Ngôn ngữ của đội bóng

Trong văn hóa xứ kim chi, câu hỏi được đưa ra thì người nghe nhất định phải đáp lại. Nhưng với người Việt Nam thì khác. Đôi khi nhận câu hỏi, người Việt chỉ cười trừ hoặc ậm ừ cho qua chuyện. Khi bị hỏi dồn, hỏi khó thì chúng ta lại hỏi ngược lại, và lấy làm khoái chí khi đối phương rơi vào thế khó.

Cầm quân ở Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo hỏi rất nhiều và ông luôn dặn cầu thủ “không được làm những ông tướng giấu dốt”. Có lần ông hỏi “đã hiểu chưa” thì chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vi vu trên sân tập. Bầu không khí im lặng đến mệt mỏi. Những lúc rơi vào tình huống kể trên, thầy Park giận lắm, quát to: “Sao tôi hỏi mà không ai trả lời?”. Rồi quay sang hỏi trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: “Sao họ cứ im lặng như vậy?”.

“Nếu chỉ là người dịch bình thường thì mình kệ. Cầu thủ nói thì mình dịch, còn im lặng thì thôi. Nhưng như tôi nói từ ban đầu, tôi muốn mình là cầu nối giữa HLV Park Hang-seo và các cầu thủ. Thế nên sau vài sự cố trên sân kiểu như vậy, tôi phải tập cho các cầu thủ kỹ năng trả lời và giao tiếp theo kiểu văn hóa Hàn Quốc. Khi thầy Park hỏi cầu thủ bất kỳ câu hỏi nào, hiểu hay chưa hiểu, Quang Hải, Xuân Trường, Hùng Dũng, Anh Đức, Ngọc Hải… đều phải phản ứng rõ ràng. “Dạ, chưa hiểu” hoặc “Hiểu rồi ạ” - trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cho chúng tôi hay.

 Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa truyền tải thông điệp của thầy Park tới các cầu thủ.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa truyền tải thông điệp của thầy Park tới các cầu thủ.

Ở VCK U.23 châu Á sắp tới, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa sẽ không sát cánh cùng thầy trò HLV Park Hang-seo, thay vào đó là trợ lý ngôn ngữ Vũ Anh Thắng, người dưới sự dẫn dắt của ông Khoa đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua.

Ở các đội tuyển Việt Nam bây giờ, mọi người nói chuyện với nhau bằng đủ các loại ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ bằng ký hiệu, rồi các bên trò chuyện bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, rồi xen lẫn vào đó là một vài câu tiếng Việt. Thầy học trò, trò học thầy, phát âm có thể lơ lớ nhưng quan trọng là đôi bên hiểu nhau. Anh nào khát khao cống hiến cho đội tuyển thì càng phải chăm học tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh. Được cái cầu thủ U.23 Việt Nam cao to, đẹp trai lại thông minh nên học khá là nhanh. Khẩu lệnh bằng tiếng Hàn Quốc trên sân tập có trên 100 lệnh thì quân nhà ta đã nhớ và hiểu được trên 50 câu. Thầy trò sát cánh bên nhau bao giải đấu, bao chiến dịch, hoàn cảnh bắt buộc mọi người phải tự làm mới mình, hòa mình vào môi trường nên ai nấy đều chủ động, tích cực học ngoại ngữ.

Đến đây, tác giả lại nhớ cuốn “Tôi tư duy là tôi chơi bóng” của Q.Gioco viết về tiền vệ tài năng A.Pirlo. Trong đó có đoạn nói về vị trợ lý ngôn ngữ thảm họa của cựu HLV Milan F.Terim: “F.Terim là một người đáng chú ý, một người thực sự kỳ lạ, có vẻ dị ứng với các nguyên tắc… Ông ấy có một người phiên dịch điên khùng, đúng là cái bóng của ông ấy, người có lần còn khuyên ông ấy cắt mọi mối quan hệ với truyền thông… Người phiên dịch đó cũng có một vài vấn đề trong việc chuyển thông điệp của F.Terim cho chúng tôi trong phòng thay đồ. HLV thì sẽ khoa tay múa chân và nói lia lịa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: “Các chàng trai, chúng ta sắp đá một trong những trận quan trọng nhất của mùa bóng. Rất nhiều người đang chỉ trích chúng ta, nhưng tôi tin ở các cậu. Chúng ta không thể bỏ cuộc lúc này. Có những kỳ vọng to lớn đặt vào chúng ta, và bổn phận đạo đức của chúng ta là không được để họ thất vọng…”. Người phiên dịch đứng đó, gần như bất động, rồi sẽ nói bằng tiếng Ý: “Ngày mai Juventus sẽ tới. Chúng ta cần chiến thắng”. Một người nói trong 5 phút, người kia nói trong 5 giây…”.

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ngon-ngu-cua-doi-bong-606894