Ngư dân miền Trung vươn mình ra biển lớn - Bài 3: Tầm nhìn mới

Với phương châm 'bờ vững để khơi xa mạnh', nhiều địa phương ở miền Trung đã và đang đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện các chính sách khuyến ngư, kết nối đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đang mạnh tay, quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) với mục tiêu mở đường cho hải sản Việt Nam vươn ra 'biển lớn'.

“Đòn bẩy” từ bờ

Tại TP Đà Nẵng, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí hơn 217 tỷ đồng, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang được nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 với mức đầu tư 350 tỷ đồng.

Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tấp nập người mua bán hải sản. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho hay, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các hoạt động bốc dỡ, cung cấp dịch vụ hậu cần diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Thành phố đã ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ ngư dân như: hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (ngoài mức hỗ trợ 50% của trung ương); hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm, máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản…

Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, thông tin, mục tiêu là về lâu dài Đà Nẵng sẽ chuyển đổi cơ cấu nghề đánh bắt theo hướng vươn khơi xa khai thác, hạn chế đánh bắt ven bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại Nghệ An, ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết, địa phương đã đề nghị lên cấp trên về việc đầu tư khu chế biến lớn để tiếp nhận nguồn hải sản từ biển về, tránh thất thoát, giảm giá trị do phải vận chuyển đi xa, bán thô.

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án đến năm 2030 sẽ đầu tư gần 2.400 tỷ đồng phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong khi đó, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, thông tin, hiện tỉnh đã có 3 cảng cá và 2 khu neo đậu hàng ngàn hécta. Từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án khu neo đậu tránh trú bão ở Đề Gi và Tam Quan.

Tỉnh Phú Yên vốn là cái “nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương, sản lượng 4.000 tấn/năm, mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Kiyomura với kỳ vọng sẽ ứng dụng mô hình của Nhật Bản để đưa sản phẩm cá ngừ đến các “phiên đấu giá triệu đô”.

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết: “Hiện tỉnh vẫn duy trì kết nối, làm việc với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nhật Bản để từng bước chuyển giao, cải tiến công nghệ đánh bắt, khai thác cá ngừ đại dương nhằm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Chúng tôi đặt quyết tâm cao tìm ra giải pháp đưa cá ngừ đại dương của tỉnh xuất khẩu thành công, mang lại giá trị lớn cho ngư dân và ngành thủy sản”.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng đang triển khai đề án “Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi” do JICA hỗ trợ.

Đồng bộ, quyết liệt gỡ “thẻ vàng”

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trước đây nhiều tàu trong đội tàu đánh bắt xa bờ thường vượt ranh giới ra vùng biển nước ngoài.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của tất cả tàu cá vi phạm, công khai danh sách các tàu cá này để làm gương.

Về phía địa phương, Bình Định tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân lãnh đạo xã, phường có tàu cá vi phạm.

“Nhờ những giải pháp mạnh tay, sát sườn, từ cuối năm 2023 đến nay không còn tàu nào vi phạm. Trong đó, đội tàu Hoài Nhơn với trên 2.300 tàu đánh bắt xa bờ rất gương mẫu đi đầu chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), thực hiện nghiêm túc quy định IUU, không có tàu nào vi phạm lãnh hải nước ngoài”, ông Phúc nói.

Ngược ra Thanh Hóa, các đơn vị chức năng của tỉnh này đang tổ chức đợt cao điểm ra quân, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về IUU.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chỉ đạo, nếu để xảy ra tình trạng tàu cá ra khơi không đảm bảo quy định, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC, các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị kiểm điểm, xử lý.

Còn tại Đà Nẵng, đến nay không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý; không có trường hợp vi phạm về tàu cá mất tín hiệu giám sát trên 10 ngày và các vi phạm liên quan về chứng nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản.

Để góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Chi cục Thủy sản đề xuất ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, sớm xây dựng mô hình nâng cao giá trị sản phẩm khai thác thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024

Với quyết tâm gỡ được “thẻ vàng” của EC trong năm 2024, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các ban, bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả, mục tiêu đến tháng 4-2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của cả nước.

DUY CƯỜNG - NGỌC OAI - XUÂN QUỲNH - MINH PHONG - NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-mien-trung-vuon-minh-ra-bien-lon-bai-3-tam-nhin-moi-post734626.html