Ngọt ngào mía đường Hồng TháiTin khác

Những ngày tháng 11, 12 âm lịch hằng năm, người dân thôn Bản Nhùng, xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng lại tất bật với công việc làm mía đường. Đây là thôn duy nhất trên địa bàn huyện Văn Lãng còn giữ gìn và phát triển nghề làm mía đường.

PHONG LINH – LƯƠNG KHOA

Thôn Bản Nhùng có 87 hộ với 256 nhân khẩu. Hiện toàn thôn có 32 hộ trồng mía, trung bình mỗi hộ 1 năm thu hoạch gần 5 tấn mía

Người dân thôn Bản Nhùng thu hoạch mía để phục vụ cho việc nấu đường mật mía

Theo lời kể của những người lớn tuổi trong thôn, nghề làm mía đường đã có từ lâu đời, nhưng do cuộc sống ngày một phát triển nên nghề đặc trưng truyền thống này ngày một mai một. Mãi đến năm 2020, người dân trong thôn mới khôi phục trở lại nghề truyền thống làm mía đường của ông cha để lại. Hiện nay người dân đã thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản xã Hồng Thái với sản phẩm chế biến chủ yếu là mía đường. Trong ảnh: Người dân làm sạch từng cây mía trước khi đưa vào máy ép.

Hợp tác xã Chế biến nông sản xã Hồng Thái gồm 20 thành viên, chia thành 2 tổ, mỗi tổ có 1 máy ép mía

Để có được miếng đường mịn, đẹp thì các thành viên chú trọng khâu lọc nước mía đã ép ra và lọc qua nhiều lần trước khi mang đi nấu đường

Nước mía được lọc sạch sẽ được cho vào chảo gang to để đun. Quá trình đun lò phải cháy liên tục, lửa to kéo dài gần 5 giờ

Đường được đun trong chảo to, người nấu phải liên tục đảo đường đều tay để có độ mịn, nhuyễn để khi cho ra khuôn sẽ được miếng đường mịn, vàng đẹp

Sau một thời gian dài đun chảo mía đường sẽ được đem ra cho vào khuôn. Đây là khâu quan trọng, người nêm nếm đường phải là người có kinh nghiệm vì nếu lấy đường non thì khi đổ vào khuôn đường sẽ không thành miếng; còn nếu để quá già đường sẽ dễ bị cháy

Đường mía thành phẩm có màu vàng tươi đẹp. Sản phẩm được các thành viên Hợp tác xã chế biến nông sản xã Hồng Thái cung cấp ra thị trường với giá bán 50 nghìn đồng/kg. Được biết, cứ khoảng trên 1 tấn mía thì nấu được 50kg đường. Thu nhập từ làm mía đường góp phần giúp người dân nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn. Theo thống kê của UBND xã Hồng Thái, trước năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của thôn Bản Nhùng cao trên 10%, nay giảm xuống còn 4,6% (tương đương 4 hộ).

Sau khi sản xuất, chế biến xong bã mía sẽ được gom lại phơi khô sử dụng thành chất đốt trong sinh hoạt

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phong-su-anh/635073-ngot-ngao-mia-duong-hong-thai.html