Ngôi trường bán trú: Mái ấm của những học sinh vùng cao

Mới chỉ học lớp 2, lớp 3, nhiều em nhỏ ở các bản làng vùng cao đã phải xa gia đình vào trường bán trú để thực hiện ước mơ theo đuổi con chữ. Dù không có cha mẹ bên cạnh nhưng ở đây, các em được sự chăm lo, yêu thương của các thầy giáo, cô giáo từ bữa ăn, giấc ngủ.

Gần 5 năm qua, những lời ân cần dặn dò, chỉ bảo từ bữa ăn giấc ngủ đến nếp sinh hoạt của các thầy, cô giáo đã trở nên quen thuộc với cô bé Hoàng Hồng Thắm và những bạn nhỏ ở trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở An Thắng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Nhà ở xa, nên từ lớp 3, em đã được cha mẹ gửi đến trường để theo học. Gọi là bán trú nhưng ở đây mọi sinh hoạt, học tập đều như nội trú.

Ở trường, các thầy giáo cô giáo chăm lo các em 3 bữa hàng ngày, hướng dẫn từ cách gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân đến từng buổi ôn bài ngoài giờ lên lớp. Xa gia đình, người thân nên với Thắm và các bạn ở đây, các thầy cô cũng chính là những người cha, người mẹ. Cô bé bỡ ngỡ năm nào nay cũng thành người chị cả, phụ giúp các thầy cô, chăm lo cho 24 em nhỏ khác trong phòng tập thể.

Các thầy cô giáo trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS An Thắng ân cần bên các con

Hoàng Hồng Thắm chia sẻ: “Môi trường học tập ở đây rất tốt và thầy cô rất quan tâm đến cháu và các bạn, rất hiểu và yêu thương các bạn. Mỗi lần các bạn làm sai điều gì đó thầy cô không la mắng nhiều mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Lúc ốm đau, cháu thấy các thầy cô chăm sóc như bố mẹ thứ hai của cháu vậy”.

Xã An Thắng xa trung tâm huyện, đường lại chủ yếu đèo dốc cao nên để các con ngày có 3 bữa cơm nóng tươm tất là cả sự nỗ lực rất lớn của mỗi thầy cô giáo. Với việc nhà trường bán trú từ lớp 1 đến lớp 9 nên công việc các thầy cô cũng vất vả hơn khi ở mỗi lứa tuổi, các con lại có những thay đổi tâm, sinh lý khác nhau. Với lớp 1, lớp 2, các thầy cô phải như những người cha, người mẹ. Nhưng với các em lớp 8, lớp 9, các thầy cô như những người bạn ở bên để định hướng tâm lý, chia sẻ suy nghĩ cùng các con. Rồi khi các con đau ốm, nhớ nhà, các thầy cô cũng là người ở bên động viên, chăm sóc.

Cô giáo Dương Thị Phương, Tổng phụ trách đội Trường PTDTBT TH&THCS An Thắng cho biết: Sáng sớm, dù trời mưa hay những ngày vùng cao giá rét cắt da cắt thịt, các thầy cô vẫn cắt cử nhau ra chợ mua đồ để nấu cho các con bữa ăn sáng đủ no trước khi vào lớp.

“Các em xuống đây học bán trú từ lớp 1, lớp 2, các thầy cô luôn ở bên cạnh động viên, khi các con nhớ nhà phải an ủi, gọi điện về cho các em nói chuyện bố mẹ. Với các con về đây học, nhất là các em nhỏ thì thầy cô hướng dẫn các em từ cách gấp chăn màn, giặt quần áo, thậm chí cách đi vệ sinh”, cô Dương Thị Phương cho biết.

Năm học này, Trường PTDT bán trú TH&THCS An Thắng thực hiện chế độ bán trú cho trên 100 học sinh, chủ yếu là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài duy trì 2 buổi học ban ngày, buổi tối các thầy cô cũng cử giáo viên quản lý, hướng dẫn cho các em ôn bài ở trên lớp. Một ngày với các thầy cô ở trường luôn bắt đầu từ trước 6h sáng và chỉ kết thúc sau 21h, khi các em đã lên giường đi ngủ.

Những đứa trẻ vùng cao háo hức bên bữa cơm nóng tươm tất do các thầy cô chuẩn bị

Thầy giáo Ngô Văn Thế, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS An Thắng, huyện Pác Nặm cho hay, từ khi thực hiện chế độ bán trú và chế độ dành cho học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, sức khỏe của các con đã được nâng lên, nhờ đó, sức học cũng cải thiện rõ rệt.

“Nhà trường phân công thầy cô luân phiên quản lý học sinh, toàn bộ thời gian các em ở trường có lên lịch cụ thể. Từ giờ lên lớp, giờ tự quản, giờ nào thức dậy, vệ sinh cá nhân, giờ nào thể dục thể thao, tham gia vệ sinh môi trường… Các thầy cô giáo cũng rất vất vả vì ngoài giảng dạy trên lớp nhưng các thầy cô giống như người cha, người mẹ hỗ trợ hướng dẫn các em. Đáng mừng là 2 năm nay, từ khi chuyển sang chế độ bán trú, nhà trường không có học sinh bỏ học giữa chừng, sự quan tâm của bậc phụ huynh đã được cải thiện và được đổi mới hơn”, thầy Ngô Văn Thế cho hay.

Các thầy cô hướng dẫn học sinh từ cách vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn đến bữa ăn, giấc ngủ

Với những học sinh ở xã vùng cao này, ngôi trường bán trú chính là mái nhà thứ hai và các thầy cô cũng như những người cha, người mẹ, với tình thương yêu vô bờ đang chắp cánh cho ước mơ của những đứa trẻ vùng cao.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ngoi-truong-ban-tru-mai-am-cua-nhung-hoc-sinh-vung-cao-post1059998.vov