Ngồi vào bàn ăn là thành… 'sát thủ'

Ở một mức độ nào đó, ẩm thực có liên quan đến tội phạm học - ngành khoa học về tội phạm.

Sát sinh có lựa chọn

Hình như đấy là một cô người Anh, trong cảm hứng bảo vệ loài thú yêu, cô làm một đoạn phim ngắn về việc ăn thịt chó ở Việt Nam. Toát lên một ấn tượng là lũ chó đáng thương. Ở xứ sở cô, chó được yêu chiều chứ không nhồi cả đống vào một cái lồng rồi bị chọc tiết, bị thui, bị tái lăn, bị nhựa mận như thế. Toát lên ấn tượng nữa là những kẻ ăn thịt chó là mọi rợ, ăn đến cả chó vốn là bạn của người.

Có con gì không là bạn của người, nếu đi đến tận cùng của khái niệm? Chỉ trừ những con vật gây hại như ruồi muỗi hoặc thú dữ thôi. Từ hơn 2.500 năm trước, Phật giáo đã truyền bá quan niệm không sát sinh. Tại sao lại không được sát sinh? Bởi vì con vật mà ta đang giết đấy có thể kiếp trước nó là anh em ruột thịt bạn bè của ta. Và bởi vì ta đang cầm dao giết con vật ấy, có thể kiếp sau ta lại phải làm con gà con vịt ấy cho người ta cắt tiết. Không sát sinh còn bởi ta cần tôn trọng quyền tồn tại của vạn vật và sống hài hòa cùng tự nhiên.

Tôn trọng quan niệm đó của Phật giáo và ta hạn chế sát sinh. Tiết dục chứ không thể trừ dục.

Nhưng mặt khác, tôi không ăn thịt chó, cùng lúc tôi không lên án người ăn thịt chó như cô gái phương Tây kia. Cô có cả một đa số hùng hậu ở phương Tây ủng hộ quan điểm chó là bạn của người. Ngựa cũng là bạn của người. Nhưng nói thế thì gà vịt bò lợn dê cừu cũng là bạn của người cả. Nhiều người còn nuôi lợn làm cảnh và họ vẫn cùng lúc ăn dăm bông xúc xích thịt lợn. Cô người Anh kia, cô và những người đồng chí hướng có thể cứ lên án việc ăn thịt chó nhưng đồng thời vẫn ăn cá gà lợn bò cừu.

Đầu năm 2024, Quốc hội Hàn Quốc quyết định loại bỏ hoàn toàn hành vi giết chó để ăn thịt ở nước này bằng cách thông qua một dự luật đặc biệt. Trong ảnh: nhóm các nhà hoạt động vì động vật ở Tây Seoul giương biểu ngữ “Tạm biệt thịt chó” hoan nghênh quyết định của Quốc hội. Ảnh: Yonhap

Thời kỳ tổ chức KKK nổi lên ở Mỹ giữa thế kỷ XIX, họ khủng bố và treo cổ lên thánh giá bất cứ người da đen nào họ ghét. Có chuyện họ trùm đầu bắt cóc một người đàn ông trong đêm, đem về để hành hình. Lột cái túi trùm đầu ra mới biết bắt nhầm. Người bị bắt hóa ra là một người da trắng. Da trắng ư? Thả. Họ chỉ giết người da đen.

Vậy là thời đại ngày nay, có những người không hề băng đảng ba ka, cứ nhằm gà vịt lợn bò dê cừu mà giết mà ăn, nhưng có khi bắt nhầm phải một con chó. Chó ư? Thả. Họ không có vấn đề gì với chó.

Và nếu có ai chén thịt chó thì họ nhân danh chủ nghĩa nhân văn mà lên án.

Nói thì bảo quá lời, họ có tư tưởng ba ka. Sát sinh thì vẫn sát, nhưng có lựa chọn.

Mượn tay sát thủ

Ta vẫn biết cách thanh toán địch thủ của các bố già băng đảng, cách loại bỏ đối thủ của các chính trị gia tha hóa, cách làm cho biến mất các láng giềng khó chịu của những kẻ có tiền và có quyền. Có A thì sinh ra B. Bên B là đám sát thủ chuyên nghiệp, là lính đánh thuê. Các đội quân đánh thuê từ nước này sang nước khác, mang đô la về cho đất nước mình. Các cá nhân đánh thuê hối hả bận rộn trên khắp hành tinh, mang đô la về cho chính họ. Có kẻ muốn sát nhân một cách sạch sẽ thì phải có kẻ được trả tiền để trực tiếp ra tay hành động.

Có người muốn ăn thịt bò thịt lợn thịt gà mà không phải tự tay giết thì nhân loại mới sinh ra nghề đồ tể.

Những người ấy bàn tay nhuộm đỏ để cho người ăn được thưởng thức mà không chút vướng bận băn khoăn áy náy, thậm chí ghê sợ ám ảnh.

Những thực khách hiền từ đáng yêu thông minh này có quyền lên án người khác giết gà giết bò không nhỉ?

