dân đến đúng với thành phần được thông báo nên cũng không nhiều người tập trung. Anh Lê Văn Tân - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, là tổ trưởng tổ chi trả, cho biết: "Buổi sáng làm thủ tục trả tiền qua tài khoản Ngân hàng NN-PTNT cho 69 đối tượng được nhận tiền bồi thường. Những trường hợp này đều tự nguyện nhận tiền chi trả qua ngân hàng nên tổ công tác giảm được khâu đưa tiền đi trả tận tay cho bà con".

Ngư dân xã Ngư Thủy Bắc nhận tiền bồi thường qua tài khoản ở ngân hàng

Theo anh Tân, quá trình chuẩn bị việc làm hồ sơ bồi thường được tổ chức khá chặt chẽ và chi tiết. Theo đó, những trường hợp nằm trong diện được bồi thường sẽ tự kê khai và tập hợp tại thôn, lãnh đạo thôn kiểm tra cụ thể từng hộ dân và lập danh sách đưa lên chính quyền cấp xã. Hội đồng kiểm tra cấp xã kiểm tra thêm lần nữa để điều chỉnh cho chính xác và tập hợp danh sách đưa lên hội đồng cấp huyện.

Sau khi kiểm tra, hội đồng cấp huyện chốt danh sách cụ thể và tiến hành niêm yết công khai tại các khu dân cư và giải quyết nhanh chóng các trường hợp thắc mắc. Sau đó, danh sách này sẽ được chuẩn y và UBND huyện ra QĐ chi trả bồi trường. "Với quy trình như vậy thì việc sai sót, nhầm lẫn khó có thể xảy ra", anh Tân nói.

Anh Ngô Gia Nghĩa (thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc) được nhận gần 18 triệu đồng. Đây là đợt nhận đầu tiên với mức chi trả đối tượng người lao động gần 36 triệu đồng cho 6 tháng. "Tôi được nhận 50% số tiền bồi thường đợt 1. Số tiền còn lại sẽ nhận vào đợt sau. Tôi đồng ý chuyển qua ngân hàng vì đang dồn tiền để học lái xe và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Ảrập Xêút. Mong sao đợt nhận tiền tiếp theo cũng nhanh để góp thêm vài chi phí thủ tục, đỡ phải vay mượn".

Khác với anh Nghĩa, anh Võ Văn Sinh có thuyền bơ nam gắn máy có công suất dưới 20CV được nhận một nửa số tiền bồi thường 64 triệu đồng. Ngoài ra, anh được ủy quyền nhận tiền cho thêm hai lao động nữa nên lần này có tổng số tiền được nhận trên trăm triệu đồng. Sau khi làm thủ tục chuyển sang ngân hàng, anh Sinh khá vui vẻ: "Có được số tiền này, tui bàn bạc với mấy anh em sẽ để dành một phần chi phí đời sống trên tinh thần tiết kiệm. Phần lớn còn lại chi vào việc sửa chữa thuyền, máy; mua sắm thêm ngư lưới cụ để có thể ra khơi khi đánh bắt được an toàn. Có như vậy, nhận đồng tiền đền bù mới có ích".

Nhận tiền bồi thường ở xã Quảng Phúc

Theo ông Ngô Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc thì địa phương có gần 2.000 đối tượng được bồi thường với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng.

Những băn khoăn của hậu bồi thường

Ông Võ Xuân Châu (thôn Bắc Hòa) là lao động chính của gia đình có 5 người. Nhận được gần 18 triệu đồng, nhưng ông không mấy vồn vã: "Tiền nong cũng có hạn thôi. Biết mấy cho vừa cho đủ. Cái mong ước lớn nhất của ngư dân là chừng nào được ra khơi, được cầm đồng tiền của chính bàn tay mình đánh bắt con cá, con tôm trên biển mà có mới bền vững chớ".

Ông Châu băn khoăn việc áp mức bồi thường giữa một lao động chính với thuyền bơ nan có công suất dưới 20CV là quá chênh lệch. "Một bơ nan được bồi thường 64 triệu đồng, gấp đôi bồi thường cho lao động chính là chưa chuẩn trong đánh giá. Thậm chí, có không ít trường hợp bơ nan hư hỏng nặng được kéo lên bờ đã lâu nhưng cũng được tính giá bồi thường như thuyền đang hoạt động", ông Châu nói.

Cũng chung suy nghĩ này, anh Ngô Gia Nghĩa cho biết thêm, những trường hợp như vậy không nhiều, nhưng ở thôn nào cũng có. Mỗi thôn có từ năm bảy trường hợp. Có người phản ứng, có người chia sẻ. Nhưng cái cần là sự công bằng mới tạo được niềm tin trong bà con mình.

Bà con ngư dân đợi làm thủ tục nhận tiền bồi thường

Trong đợt bồi thường này, có khoảng chục hộ dân nuôi tôm được đưa vào diện thiệt hại nuôi trồng thủy sản. Tuy cũng bị thiệt hại nuôi trồng nhưng hàng trăm hộ dân của xã Ngư Thủy Bắc đào hồ nuôi cá lóc lại không được đưa vào diện bồi thường. Ông Ngô Văn Phận (xã Ngư Thủy Bắc) thực sự băn khoăn: "Nhà tôi có 4 hồ nuôi, thức ăn cho cá là tôm cá các loại đánh bắt từ biển. Nay biển không khai thác được thì coi như nghề nuôi này bị đình đốn. Thiệt hại cũng đáng kể lắm chứ, cả năm không thả nuôi là mất hàng trăm triệu đồng thu nhập. Vậy mà lại không được bồi thường là chưa đánh giá đúng sự thiệt hại của bà con chúng tôi. Mong Chính phủ, các bộ ngành có sự điều chỉnh kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho bà con".

Trong sáng 17/11, tổ công tác chi trả tiền bồi thường của TX Ba Đồn cũng thực hiện chi trả cho bà con ngư dân xã Quảng Phúc. Đợt đầu này, TX Ba Đồn sẽ tiến hành chi trả hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, phường Quảng Phúc được coi là có số tiền chi trả lớn nhất, với trên 100 tỷ đồng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ngu-dan-quang-binh-nhan-tien-chi-tra-boi-thuong-cung-nhung-du-tinh-lam-an-post180649.html