Ngôi chùa linh thiêng ở Trường Sa

Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng gió, bão giông khắc nghiệt, nhưng không, bất cứ ở đâu, hễ có người dân đất Việt sinh sống thì ở đó có đình chùa, miếu mạo. Ở đảo Trường Sa có một ngôi chùa để quân dân nơi đây tìm đến như một chốn bình an cũng như hướng về cội nguồn dân tộc.

Chùa Trường Sa thực sự là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo và những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện, bình yên, cầu mong đất nước, quê hương luôn vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời...

Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian, hai chái. Bước vào cổng, qua sân là đến vườn chùa. Tòa chính điện xây theo lối truyền thống, mái ngói cong có đầu đao. Nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu đựng độ mặn của nước biển.

Chùa Trường Sa

Chùa Trường Sa

Phật điện có pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng, nguồn gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar. Cơ duyên Phật ngọc ngự trong chùa đến từ món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm Thủ đô Yangon và được nguyênThủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn. Trong thư gửi, Thủ tướng phát tâm nguyện:

“Mong đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.

Các chiến sỹ trên đảo Trường Sa dâng hương ở chùa Trường Sa ngày đầu năm

Các chiến sỹ trên đảo Trường Sa dâng hương ở chùa Trường Sa ngày đầu năm

Trên các đảo của quần đảo Trường Sa, nhân dân an cư lạc nghiệp và các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha. Ngôi chùa ở Trường Sa chính là biểu tượng cho sự nương tựa về tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự che chở , cầu mong yên bình, an lạc.

Đại đức Thích Tâm Tánh, trụ trì chùa Trường Sa, chia sẻ: “Ngoài bổn phận thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên đảo đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, nhưng nói chung khi đến chùa, mọi người đều một lòng thành kính, hướng về Tổ quốc Việt Nam, tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đất nước sẽ thanh bình và phồn thịnh…”.

Đại đức Thích Tâm Tánh mừng tuổi cho các cháu nhỏ

Đại đức Thích Tâm Tánh mừng tuổi cho các cháu nhỏ

Đảo Trường Sa chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa khoan thai loang ra trên sóng biển. Dù bị pha trộn trong tiếng sóng và tiếng gió biển đêm nhưng không lấn án được tiếng chuông chùa vọng lại. Chỉ một tiếng chuông nhưng đong đầy bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Tiếng chuông chùa nghe da diết như được gióng lên từ niềm khát khao hòa bình của người Việt giữa biển Đông.

Trường Sa giờ đây không còn là những roi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả, nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gần gũi như một làng chài của ngư dân ven biển. Những ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo mà còn thể hiện sự khát vọng về cuộc sống bình yên, hòa bình của mỗi cư dân nơi đảo xa.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ngoi-chua-linh-thieng-o-truong-sa-88837.html