Ngư dân kể chuyện 6 ngày vật lộn cứu tàu cá ở Hoàng Sa

Giữa lúc nguy cấp, ngư dân trên tàu chia làm hai nhóm thay phiên nhau dùng can nhựa tát nước để tàu cá khỏi chìm. Suốt 6 ngày vật lộn trên con tàu lênh đênh, nhiều người kiệt sức.

Sau nhiều ngày lênh đênh ở vùng biển Hoàng Sa và kẹt lại đảo Lý Sơn do biển động, chiều 3/12, thuyền trưởng Võ Lai cùng 10 ngư dân gặp nạn đã đoàn tụ gia đình.

Tàu cá của thuyền trưởng Võ Lai hỏng máy trôi dạt nhiều ngày ở vùng biển Hoàng Sa đã được tàu Hải quân ứng cứu lai dắt về đất liền an toàn. Ảnh: Minh Hoàng.

Phờ phạc ngày trở về, ông Lai lặng nhìn anh em tất bật xúc cá trong khoang tàu chuyển lên bờ bán cho thương lái mà ngậm ngùi nước mắt. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, vị thuyền trưởng này chưa từng gặp tình huống nào trắc trở, khó xử lý như chuyến đi biển lần này.

Ông Lai thuật lại, ngày 8/11, tàu xuất bến thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy sản. Sau nhiều ngày dò tìm, ngư dân lao động vất vả suốt cả tuần mới thu được 8 tấn cá chuồn, đến ngày 24/11 tàu hỏng máy, trôi dạt lênh đênh giữa thời tiết xấu.

Năm ngày tát nước cứu tàu cá

Gió cấp 6, giật cấp 7 khiến những cột sóng cao hơn 2 m liên tiếp bổ nhào, nước biển tràn vào khoang tàu.

"Giữa lúc nguy cấp, tôi kêu gọi mọi người chia làm hai nhóm (mỗi nhóm 5 ngư dân) thay phiên nhau dùng can nhựa tát nước để tàu cá khỏi chìm. Do dầm mưa tát nước biển cứu tàu cá suốt năm ngày nên nhiều anh em kiệt sức", ông Lai kể.

Thuyền trưởng Lai phờ phạc trong ngày về chiều 3/12. Ảnh: Minh Hoàng.

Trong lúc mọi người tát nước từ khoang tàu cá ra ngoài, vị thuyền trưởng vào bếp nấu cháo loãng, nước uống tiếp sức cho các ngư dân. Ngư dân Võ Chặt (ngụ xã Nghĩa An), cho biết thêm hai nhóm ngư dân tát nước cứu tàu cá cứ khoảng 3 giờ thay phiên một lần.

Sau nhiều ngày nỗ lực cứu tàu, các ngư dân cảm thấy mệt mỏi, rã rời thì phát hiện trực thăng bay lượn tầm thấp bốn vòng ngay trên tàu cá, sau đó tàu Trung Quốc chạy đến đề nghị cứu hộ.

'Không bỏ của chạy lấy người'

Trong lúc trôi dạt giữa biển trong tình trạng nguy cấp, thấy tàu đến ứng cứu, ông Lai và các ngư dân gặp nạn vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc chỉ cứu người chứ không cứu tàu cá. "Sau khi bàn bạc, anh em ngư dân quyết không chịu rời tàu cá", ngư dân Võ Vui (ngụ xã Nghĩa An) kể.

Ngư dân gặp nạn chuyển cá chuồn lên bờ bán cho thương lái.

Ảnh: Minh Hoàng.

Theo các ngư dân gặp nạn, họ không thể bỏ cơ nghiệp quý giá của gia đình giữa biển để lên tàu về trước. "Công sức lao động của anh em suốt nhiều ngày chứ đâu phải ngày một, ngày hai mà có thể bỏ được. Nếu bỏ của chạy lấy người thì trắng tay, làm sao trả nợ nần cho người ta", vị thuyền trưởng phân trần.

Nghe ông Lai nói vậy, ngư dân Chắt lý giải thêm, ngoài con tàu trị giá gần 2 tỷ đồng, phí tổn cho chuyến biển này mọi người góp khoảng 200 triệu đồng. Nếu bỏ mặc tàu cùng 8 tấn cá giữa biển thì anh em trở về lấy gì nuôi vợ, con.

"May nhờ tàu của Hải quân Việt Nam ra Hoàng Sa ứng cứu, lai dắt tàu hỏng máy về đất liền, tiền bán cá hòa vốn được phí tổn cho chuyến biển, đỡ chịu cảnh thua lỗ, nợ nần", ông Chắt xúc động chia sẻ.

6 ngày trôi dạt trên biển

Sau 6 ngày trôi dạt trên biển, ngày 30/11, tàu Hải quân 952 đã tiếp cận, ứng cứu thành công 11 ngư dân; đồng thời lai dắt tàu cá hỏng máy từ vùng biển Hoàng Sa về đất liền. Rạng sáng 1/12, tàu Hải quân 952 đưa các ngư dân gặp nạn cập cảng Lý Sơn an toàn.

Do biển động, 11 ngư dân lại kẹt ở đảo Lý Sơn thêm hai ngày đêm đến chiều 3/12 mới về đến đất liền đoàn tụ gia đình.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngu-dan-bi-nan-o-hoang-sa-ke-chuyen-khong-len-tau-trung-quoc-post702845.html