Ngọc phả liên quan đến hoàng tử Lang Liêu

PTĐT - Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương (Vua Hùng thứ 7), là người con ưu tú nhất trong các hoàng tử được vua cha truyền lại ngôi báu. Lý do được truyền ngôi có lẽ chúng ta đều biết...

PTĐT - Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương (Vua Hùng thứ 7), là người con ưu tú nhất trong các hoàng tử được vua cha truyền lại ngôi báu. Lý do được truyền ngôi có lẽ chúng ta đều biết, đó là trong cái khó khăn muôn vàn của cuộc săn tìm sản vật dâng tiến vua cha, người con hiếu kính ấy cuối cùng được thần giúp đỡ làm ra sản vật bánh chưng, bánh dày đã làm hài lòng vua cha và được truyền ngôi trở thành Vua Hùng thứ 7.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL (năm 2015) thì tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được hàng trăm cuốn ngọc phả tại các di tích đình, đền, miếu ở các địa phương. Các di tích này đều có điểm chung là thờ Vua Hùng hoặc vợ, con, các danh trướng triều Hùng và liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để tìm ra một cuốn ngọc phả ghi riêng về thân thế, sự nghiệp của Lang Liêu là rất khó. Do vậy tôi chỉ xin dừng lại giới thiệu vài cuốn ngọc phả, thần tích và có những đoạn trích về thân thế của Vua Hùng thứ 7, qua đó có thể khẳng định vị thế của vị Vua được nhân dân tôn kính. Thần tích xã Vi Cương, tổng Chu Hóa, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Bản thần tích này do nội thị Hàn lâm học sĩ Quốc Tử Giám Nguyễn Đình Chấn ghi lại, nội dung như trong Thần tích xã Hy Cương. Bản ghi chép có niên đại Thiên Phúc thứ nhất, ngày 25 tháng Giêng niên hiệu Lê Đại Hành năm 980. Trong thần tích có đoạn ghi: Hùng Chiêu Vương, tên húy là Long Tiên Lang. Sinh ngày 10/10 năm Tân Dậu, mất ngày 15/07 ở điện trung. Vua lấy bà Ngọc Tiêu ở núi Tam Đảo lập làm hoàng phi. Sinh con trưởng là Ninh Vương, truyền năm vương cai trị… Bấy giờ vua cai trị thiên hạ thái bình, chư hầu phục tùng, dân không cướp trộm, không thu phú thuế, dân sinh bình an vô sự.Thần tích xã Tiên Cương
Nội dung ghi giống như trong Thần tích xã Hy Cương.Thần tích xã Hy Cương tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Ngọc phả cổ truyền về 18 đời thánh vương triều Hùng
Ngày tốt tháng 10, mùa đông năm Canh Tý, niên hiệu Hoàng Định thứ nhất (1600) do Hàn lâm thị độc Nguyễn Trọng hiệu đính. Lễ phiên Lê Đình Hoan sao lại.…Thái tử Chiêu Vương (tôn phong là Hùng Chiêu Vương Minh Tông Thần Công hoàng đế) tuân theo đại thống, khi vừa lên ngôi đã chăm lo chính sự, thừa hưởng thanh thế đàng hoàng để lại, cho treo cung án giáp, không dùng đến võ bị, chỉ chăm lo dưỡng dân, tu sửa giáo hóa. Vua thường xem gương các đời vua trước, như việc làm sai lễ vật, khiến trời giáng tai ương, hoặc giặc từ biên ải kéo đến, 6 đời được bình yên, lại chuyển thành loạn.Do vậy, vua càng vâng theo đạo trời, kính thờ quỷ thần, phàm trong núi sông hễ nơi nào có đền thiêng đều ban chiếu sai bách quan văn võ tu sửa lại, rồi tô vẽ tượng thánh, tỏ rõ lòng thành thờ phụng. Vua ra ngự ở điện Kính Thiên, cho dựng đài vàng cửa ngọc, kẻ vẽ cung tường, trang hoàng miếu vũ, thiết bầy nghị vệ, tất thảy trang nghiêm. Còn các đồ tế khí, đều trạm khắc rồng mây, đêm ngày thắp