Ngư dân Hà Tĩnh vào mùa thu hoạch sứa biển

Bà con ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Văn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tất bật bước vào vụ mùa đánh bắt để chế biến món sứa đặc sản. Mặc dù năm nay sản lượng sứa không nhiều nhưng tiêu thụ thuận lợi, giá cả khá cao mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Clip: Ngư dân vùng bãi ngang Hà Tĩnh vào mùa thu hoạch sứa biển

Đi dọc ven bờ biển kéo dài hàng chục kilomet qua địa bàn các xã Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Văn..., phóng viên Báo SGGP ghi nhận, từ sáng sớm đến chiều tối, có nhiều tàu thuyền tấp nập ra vào bờ, mang theo số lượng khá lớn các hải sản và các nụ sứa biển tươi rói.

Đặc biệt, trong đó có một số ngư dân may mắn đánh bắt được những nụ sứa đỏ, kích thước lớn và cân nặng trên 40kg rất hiếm.

Dùng vợt bốc từng nụ sứa tươi trên khoang thuyền

Khi các thuyền cập bờ, những người phụ nữ làm nghề thu mua sứa biển đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ xe kéo, thùng xốp, xô chậu, khay nhựa… thu mua nhanh chóng. Số sứa này sẽ được xử lý cắt, phân loại, sơ chế ban đầu, rửa sạch qua nước biển. Sau đó chở đến cho các cơ sở thu mua và chế biến hải sản trên địa bàn.

Ngoài bán sứa biển tươi cho các cơ sở thu mua, nhiều ngư dân còn trực tiếp đưa về nhà chế biến thành phẩm hoàn chỉnh rồi bán ở các chợ đầu mối, hàng quán.

Đối với những nụ sứa biển đỏ do hiếm gặp và chất lượng hơn nên thường được ngư dân giữ lại để chế biến các món ăn sử dụng trong gia đình.

Những nụ sứa tươi cân nặng từ 30 đến hơn 50kg

Theo nhiều ngư dân địa phương, so với cùng thời điểm năm 2023 thì sản lượng đánh bắt sứa biển thời điểm này ít hơn nhưng lại có nhiều nụ sứa đẹp, kích thước lớn, bán được giá cao và tiêu thụ thuận lợi hơn.

Hàng chục năm nay, sứa biển tươi được đánh bắt và chế biến ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà đã trở thành đặc sản, tạo được thương hiệu chất lượng thơm ngon, giòn, dai nên nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ưa chuộng.

Ngư dân phấn khởi vì đánh bắt được nhiều sứa tươi, trọng lượng lớn

Vừa cho thuyền vào cập bờ, trên khoang có hơn 200kg sứa biển tươi, ngư dân Hồ Phi Kính (sinh năm 1970, trú thôn Toàn Thắng, xã Thạch Trị) phấn khởi cho biết, các thuyền đi đánh bắt sứa biển ở vùng bãi ngang chủ yếu có công suất từ 28CV đến 32CV, phạm vi đánh bắt cách bờ khoảng từ 1-2 hải lý, đánh bắt thủ công truyền thống bằng bộ lưới có chiều dài khoảng 500-1.000m, chiều rộng khoảng 5m.

Các thuyền của ngư dân xã Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Lạc... chủ yếu đánh bắt gần bờ

Hàng ngày, từ 2-3 giờ sáng, ngư dân bắt đầu cho thuyền ra khơi, đến khoảng 11 giờ cùng ngày là quay trở vào bờ. Lúc biển có sứa nhiều thì mỗi thuyền đánh bắt nhiều nhất khoảng 2-4 tấn, lúc ít thì khoảng 200-300kg.

Ngư dân Hồ Phi Kính chỉnh sửa lại lưới sau chuyến ra khơi đánh bắt sứa

Theo ngư dân Hồ Phi Kính, sau khi đưa vào bờ, sứa biển sẽ được bán cho các cơ sở chuyên thu mua với giá dao động từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại và tùy từng thời điểm, hoặc bán nguyên nụ sứa, mỗi nụ sứa có giá dao động từ 30.000-50.000 đồng, thấp nhất từ 10.000-20.000 đồng. Thu nhập của nghề đánh bắt sứa biển cũng thất thường, khi nhiều sứa, mỗi ngày mỗi thuyền thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng, lúc ít từ 200.000 đến 1 triệu đồng.

