Ngọc Lặc đầu tư nâng cấp hệ thống hồ, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp

Đến tháng 4/2024, huyện Ngọc Lặc có 155 công trình thủy lợi, ngoài hồ Cống Khê (thị trấn Ngọc Lặc) theo thiết kế có dung tích chứa 4 triệu 380 nghìn m3 nước, còn lại là hồ, đập vừa và nhỏ, hàng năm đảm nhận tưới cho khoảng 2.200ha/vụ.

Hồ Trung Tọa (xã Quang Trung) đã tích đủ nước tưới cho cây trồng vụ chiêm xuân năm 2024.

Trong số các công trình thủy lợi kể trên có 9 hồ, 1 đập do Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Ngọc Lặc quản lý, khai thác, phục vụ nước tưới cho 920ha cây trồng. Chi nhánh đã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các hồ chứa và đập an toàn. 2 hồ Bai Ao (xã Đồng Thịnh) và Bai Ngọc (xã Quang Trung) đã được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng. Các hư hỏng nhỏ trên kênh dẫn nước hồ Trung Tọa, kênh Nam hồ Cống Khê, đập Minh Hòa,... đã được sửa chữa kịp thời. Chủ động tích trữ đủ lượng nước theo thiết kế trong 9 hồ, đập đơn vị quản lý; nạo vét 6 tuyến kênh cấp I góp phần dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng. Chi nhánh đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chống khô hạn đến từng công trình như quản lý nguồn nước hồ, đập gắn với tưới nước tiết kiệm; điều tiết nước tưới các hồ thủy lợi phân đợt khoa học, hợp lý; các tổ thủy nông phân công cán bộ, công nhân dẫn nước, ưu tiên nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới.

Bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện Ngọc Lặc mới được đầu tư một số công trình thủy lợi như tu sửa, nâng cấp hồ Ngọc Đó (xã Ngọc Sơn), hồ Bai Cô (xã Thúy Sơn), hồ Ngọc Mùn (xã Cao Ngọc), hồ Nam (xã Kiên Thọ), đập Bai Mốc (xã Thạch Lập), hệ thống kênh hồ Liên Thành (xã Phùng Minh), hồ Hón Sung (xã Mỹ Tân); tu sửa, nâng cấp đập Bai Tọc (thị trấn Ngọc Lặc), đập Kiên Trí (xã Kiên Thọ), đập Bai Trùng, đập Mó Mũ (xã Minh Sơn), đập Vó Khủ (xã Ngọc Trung), hồ Đồng Gia (xã Thúy Sơn),... đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung thi công cải tạo, nâng cấp một số công trình thủy lợi như hồ Bai Đu (xã Đồng Thịnh), đập Lau Thượng (xã Phùng Giáo), hồ Cây Dừa (xã Minh Tiến), hồ Nán (xã Nguyệt Ấn), hồ Rộc Đầm (xã Phùng Minh),...

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các xã trên địa bàn đã đầu tư kinh phí, công lao động, vật liệu tại chỗ để làm mới, tu sửa hàng chục công trình thủy lợi; xây kiên cố hàng chục km kênh mương nội đồng, kênh chính các hồ thủy lợi... Hàng năm, huyện, xã đã phát động toàn dân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước. Ngoài ra, các xã, thôn còn phát huy nội lực thi công các công trình nhỏ như: bai, đập nhỏ tạm thời dâng nước từ dòng chảy sông, suối để tưới hỗ trợ cho hơn 1.000ha cây trồng.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế của chúng tôi, các công trình còn lại do địa phương quản lý, hầu hết được xây dựng từ năm 1984 trở về trước, phần đầu mối được xây dựng, hệ thống kênh mương gần như chưa có, hiện nay nhiều công trình đã xuống cấp, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hạn chế. Hiện nay, lưu vực nhiều hồ chứa nước trên địa bàn không đủ nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng đảm nhận. Một số công trình hư hỏng nặng, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất như thiết kế. Nhiều công trình chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống kênh mương dẫn nước còn là mương đất như hồ Đồi Trang (xã Nguyệt Ấn), hồ Thanh Niên (xã Ngọc Liên), hồ Hón Sung (xã Mỹ Tân)... Dự báo, thời điểm cuối tháng 4 này, trời nắng nóng sẽ có hơn 300ha lúa vụ chiêm xuân khó khăn về nước tưới, khô hạn, tập trung ở các xã như Mỹ Tân, Cao Ngọc, Ngọc Sơn.

Để bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng, các tháng vừa qua, huyện Ngọc Lặc phát động Nhân dân góp công sức nạo vét thủy lợi nội đồng và mặt ruộng, khắc phục tạm thời các hệ thống công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng. Tìm nguồn nước còn đọng lại ở hồ, ao, khe suối, chỉ đạo các xã huy động máy bơm dầu và các phương tiện trong dân bơm, tát nước vào ruộng đồng. Các xã có hồ, đập đã chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương và xây dựng phương án chống hạn, điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng sinh trưởng, phát triển; xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện... ứng phó cụ thể với các sự cố hồ, đập xảy ra. Từ năm 2020 đến nay, huyện Ngọc Lặc đã rà soát, chủ động chuyển đổi được gần 110ha đất lúa không có nguồn nước hoặc có nguồn nước nhưng không chắc chắn sang trồng các loại cây chịu hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạn do khô hạn. Hiện tại, hơn 3.050 ha lúa vụ chiêm xuân năm 2024 của huyện Ngọc Lặc cơ bản đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngoc-lac-dau-tu-nang-cap-he-thong-ho-dap-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-211604.htm