hương không dứt. Mỗi tháng vào kỳ sóc, vọng vua thường trai giới đến đây ngự thị trầu trực.Cạnh điện có một ngôi chùa tạo dựng từ đời trước, là nơi vị thượng thánh đại bảo tu luyện thâm tâm, khéo dùng linh đan, đắc phát thành tiên, hóa sinh bất diệt, thăng thiên giữa ban ngày, phát tích tại chùa, được hòa nhập với các vị thần tính giáng thế phù giúp sơn hà. Chùa là nơi chung đúc khí thiêng, hội tụ tinh thần nhật nguyệt, tập hợp 4 vị đại thiên vương, 8 bộ kim cương, 28 vì tinh tú, trăm vị thân linh hội hợp thị vệ. Hai bộ Sơn Tinh, Thủy Tinh , núi non hải đảo, bách thú đến chầu, đều quy về một mối. Xưa gọi là chùa Từ Sơn Thừa Long (nay gọi là chùa Thiên Quang).Vua thường ngự giá đến đây, truyền sai bách quan tả hữu tu sửa lại chùa, đồ họa khắp 4 bức tường cảnh sắc rực rỡ, rồi trồng các loại hoa để làm phong cảnh. Khi tu sửa hoàn thành vua ban hịch cho khắp các trâu, huyện hễ ai là Tăng Ni đạo sĩ đến hội đồng này, cấp phát cho họ áo mũ, hội giảng chân kinh thuyết pháp, khai phá đạo nguồn, tiến cúng hương hoa bốn mùa thơm ngát. Vua sai quần thần dùng các lễ chay, thường xuyên dâng hiến vào ngày sóc vọng. Còn 2 ban văn võ, đều trầu trực trang nghiêm. Vua cung kính viết sớ dâng trời, dẫu trời xa nhưng khói hương vẫn thấu mây lành. Một tấm lòng thành, cảm cách thông đến trời đất, cầu tất sẽ ứng xin được toại lòng.Bỗng thấy một ông già tướng ngọc mình vàng rẽ gió cưỡi mưa đi đến. Vua bái tạ ông, rước vào trong chùa, ông già nói: “Ta là thần ở Tây Vực, sống nơi góc biển, tiêu giao con thuyền Bát nhã, không nhiễm lòng trần, vui thú cõi Niết bàn. Nay thấy có lòng thành cảm cách, nghe tiếng kinh kệ, át ta cảm ứng mà đến”. Vua mừng thầm bảo rằng: “Người mà thanh tịnh, lòng trời sẽ thông”. Một lúc sau, ông già ấy lấy trong tay áo đưa ra một chiếc móng rồng, một chiếc thiên bảo trao cho vua. Chỉ trong chớp mắt, thấy mây lành ngũ sắc sáng rức khắp núi, ông già bay lên trời biến mất, vua biết đây là vị phật liền bái tạ theo.Ngay hôm đây, sai bách quan trai giới sạch sẽ lập đàn trên chùa, kính thỉnh bách thần đến hội ở núi Thượng Linh, khấn rằng: “Hôm nay may gặp lão ông ban cho một đôi kỳ vật, chẳng biết làm thứ báu vật gì, nếu có anh linh xin cho được biết”. Khấn xong, nhìn trên không trung sáng rực, mấy lành dồn dập kéo đến, 4 vị đại thiên vương hiện ra ở đàn, thân dài 7 thước, đầu đội mũ hoa màu sắc huy hoàng, râu tóc bạc phơ. Vua đón vào trong điện, sửa sang mũ áo chỉnh tề bái tạ các vị.Một lúc sau, 4 vị bảo với vua rằng: “trước đây lão ông ban cho 2 vật đó đều là báu vật của trời, một dùng để làm chiếc kiếm, 1 dùng để làm quả ấn phải mài rũa mới thành khí, lấy làm quốc bảo”. Nói xong, cùng nhau theo mây mà đi. Vua bái vọng theo đứng ở đầu núi, nhân đó tô vẽ tượng thánh đặt trong chùa để phụng thờ. Vua cử giá trở về cung, bèn lấy báu vật của trời khắc thành ấn, còn móng rồng tạc làm kiếm. Ấn gọi là ấn Thiên Linh, kiếm gọi là kiếm Thiên Linh.Từ đó xã tắc yên vui, triều đình hòa thuận. Vua nghiệm thấy lý trời thực huyền vi, nên để lòng sung trọng, càng ngày càng đôn đốc tu sửa tâm tính bản thân.Một hôm cảnh trời mát mẻ, vạn vật tươi màu, khắp thành hồng tía đua khoe, sắc xuân đẹp đẽ, quần thần dâng lời rằng: “Nghe đồn ở núi Tam Đảo có nhiều