Đưa sứa biển từ thuyền xuống

“Sứa biển tươi đánh bắt được bao nhiêu thì các chủ cơ sở thu mua và chế biến hải sản đều thu mua hết, không lo ế hàng nên bà con ngư dân yên tâm về đầu ra. Nhiều ngư dân sau khi đi đánh bắt sứa về còn trực tiếp chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi đưa ra bán ở các chợ, các quán hàng với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg”, ngư dân Hồ Phi Kính chia sẻ.

Bốc sứa biển từ thuyền xuống

Bà Nguyễn Thị Niên (chủ cơ sở thu mua và chế biến hải sản ở thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc) cho biết, cơ sở thành lập được hơn 15 năm nay, hiện giải quyết việc làm cho 6 lao động. Thời điểm này là đầu mùa vụ, sản lượng sứa biển đánh bắt được ít, bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 30-40 tấn sứa tươi, ít thì khoảng 3-5 tấn.

Bà Nguyễn Thị Niên phun nước rửa sứa biển trước khi sơ chế

Theo bà Niên, sứa biển tươi được thu mua xử lý, rửa sạch, đánh, sơ chế ban đầu tại bờ biển. Sau đó, đưa về nhà tiếp tục thực hiện thêm 4-5 công đoạn ngâm, muối, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới đưa đi tiêu thụ tại các đầu mối thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Một ngư dân may mắn đánh bắt được nụ sứa đỏ nặng hơn 40kg hiếm gặp

Sứa biển là loài nhuyễn thể thân mềm được dùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bổ mát vào mùa hè. Sứa sau khi đã trải qua các công đoạn xử lý, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể dùng với mắm ruốc kèm rau thơm hoặc làm gỏi (nộm) ăn cùng bánh đa… Hương vị rất đặc biệt lại dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon nên sứa biển luôn được nhiều thực khách ưa thích, lựa chọn.

Sau khi đưa vào bờ, sứa biển được cắt, phân loại và sơ chế bước đầu

Những nụ sứa tươi chất lượng

Theo nhiều người dân địa phương, mùa khai thác sứa biển bắt đầu từ tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Nghề thu mua và chế biến sứa biển cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong mỗi vụ mùa.

Thuyền đi đánh bắt sứa trở vào bờ

>> Hình ảnh thu hoạch sứa biển ở xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Văn:

Sứa chất đầy trong khoang thuyền

Dùng vợt lưới vớt sứa từ trong khoang thuyền

Những nụ sứa có cân nặng từ 30 đến hơn 50kg

Những nụ sứa tươi đẹp và có trọng lượng lớn

Nụ sứa đỏ hiếm gặp

Những nụ sứa lớn

Tiến hành cắt, phân loại sứa

Những nụ sứa tươi "khủng"

Sứa chất đầy thuyền

Nụ sứa tươi có cân nặng hơn 40kg

Bốc sứa tươi từ trên thuyền xuống

Xử lý sơ chế sứa tươi ban đầu trên bờ biển

Dùng xe kéo chở các thùng sứa biển đưa vào bờ

Sứa được đánh bằng máy trong 9-10 giờ đồng hồ tại bờ biển để lọc bớt nước

Sứa biển tươi được đánh thành những lát đẹp mắt

Các xe kéo chuyên dùng để chở sứa biển tươi sau khi thuyền vào cập bờ

Thuyền đưa sứa biển vào bờ đều được các cơ sở chế biến chờ đón thu mua hết

Tiến hành bóc tách, phân loại sứa trên bãi cát

Ngư dân sửa sang lại lưới sau chuyến đánh bắt sứa biển trở về

Ngư dân phấn khởi khi sở hữu được mẻ sứa tươi

Tiến hành xử lý sứa tươi ban đầu tại bờ biển

Xử lý sơ chế ban đầu sứa tươi tại bờ biển

Đưa sứa về nhà để tiếp tục chế biến

Sau thời gian ngâm, sứa được rửa sạch bằng nước máy

Những mẻ sứa tươi sau khi đã sơ chế, rửa sạch

Sứa được ngâm trong các xô, chậu nhựa

Lá lấu không thể thiếu trong công đoạn chế biến sứa thành phẩm

Sứa được cho vào các chậu nhựa để ngâm nước lá lấu

Sứa được đảo đều trong nước lá lấu

Sau khi ngâm nước lá lấu, sứa sẽ có màu đẹp, giòn, dai và thơm ngon hơn trước khi đưa đi tiêu thụ

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-ha-tinh-vao-mua-thu-hoach-sua-bien-post732806.html