Ẩm thực cũng phải nhân văn

Trong nhiều phim Âu Mỹ, sát thủ dày dạn đã thực hiện hàng chục hợp đồng, mỗi hợp đồng là một đối tượng cần thanh toán. Hàng chục nhân vật hầm hố đã chết vì tay hắn. Thêm một hợp đồng nữa đối với hắn như rứt một chiếc lá trên cành mà thôi. Vậy mà sát thủ sau khi đi khảo sát hiện trường, đã quay về ném toẹt tập tiền đặt cọc trả lại cho kẻ thuê mình. Ném vào mặt hắn một câu: Tôi không giết trẻ con.

Cái nơi mà hắn được thuê đặt bom là một lớp mẫu giáo.

Ngoài đời không hẳn có thật những sát thủ như vậy. Đấy chỉ là chủ nghĩa nhân văn của bộ phim.

Một anh bạn Tây, được bạn Việt rủ rê vào quán ăn thử món trứng vịt lộn. Ta đã biết Âu Mỹ sợ nhất tiết canh, thịt chó, trứng vịt lộn. Nhưng cũng có nhiều Tây là Tây mắm tôm. Gì cũng xơi được, gì cũng xơi hết. Anh Tây này đã ăn được mắm tôm, đã ăn được thịt chó, anh bảo lần này anh sẽ thử trứng vịt lộn xem sao.

Bóc vỏ trứng ra, dằm nhẹ quả trứng, lòng trắng rời ra, lòng đỏ rời ra. Một chú vịt con mắt nhắm lơ mơ ngủ.

Anh Tây buông cái thìa rú lên: Good heavens, a baby duck.

Ối giời ơi, một con vịt sơ sinh.

Con vịt “sơ sinh” thì tất nhiên không thể nào ăn được.

Không khác gì tay sát thủ quay về ném toẹt tập tiền tạm ứng: Giết gì thì giết, tôi không giết trẻ con.

Ẩm thực là... sát thủ

Anh bạn Tây này thích con gái Việt, nhưng chắc chắn là anh không thể thích một cô ăn tiết canh lem lém, ăn xong chùi mép nói ra những ý đẹp lời hay. Trong mắt anh, cô ta là ma cà rồng hút máu.

Ẩm thực là thứ khó ai nói được ai. Ở phương Tây từng có phóng sự điều tra, phơi lộ chuyện nuôi ngỗng lấy gan làm pa tê. Mỗi con ngỗng bị kẹp chặt trong một ngăn chuồng chỉ vừa chỗ đứng cho một mình nó. Máy nhồi thức ăn giống như một cái phễu tách mỏ nó ra, sục sâu vào họng, tống mạnh thức ăn vào. Không muốn ăn cũng bị nhồi thức ăn thẳng vào thực quản. Con vật bị nhồi đến mức béo phì, hai chân không mang nổi thân hình quá nặng, nó phải ngồi xẹp xuống. Lá gan của nó to gấp mười lần lá gan bình thường trở thành nguyên liệu lý tưởng của món pa tê gan ngỗng. Người bị bệnh phù gan hoặc gan nhiễm mỡ thì lo. Ngỗng bị gan nhiễm mỡ lại là niềm vui của ngành thực phẩm này. Đọc đến đây, người ta không khỏi nghĩ đến cái cô coi ăn thịt chó là man rợ, trong khi chính cô và người thân đang ăn pa tê gan ngỗng.

Ẩm thực cũng là thứ khó ai phê phán ai. Một số vùng ở châu Âu còn rạch bụng cá mập ra, ủ vào đấy một món thịt thú mấy tháng trời cho dậy mùi rồi mới mổ ra ăn, đâu có ai kêu ca. Cái gì không ăn được thì nên im lặng để người khác ăn. Nhưng một khi cất giọng phê phán người khác về thứ ẩm thực sát sinh thì người ta đang phê phán chính mình. Bởi khi ấy họ đã trở nên giống như sát nhân có lựa chọn, hoặc mượn tay sát thủ để giữ sạch bàn tay của ta.

Tôi từng viết rằng sống là gây hại. Bản thân sự tồn tại của con người làm hại cho mặt đất và bầu trời nơi họ sống. Đất bị canh tác trồng trọt đến bạc màu cằn cỗi, rồi đất lại bị hủy hoại tiếp bởi thuốc trừ sâu và phân hóa học. Bầu trời bị nhiệt điện và đủ thứ làm cho ngạt thở. Những dòng sông bị ngăn lại làm thủy điện dẫn đến hủy hoại môi trường và gây động đất. Cây rừng bị chặt phá để làm giấy cho nhà văn in sách và người mê tín đốt vàng mã. Dù không dùng giấy mà dùng máy tính và điện thoại thì cũng cần khai thác đất hiếm, làm hại môi trường còn hơn chế biến giấy. Ngay như cô gái đấu tranh cho môi trường và chúng sinh kia, kể cả cô có ăn chay thì bản thân cô cũng là một cỗ máy đẩy khí carbon dioxide ra không gian xung quanh, góp phần làm hại môi trường và mọi người… Vậy mới nói chỉ cần người ta có mặt trên đời cũng là gây hại. Sống là gây hại, không tránh được. Chỉ có thể kiềm chế.

Nói thì tưởng như đùa, nhưng bản thân việc ta ăn uống, dù là ăn uống gì, thì ta cũng là một kiểu sát thủ. Ai có thể tự tin rằng thói quen ẩm thực của ta lành mạnh hơn người khác.

Hồ Anh Thái

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngoi-vao-ban-an-la-thanh-sat-thu-42849.html