Ngư dân miền Trung: Lệnh cấm biển của Trung Quốc quá phi lý

Nhiều ngư dân, chủ tàu và đại diện nghiệp đoàn nghề cá ở các địa phương miền Trung khẳng định không quan tâm đến lệnh cấm biển của phía Trung Quốc đưa ra. Họ đều bày tỏ sự bất phục trước quyết định áp đặt và phi lý, khi cấm cản đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống bao đời nay thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Kịch liệt phản đối

Những ngày này, ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn đang cấp tập vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa trước khi nghỉ tết. Ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam - cho biết, lệnh cấm biển của Trung Quốc (TQ) xâm phạm cả vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (VN), như họ vẫn ngang ngược lộng hành từ chục năm nay. Cứ đến hẹn lại lên, phía TQ lại ra cái lệnh phi lý này nhằm làm khó dễ cho ngư dân VN.

“Là tổ chức hội nghề nghiệp của ngư dân, chúng tôi lên án quyết liệt hành động vô căn cứ và xâm phạm chủ quyền này của phía TQ và ủng hộ ngư dân vươn khơi đánh bắt bình thường. Tuy nhiên, để tránh hành động gây hấn của họ, chúng tôi vẫn tuyên truyền cho ngư dân trong tỉnh khi đánh bắt tại khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa, phải đi theo tổ đội để đề phòng bất trắc, khi đánh bắt thì không nên vào gần các đảo bị TQ chiếm đóng, tránh va chạm với các tàu TQ và thường xuyên thông tin liên lạc về đất liền để kịp thời thông báo khi có sự cố xảy ra” - ông Ngô Tấn cho hay.

Hiện khoảng 300 tàu cá của tỉnh Quảng Nam đang đánh bắt bình thường ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Họ (TQ) cấm thì cứ cấm, mình đánh bắt ở vùng biển của cha ông mình xưa nay thì mình cứ đánh bắt, chẳng quan tâm mấy đến lệnh cấm vô căn cứ của họ làm gì. Tất nhiên, thời điểm này thì TQ tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, điều nhiều tàu ngư giám, hải giám tuần tiễu trên biển và truy đuổi tàu cá của mình gắt gao hơn. Thế nhưng, ngư dân mình không vì thế mà bỏ ngư trường truyền thống của cha ông”.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) - hàng ngàn ngư dân ở đảo này quá quen với kiểu “lên gân” của phía TQ, năm nào cũng ra lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông, dù xâm phạm vào vùng biển chủ quyền của VN - nơi các ngư dân ở đảo này đã “ăn nằm” hàng mấy trăm năm nay. “Ngư dân ở đảo Lý Sơn cũng đã biết tin TQ ngang ngược trắng trợn ra lệnh cấm trên vùng biển thuộc chủ quyền VN, nhưng bà con vẫn dong thuyền ra khơi đánh bắt trên biển đảo Hoàng Sa. Bởi, nếu VN mình ra lệnh cấm thì chúng tôi tuân thủ, còn TQ cấm thì không có giá trị gì hết. Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải cũng đã tuyên truyền đến bà con ngư dân, rõ ràng là TQ có mưu đồ, nhưng một ngư dân bình thường ra Hoàng Sa đánh bắt thì họ không có quyền cấm cản gì cả, họ chỉ hù thôi, chứ nếu họ bắt bớ, thì quốc tế cũng sẽ lên án họ”.

Vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa

Bất chấp lệnh cấm phi lý của TQ, hàng trăm tàu của An Hải vẫn ra vào đánh bắt ở Hoàng Sa bình thường. Ngay cả đối với ngư dân Phạm Quang Thạnh (xã An Hải) - thuyền trưởng cùng các ngư dân tàu QNg 95739 vừa bị Trung Quốc bắt, cướp phá tài sản khi đang đánh bắt ngày 3.1 - thì lệnh cấm biển này cũng không thể ngăn cản họ trở lại với Hoàng Sa.

Từ Hoàng Sa, qua điện thoại, ông Thạnh cho biết: “Tôi từng bị tàu TQ bắn cháy tàu ở vùng biển Hoàng Sa cách đây 2 năm. Vừa rồi họ lại cướp, phá tài sản, hành hung ngư dân, chặt cột cờ tổ quốc trên tàu tôi. Họ tưởng những hành động trấn áp dã man như vậy có thể khiến ngư dân chúng tôi chùn bước, bỏ biển Hoàng Sa. Nhưng họ không thể khuất phục chúng tôi bằng hành động vô nhân đạo và lệnh cấm biển phi lý như vậy. Bản thân tôi là con cháu dòng dõi các cai đội hùng binh Hoàng Sa là Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật, nên sẽ nối bước cha ông, sống chết với Hoàng Sa. Chúng tôi đã vay mượn, sửa tàu và lập tức trở lại Hoàng Sa để đánh bắt ngay sau đó - ngày 8.1”.

Hoàng Sa “đã trở thành hơi thở” của những ngư dân miền Trung vốn bao đời nay gìn giữ bờ cõi trên biển và đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống này. Ông Phạm Hữu Thập - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - cho rằng, phía TQ vẫn cố tìm mọi cách ngăn cản bà con ngư dân ra khơi đánh bắt trên vùng biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Lệnh cấm biển này cũng là một trong những thủ đoạn đó.

“Nhưng họ càng dùng vũ lực để trấn áp ngư dân bao nhiêu, thì chỉ khiến ngư dân mình càng bất khuất hơn mà thôi. Tôi và các ngư dân trong nghiệp đoàn nghề cá nghe tin có lệnh cấm phi lý này, ngồi lại bàn bạc với nhau và vẫn quyết tâm ra khơi đánh bắt. Chúng tôi được bà con cả nước hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần, sửa chữa tàu mới, chúng tôi quyết không phụ tấm lòng của bà con cả nước. Chúng tôi đề nghị các cấp, cơ quan chức năng cần can thiệp với phía TQ, để ngư dân chúng tôi được đánh bắt, làm ăn hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Ngư dân chúng tôi nhất định không khuất phục và sẽ vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp những đe dọa vô nhân đạo của bất cứ ai”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/lenh-cam-bien-cua-trung-quoc-qua-phi-ly-173237.bld