Ngư dân 4 tỉnh miền trung bị thiệt hại do Formosa xả thải: Cần mở rộng đối tượng kê khai đền bù

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, mức đền bù thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết vừa được Thủ tướng ban hành, dựa trên báo cáo tổng hợp của các địa phương. Vì vậy không có thắc mắc hay kiến nghị gì. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương có nhiều ngành nghề và người dân bị thiệt hại thực sự do sự cố cá chết, nhưng chưa được đền bù nên tỉnh Quảng Trị mong muốn được nới rộng đối tượng kê khai thiệt hại để đền bù cho hợp lý.

Nhiều dịch vụ thương mại ven biển bị thiệt hại nhưng không nằm trong diện được kê khai đền bù. Ảnh: Hưng Thơ

Gặp vướng mắc...

Theo ông Đồng, trong quá trình triển khai thực hiện việc kê khai đền bù, tại tỉnh Quảng Trị gặp một số vướng mắc, chủ yếu là các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại. Trong đó, một số ngành nghề chưa được kê khai như du lịch, dịch vụ thương mại ven biển; nghề cơ khí nhỏ không đăng ký kinh doanh; người lao động làm thuê tại các nhà nghỉ ở các bãi tắm có hợp đồng lao động, đăng ký tạm trú.

Ngoài ra, quá trình kê khai thiệt hại với những hộ nuôi trồng thủy sản, do quy định không có nội dung thời gian thả giống và thời gian bị thiệt hại, nên rất khó khăn trong việc áp đơn giá. Quy định giá trị thiệt hại tính theo quy định miễn, giảm thuế của pháp luật hiện hành thực tế không hợp lý. Vì từ tháng 4-9.2016 do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nên các cơ sở kinh doanh không có doanh thu, vì vậy không phát sinh thuế hoặc đã được miễn giảm thuế.

Đơn cử, như cơ sở nước mắm Huỳnh Kế (xã Vĩnh Tân, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) được thống kê thiệt hại vì có giấy phép kinh doanh nằm ở vùng thiệt hại là thị trấn Cửa Tùng. Bà Lê Thị Huỳnh - chủ cơ sở nước mắm này - cho biết, từ tháng 6.2016 đến nay việc buôn bán rất ế ẩm. Cơ sở của bà Huỳnh còn tồn khoảng 300 tấn mắm cá, lý do là vì người tiêu dùng sợ sử dụng nguyên liệu là cá đánh bắt ở vùng biển ô nhiễm nên cơ sở nước mắm này hoạt động cầm chừng, không có doanh thu. Tuy nhiên, nếu tính theo mức hỗ trợ quy định về miễn, giảm thuế cho cơ sở thì quá ít so với chi phí đầu tư, vì trung bình mỗi tháng cơ sở đóng thuế kinh doanh khoảng 450.000 đồng. “Cơ sở của tôi thiệt hại nặng nề về doanh thu, nhưng theo quy định tại Công văn 6851 hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, thì giá trị thiệt hại tính theo quy định miễn, giảm thuế của pháp luật hiện hành là không hợp lý chút nào” - bà Huỳnh cho biết.

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản, đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển chưa được kê khai và có hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng: Dịch vụ du lịch, thương mại... để các địa phương có cơ sở xác định đúng đối tượng cần kê khai.

Ngư dân phấn khởi

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, nghe tin Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ tiền thiệt hại, người dân vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết khá phấn khởi. Ngư dân Mai Văn Dàn (trú tại khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Nghe tin sắp được nhận tiền đền bù tui cũng mừng, chứ từ tháng 4 đến chừ cả hai vợ chồng không biết làm chi ra tiền. Số tiền đền bù tới đây được nhận sẽ trang trải bớt khó khăn. Tuy nhiên, việc đền bù chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài tôi mong rằng cần có biện pháp khôi phục biển, để ra khơi trở lại”.

Hiện tại, người dân chưa bàn đến mức đền bù hỗ trợ, vì chưa rõ số tiền cụ thể sẽ được nhận là bao nhiêu. Tuy nhiên, người dân nào cũng mong rằng Nhà nước cho “cần câu” chứ không chỉ cho “xâu cá”. Anh Hồ Trọng Thủy (trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) cũng chung niềm vui khi nghe tin chuẩn bị được đền bù, nhưng tâm tư lớn nhất của anh là mong muốn chính quyền tạo sinh kế về sau, chứ không phải chỉ là số tiền đền bù trước mắt.

Trong những ngày cuộc sống gia đình khốn khó vì chiếc thuyền cá 24CV nằm bờ, đối với ngư dân Trần Khanh (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì việc sắp được nhận khoản tiền đền bù khiến tinh thần ông khá hơn. Đối với ông Khanh cũng như phần đa ngư dân Phú Hải thì điều họ mong mỏi nhất là biển trù phú trở lại, cá, mực, ghẹ đánh bắt về bán được giá. “Đền bù số tiền vài chục hay trăm triệu đối với ngư dân bây giờ là lớn, giúp giải quyết những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu về dài thì mong cấp trên có hướng gì đó để giúp đỡ ngư dân trong công việc làm ăn, ổn định cuộc sống” - ông Khanh nói.

Ứng trước 3.000 tỉ đồng đền bù
Sáng 30.9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì họp ban chỉ đạo cùng với các tỉnh, các bộ ngành. Theo đó, Chính phủ có chủ trương ứng trước 3.000 tỉ đồng cho các tỉnh nhằm đáp ứng được mong mỏi của người dân. Các tỉnh căn cứ vào số tiền ứng trước này để giải ngân cho các đối tượng được hưởng chính sách bồi thường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Vũ Văn Tám cho biết, dự kiến từ 5-10.10, trên cơ sở định mức chung áp dụng cho 4 tỉnh, các tỉnh sẽ áp giá và tính tổng mức thiệt hại cũng như tổng hợp, đề xuất tổng mức bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại ở từng địa phương. Khi hoàn thành việc thống kê thiệt hại, các địa phương sẽ gửi thêm cho Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ NNPTNT sẽ tổng hợp lại và chuyển sang Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ phân bổ tiền bồi thường, hỗ trợ cho các địa phương để thực thi triển khai.
“Nếu đúng theo quy trình cũng như tiến độ thì ngày 15.10 Thủ tướng Chính phủ sẽ có căn cứ để phê duyệt và chuyển tiền xuống các địa phương” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Sáng 30.9.2016, tại cuộc họp giữa ban chỉ đạo với các bộ ngành và các tỉnh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định về định mức thì Bộ NNPTNT sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành tổ chức một đoàn công tác đi xuống 4 tỉnh để phối hợp, giám sát cũng như đôn đốc các tỉnh triển khai để áp giá và giải quyết bồi thường cho người dân một cách nhanh chóng, công bằng, hợp lý. Khánh Vũ

Hưng Thơ - Đăng Khoa

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ngu-dan-4-tinh-mien-trung-bi-thiet-hai-do-formosa-xa-thai-can-mo-rong-doi-tuong-ke-khai-den-bu-597118.bld