'Ngọn lửa' dưới chân núi Pha Luông

Bản Pha Luông thuộc xã biên giới xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu nằm dưới chân dãy Pha Luông hùng vĩ, cách biên giới nước CHDCND Lào khoảng 6 km, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây có một trưởng bản gương mẫu, 32 năm bền bỉ vận động bà con không du canh, du cư, xuống núi tìm cách làm giàu, xây dựng cuộc sống mới. Ông là Sồng A Tủa, Trưởng bản, được người dân trong bản ví như người truyền và giữ lửa ấm dưới chân núi Pha Luông.

Pha Luông trong câu chuyện kể

Từ thị trấn huyện Mộc Châu, chúng tôi về bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn. Do hẹn trước, ông Sồng A Tủa, ở nhà đón khách. Bên trong ngôi nhà, rất nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, các ngành được treo trang trọng trên tường. Rót nước mời khách, ông Tủa cười bảo: Đây là những ghi nhận của các cấp với bản thân tôi trong suốt 32 năm làm trưởng bản!

Kể cho chúng tôi nghe về quá trình đổi thay của Pha Luông, ông Tủa, chậm rãi nói: Năm 1986, gia đình ông cùng một số hộ dân từ xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên chuyển đến đỉnh núi Pha Luông tìm đất sinh sống. Ngày ấy, đường mòn lên bản dốc dựng đứng, chỉ có thể đi bộ. Người dân phát rừng dựng lán để ở, trồng cây lương thực ngắn ngày để ăn. Từ vài hộ ban đầu, sau 3 năm đã có 42 hộ dân tìm đến cùng sinh sống. Năm 1989, bản Pha Luông được thành lập. Khi đó tôi còn rất trẻ chỉ mới 20 tuổi, được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Pha Luông. Ngày đó, cây thuốc phiện chưa bị Nhà nước cấm nên người dân trồng rất nhiều. Trong bản, 30 hộ có người nghiện, thậm chí có gia đình 2 vợ chồng đều nghiện hút.

Ông Sồng A Tủa (ngồi giữa bên trái) cùng lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng tuyên truyền vận động người dân tham gia đảm bảo ANTT địa bàn.

Vẫn theo lời ông Tủa: Ở nơi heo hút nên Pha Luông lúc ấy là bản “4 không” (không điện, không đường, không lớp học, không y tế bản). Năm 2001, huyện Mộc Châu có chủ trương vận động bà con đồng bào Mông ở núi cao xuống vùng có điều kiện sản xuất và thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định lâu dài. Nhận thấy đây là điều kiện tốt cho dân bản, tôi đã vận động bà con xuống núi định cư. Và thay đổi của Pha Luông bắt đầu từ đây.

Ông Tủa kể tiếp: Ban đầu tuyên truyền vận động không đơn giản chút nào, bởi tập quán du canh, du cư khó thay đổi. Là người có uy tín, trưởng dòng họ Sồng nên tôi và một vài người trong dòng họ xung phong chuyển xuống định cư trước, kết hợp vận động “mưa dầm thấm lâu” đến năm 2004 cả bản đã chuyển hẳn xuống định cư ở chân núi Pha Luông. Ở đây, được Nhà nước làm đường, kéo điện lưới đến tận bản, xây nhà văn hóa, trường học và hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng làm nhà ở. Để bà con tin tưởng, tôi làm trước, từ khai hoang ruộng nước, đến chăn nuôi gia súc và sau này là trồng các loại cây ăn quả. Kinh tế khá dần lên bà con không còn du canh, du cư, không phát rừng làm nương rẫy mà trồng rừng để có thêm thu nhập, cuộc sống cứ thế khá dần lên.

Không còn thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng ông Tủa vẫn đau đáu nỗi lo về tệ nạn ma túy, nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Nghĩ là làm, ông đến từng hộ vận động, phân tích về tác hại của ma túy, phối hợp cùng lực lượng Công an đấu tranh, đẩy lùi tội phạm ma túy, giữ an ninh trật tự trong bản. Nghe ông nói “có lý, có tình”, nhiều người đã đi cai nghiện, cả bản giờ chỉ còn 4 người nghiện đang cai tại nhà. Pha Luông không còn người buôn bán ma túy, không có tệ nạn trộm cắp và không xuất cảnh trái phép; hủ tục lạc hậu cũng được đẩy lùi.

