Ngôi trường đặc biệt của trẻ em tự kỷ

Trường nằm chếch sâu trong con hẻm (số 244/25F) trên đường Điện Biên Phủ, P.17, Q. Bình Thạnh. Trường không có tiếng ê a đọc bài của trẻ con, không náo nhiệt... Khoảng sân trước trường phẳng lặng, những tấm ván lót sàn ở một góc sân có bề mặt gồ ghề, sọc dọc. Cầu thang gỗ giữa trường nhấp nhô lượn sóng... Tên trường là Giáo dục Chuyên biệt Khai Trí, ngôi trường dành cho trẻ em tự kỷ.

1. Trường được thành lập cách đây vài tháng, do Tiến sĩ - Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ nhiệm. Cái tên Huỳnh Tấn Mẫm không xa lạ đối với người dân TP HCM, ông là một trong những người dẫn đầu trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn trước năm 1975. Hiện nay, ông công tác tại Chi hội Bệnh nhân nghèo TP HCM. Hôm trò chuyện với tôi, ông bảo việc ông cùng nhiều người bạn chung tay thành lập ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ Khai Trí có cả nguyên nhân riêng và chung. Bác sĩ Mẫm đứng tuổi thì mới có được hai cậu con trai. Buồn thay, cả hai đều mắc phải căn bệnh tự kỷ. Bản thân là bác sĩ, mà con mình lại mắc phải chứng tự kỷ thì ai mà không đau. Ông nói, chữa mãi thì cậu con trai lớn mới có thể vào học lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn. Cậu con trai út thì cho theo học ở ngay ngôi trường chuyên biệt này. Có con bị tự kỷ, bác sĩ Mẫm hiểu rõ hơn ai hết sự bất hạnh của một gia đình không may. Bác sĩ nói với tôi rằng, nhìn cốt nhục của mình nằm đó, nhưng hôn thì con đẩy ra, ẵm thì con quấy khóc, chạm nhẹ vào thì vùng vẫy... xót hết ruột gan. Nhưng biết sao được, vì căn bệnh này nó vậy. Trẻ cứ như lãnh cảm với mọi người xung quanh, mọi cảnh vật... Cách đây khá lâu, tôi cũng đã thực hiện bài viết “Hành trình đưa con trở lại thiên đường”, kể về câu chuyện của một người mẹ có con bị mắc chứng tự kỷ, chị phải tự mày mò rồi lặn lội sang tận Mỹ theo các bác sĩ y khoa hàng đầu về nghiên cứu căn bệnh này để có thể về Việt Nam chữa bệnh cho con. Bây giờ, thì cậu nhóc nhà chị đã khá hơn. Đương nhiên, chị vẫn may mắn vì gia đình chị có điều kiện về kinh tế. Chứ không, hẳn nhiên là một bi kịch gia đình nữa sẽ được tái hiện lại. Còn với những gia đình không khá giả về kinh tế chẳng may có con bị mắc bệnh tự kỷ thì sẽ ra sao(?!). Bác sĩ Mẫm bảo, ông tham dự nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi báo cáo về căn bệnh này, ông mới giật mình nhận ra là ngày càng có nhiều trẻ mắc phải bệnh tự kỷ. Trước đây, nhiều người đánh đồng trẻ mắc bệnh tự kỷ là... tâm thần. Thế mới có chuyện gia đình có con em mắc bệnh tự kỷ, vội tống thẳng con vào bệnh viện tâm thần để chữa trị. Lâu dần, trẻ bị tâm thần thật, khiến nỗi đau ngày lại càng lớn hơn. Trẻ tự kỷ thường được chia thành hai dạng, trẻ mắc chứng phổ tự kỷ và tự kỷ thông minh. Dạng phổ tự kỷ, trẻ sẽ mắc phải 3 khiếm khuyết, bao gồm về tiếp xúc, về giao tiếp và về thần kinh (hay còn gọi là tăng động). Trong 3 khiếm khuyết này, thì khiếm khuyết về tăng động là khiếm khuyết nguy hiểm nhất. Dạng tự kỷ thứ hai là dạng tự kỷ thông minh. Những trẻ bị mắc phải chứng tự kỷ thông minh là trẻ rất giỏi về một môn hoặc chuyên ngành nào đó. Nhưng, vẫn là một dạng bệnh, chứ không phải thông minh là điều hoàn hảo. Bởi đơn giản, trẻ sẽ chỉ tập trung vào một thứ duy nhất, không tiếp xúc, trao đổi hoặc bàn luận với những người xung quanh về bất cứ vấn đề gì khác. "Đó là những đứa trẻ sống nội tâm. Không thể nói cho mọi người xung quanh biết mình yêu, ghét những gì, cảm xúc ra sao... Nên những uất ức lâu ngày dồn nén lại, khiến trẻ có những hành động bột phát để giải tỏa. Có trẻ tay đấm, chân đá, đập đầu xuống đất hay vào tường để tự giải tỏa. Nhiều gia đình khó khăn có con bị mắc chứng tự kỷ, thấy con phá phách ban đầu thì chiều theo, nhưng được một thời gian do áp lực của cuộc sống và họ bắt đầu trừng phạt những hành động nghịch ngợm của trẻ bằng đòn roi. Điều này, càng làm cho sự phẫn uất của trẻ lớn dần thêm theo năm tháng", bác sĩ Mẫm cho biết. Cuộc sống của trẻ tự kỷ, là cuộc sống như được lập trình sẵn. Thích gì, chỉ thích duy nhất một thứ; muốn gì, cũng chỉ muốn riêng thứ ấy. Bác sĩ Mẫm nói có trẻ mắc phải chứng tự kỷ, thích một đoạn quảng cáo trên truyền hình. Vậy là, bé, ngồi trước tivi, canh để coi đi coi lại đoạn quảng cáo trên. Coi đến mức thuộc lòng, rồi sau đó vào trường, bé hồn nhiên lên bục giảng để... đọc lại toàn bộ đoạn quảng cáo đó. Cầu thang trị liệu và khu hồ bơi ở trường. 2. Mang những ưu tư mà chính mình cũng là người trong cuộc, bác sĩ Mẫm hiểu cái khó của những gia đình có trẻ tự kỷ. Ông muốn làm gì đó để có thể thay đổi bi kịch cho những gia đình. Đúng là bi kịch, bởi mỗi gia đình có trẻ tự kỷ, nếu không được chữa trị đúng cách để trả trẻ lại đời sống thường nhật thì sẽ là một gánh nặng mãn tính. Trường Chuyên biệt Khai Trí được lập ra với mục đích chính là như vậy. Bác sĩ Mẫm nói, bản thân ông hiểu được căn bệnh này phức tạp như thế nào. Nên khi cùng những người bạn khai sinh ra ngôi trường chuyên biệt này, ông luôn cố gắng áp dụng mọi phương pháp trị liệu khoa học và tiên tiến nhất dành cho trẻ. Ông nói: "Tự kỷ bây giờ đã là căn bệnh phổ biến rồi. Ở nước mình chưa có thống kê cụ thể, chứ ở một số nước như Mỹ chẳng hạn, thì người ta đã thống kê được rằng cứ 120 trẻ thì có 1 trẻ tự kỷ, cứ 5 trẻ tự kỷ thì có 1 bé gái và 10 trẻ tự kỷ thì có 5 em không biết nói. Và nếu không hành động kịp thời, có thể chúng ta sẽ bắt tay rất muộn vào việc trả lại cho trẻ tự kỷ một cuộc sống bình thường".

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/10/73570.cand