nàng tiên hội tụ, vua nên một lần đến đó ngoạn thưởng”, Vua bèn khởi hành xa giá đi xem phong cảnh. Xe loan tới nơi, vui thấy núi non như gấm vóc, lâu đài thiên tầm trùng điệp, khe biếc ngòi xanh, sóng nước nhè nhẹ nối nhau, cảnh trí phong quang, cỏ hoa ngào ngạt, đầu núi lô nhô, có bạch long giáng khí, xưa lập một chùa gọi là Tây Thiên.Vua cho dựng đàn, rồi chỉnh biện lễ chay, sai quần thần dâng lễ đứng chầu, vua làm lễ bái yết, mở lòng công đức ở chùa, sớm đảo tối cầu, qua bảy ngày đêm. Nam nữ bốn phương hội tụ, cùng vui vẻ đến đây chiêm ngưỡng. Chim trong rừng đến nghe kinh, cá dưới nước đến nghe giảng kệ. Công được viên thành, Vua ngự trên suối Thạch Bàn để xem cảnh tiên, bỗng thấy điện vũ huy hoàng, khói mây óng ánh, mây rồng bốn vách, tựa như lâu đài tây trúc mênh mang một bầu sơn thủy, thực đúng thú vị chốn bồng lai. Vua vào chùa Phù Nghi, đứng nhìn tiên đàn, mật khấn với trời, sai bách quan văn võ đứng chầu trang nghiêm. Vua yết lễ khấn rằng: “Xin trời giáng thần tiên để được gặp gỡ, thực vui sướng ba đời” Khấn xong vua bái tạ trời.Sau 3 ngày không gặp tiên, vua bồi hồi trong lòng, không biết làm sao? Vua lại ngự đến Long Đầu đứng nhìn tiên đàn kiên trì cầu đảo. Đêm ấy mơ thấy thần linh mách bảo rằng:Trên núi có nàng tiên
Chưa gặp chớ buồn phiềnPhía đông người đẹp đơịĐón thiếp về làm phi
Vua được vị thần ban cho bốn câu thơ, phản giá trở về, ngự dưới chân núi, thấy một người đẹp phong tư diễm lệ, cốt cách thanh tú, đứng bên cạnh điện Cẩm Miếu xem vua ngự. Vua thích sắc đẹp của nàng, lấy làm vợ. Khi trở về cung hỏi rằng: Nhà nàng ở đâu?Nàng đáp: “Thiếp là người tiên giáng sinh ở Đông lộ, làm con gái ông trưởng giả, mấy năm ở nơi nhà tranh, vịnh sử ngâm kinh, giữ ngọc gìn vàng để đợi người anh hùng. Nghe thấy bệ hạ khởi giá chơi chùa Tây Thiên, thiết lập đàn tràng để trí cầu tiên, thiếp chẳng quản đường xa đến xem, may nhờ duyên trời định trước nên được gặp quân vương, nguyện xin chầu trực trong trướng, ngõ hậu không phụ ước tam sinh”.Vua nghe nàng nói, biết đây là trời ban thần tiên cho mình, bèn sai quần thần sửa sính lễ, nhanh tróng đưa đến Đông lộ cho nhà ông trưởng giả, rồi trở về đô ấp Phong Châu, lập nàng làm vương phi chính thất. Chưa được 1 năm, lúc ấy nàng Ngọc Tiêu mang thai, sinh được một nam, tư chất thông minh, tài giỏi vượt trội. Đến tuổi gia quan vua lập làm hoàng thái tử đến nối theo quốc thống, đặt tên hiệu là Hùng Vĩ Vương (tôn phong là Hùng Vĩ Vương Hiển Tông Duệ Trí hoàng đế). Như vậy chúng ta đều thấy rất rõ Hoàng tử Lang Liêu sau này trở thành vị vua sáng, kính hiếu với mẹ cha, chăm lo quốc sự, bên trong thì dùng văn đức để trị, bên ngoài thì hiển thị võ công đốc chí hưng bình làm cho dân yên ổn. Trong ngọc phả thần tích cũng chỉ rõ “vua càng vâng theo đạo trời, kính thờ quỷ thần, phàm trong núi sông hễ nơi nào có đền thiêng đều ban chiếu sai bách quan văn võ tu sửa lại, rồi tô vẽ tượng thánh, tỏ rõ lòng thành thờ phụng”. Thân thế của Vua Hùng thứ 7, công trạng của vua với dân với nước sánh cùng trời đất được con cháu tôn vinh hương khói phụng thờ đời đời không dứt.

Lê Công Luận (Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/den-hung/202104/ngoc-pha-lien-quan-den-hoang-tu-lang-lieu-176519