Ông Sồng A Tủa (bên trái) trên con đường bản được bê tông hóa.

Những câu chuyện về Pha Luông cuốn hút chúng tôi. Ông Tủa mời cả Đoàn ở lại ăn cơm cùng gia đình. Bên mâm cơm có nhiều món đãi khách, ông Tủa nói: Xuống định cư ở đây mới có món cá nướng, rau xanh của nhà trồng, toàn là thực phẩm sạch. Ông nói tiếp, dự định của gia đình sẽ làm “homestay” để đón khách du lịch chinh phục đỉnh Pha Luông. Hiện ông đang cho con trai út đi học chuyên ngành về du lịch. Cạn chén rượu mời khách, ông Tủa lấy chiếc khèn ra thổi bài “Người Mèo ơn Đảng” khiến không khí bữa cơm thêm ấm cúng, vui vẻ.

Điểm tựa của bản làng

Trong xây dựng nông thôn mới, tuyến đường nối từ bản Dân Quân, bản Suối Thín đến bản Pha Luông dài 3,2 km khi trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội đi lại khó khăn. Ông Tủa đã họp bản thống nhất trích tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng và vận động bà con đóng góp thêm 80 triệu đồng mua vật liệu và cùng góp công sức làm đường. Chỉ sau 4 tháng tuyến đường mới hoàn thành, việc đi lại thuận tiện, bà con phấn khởi lắm. Giờ xe ô tô vào được đến tận bản mua bán hàng hóa.

Người dân bản Pha Luông biết khai hoang ruộng bậc thang.

Pha Luông hiện có 60 ha ruộng bậc thang, 80 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là sơn tra đã cho thu hoạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, nhà ít có từ 5-6 con trâu bò, nhà nhiều 10-15 con. Bản chỉ còn 6 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo. Riêng gia đình ông Tủa có đồi xoài, nhãn, sơn tra với hàng nghìn cây đã cho thu hoạch; 4.000m² ao cá, 12 con trâu, bò và nhiều gia cầm; thu nhập trung bình mỗi năm từ 250 - 300 triệu đồng

Dẫn chúng tôi đi thăm gia đình anh Sồng A Chống - một người nghiện đã từ bỏ ma túy. Anh Chống, nói: Trước đây, đua đòi, mải chơi với đám bạn trong bản, ban đầu hút thuốc phiện rồi chuyển sang ma túy tổng hợp. Được ông Tủa vận động, chính quyền giúp đỡ, sau 2 năm quyết tâm cai nghiện tại nhà thành công. Học ông Tủa làm kinh tế, gia đình tôi chăm sóc 200 cây ăn quả các loại; cấy gần 1.000m² lúa; nuôi 5 con trâu, bò... cuộc sống ổn định. Tôi biết ơn Trưởng bản Tủa nhiều lắm!

Đồng chí Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, đánh giá: Pha Luông khởi sắc như hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của Trưởng bản Sồng A Tủa. Ông là một trong 163 người uy tín tiêu biểu cả nước được tôn vinh tại Chương trình Điểm tựa của bản làng do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức...

Tạm biệt Pha Luông, khi ánh nắng chiều trải dài trên những ruộng lúa bậc thang vàng ruộm, dọc tuyến đường bê tông chạy dài, từng đàn bò, đàn dê béo tròn nối đuôi nhau về chuồng, những vườn cam, bưởi sai trĩu quả chạy dọc trên các sườn đồi. Cuộc sống ở Pha Luông được đổi thay nhờ chủ trương lớn của Đảng, các chính sách của Nhà nước và của tỉnh và vai trò người đứng đầu, già làng uy tín như ông Tủa đã biết truyền và giữ lửa cho người dân Pha Luông có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ngon-lua-duoi-chan-nui-pha-luong-45051