Ngõ không 'cụt'

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến đã đẩy người bệnh ra khỏi bệnh viện, nơi cuối cùng họ có thể bấu víu để giành giật sự sống mỗi ngày. Một lần nữa, đại dịch lại bào mòn tinh thần và ý chí chiến đấu, bẻ gãy niềm hy vọng mà họ đang cố nhen lên.

Ngõ không “cụt”

Bài & ảnh: MINH TÂM - THANH TÙNG

Thứ Ba, 03-08-2021, 11:23

+ | Print

Bệnh nhân điều trị ung thư trong mùa Covid, hỗ trợ nhau cơm cháo qua ngày.

Bệnh nhân điều trị ung thư trong mùa Covid, hỗ trợ nhau cơm cháo qua ngày.

Mắc kẹt

Khi Bệnh viện K3, cơ sở Tân Triều (quận Hà Đông, Hà Nội) bị phong tỏa, dọc con đường 70 trở nên vắng lặng khác hẳn so thường ngày. Hàng quán đóng cửa, đường sá vắng bóng người. Bảng thông báo “Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân” dựng trước cửa ngăn cách BV với thế giới bên ngoài. Nhìn sang phía bên kia đường, con ngõ quen thuộc của những bệnh nhân ung thư cũng thực hiện giãn cách, im lìm, không người qua lại. Một dải phân cách chắn ngang đầu ngõ khiến mọi hoạt động bị hạn chế tuyệt đối. “Các gia đình tự cách ly. Các nhà trọ không được nhận thêm người trọ và cũng không cho người đang trọ về quê” là nội dung trên bảng thông báo. Dưới nắng hè oi bức, bầu không khí nơi đây tràn ngập căng thẳng xen lẫn lo âu.

Bên ngoài là vậy, bên trong sâu vào các ngõ ngách, các phòng trọ, những bệnh nhân ung thư mệt lả, oằn mình chịu đựng cơn đau hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Từ nhiều vùng quê xa xôi, họ kéo nhau lên bệnh viện chữa bệnh, thuê trọ quanh đây. Chẳng ngờ, lại bị mắc kẹt. Vào buổi sáng và chiều, nhóm từ thiện “Từ trái tim đến trái tim” phát lương thực, những dáng người khắc khổ lại xuất hiện ở đầu ngõ để tìm một sự trợ giúp cần thiết. Họ đeo khẩu trang, ngồi bệt xuống tại bất cứ đâu song vẫn giữ khoảng cách với nhau. Không ai nói với ai câu nào, ánh mắt mong ngóng dõi sang bên kia đường nơi cổng viện.

Đi nhận cơm từ thiện, ông Nông Xuân Thùy (quê Cao Bằng) mang theo chiếc can nhựa nhờ mua nước. Thực hiện nghiêm việc giãn cách, ông ở suốt trong nhà trọ, thiếu thốn đủ thứ, nhất là nước sạch. Nước ở đây nhiều kiềm nên chỉ dùng để tắm giặt. Dân ở đây có máy lọc kiềm để lấy nước ăn uống nhưng người bệnh thì lấy đâu ra máy lọc, phải đi mua nước lọc đóng chai. “Bà nhà tôi ung thư đã ở giai đoạn cuối, không được điều trị lại càng nặng thêm. Tôi sốt ruột lắm. Trời nóng như thế này, bà ấy mệt, khó thở, ho rũ rượi mà vẫn phải ở phòng trọ vài mét vuông. Không biết bà ấy còn chịu đựng được bao lâu nữa”, ông nói mà giọng lạc đi.

Ngay bên kia đường, các bác sĩ đang trong đó mà mấy trăm bệnh nhân bên này không thể vào được. Ở đây, ai cũng biết người bị ung thư điều trị dài ngày thì hệ miễn dịch suy giảm, Covid-19 có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào nên không dám ra ngoài, chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Chỉ có điều, phải truyền thuốc và xạ trị nhiều, cơ thể nóng và suy nhược, nhưng để kiếm được một nắm lá diếp cá giã nước uống giờ cũng thành xa xỉ.

Bệnh nhân giúp bệnh nhân

Từ các miền quê đổ về chữa bệnh, các bệnh nhân ung thư tự nhiên trở thành người thân của nhau. Người khỏe giúp người yếu. Như trường hợp bà Huê và chị Thái, hai người phụ nữ một già, một trẻ ở cùng nhà trọ nên có gì cũng san sẻ cho nhau. Bà Huê đã ngoài 70 tuổi, ở thị trấn Nam Sách, Hải Dương bị ung thư trực tràng. Chồng bà mất sớm cũng vì ung thư, các con đều ở xa nên bà một thân một mình lên đây khám bệnh. Từ cuối tháng 3, khi cơ thể bắt đầu hành hạ, bà mới chịu lên Bệnh viện K3 khám. Dự định chỉ là đi khám xem sao nhưng đi đi về về mấy lần, cuối cùng bà Huê ở luôn đến bây giờ.

Bác sĩ nói, đợt xạ trị có thể kéo dài, phụ thuộc vào sức chịu đựng của bà, sau đó mới phẫu thuật và điều trị tiếp. Bà Huê nghĩ đến hành trình dài dằng dặc ấy mà lòng đầy hoang mang. Thời thanh niên, bà đã từng tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ, cuối đời lại chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Mỗi chiến trường một khác nhưng độ khốc liệt thì đều như nhau. Số tiền mang theo đã gần hết, giờ bà chỉ sống bằng nguồn từ thiện. Người phụ nữ chân chất ít khi rời quê lên thành phố ấy chưa bao giờ ở trọ, tất cả với bà đều lạ lẫm.

Cũng may, bà gặp chị Thái quê ở An Lão, Hải Phòng lên đây điều trị K vú. Cùng hoàn cảnh bệnh tật, chị Thái trẻ hơn nên trở thành chỗ dựa cho bà Huê. Họ cùng thuê một giường trong dãy nhà trọ không điều hòa để giảm chi phí. Hà Nội đang trong những ngày nóng khủng khiếp, trong phòng trọ chật chột chỉ có cái quạt trần thổi phà phà chẳng đủ xua đi cái oi bức, ngột ngạt. Ban đêm, không khí cũng không dịu hơn là bao. Mấy ngày qua, bà Huê mệt hơn, chị Thái gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ, mua cho bà theo đơn thuốc cũ để dùng tạm. Hằng ngày, trông đợi các nhóm từ thiện, chị Thái lại nhanh nhảu đi xếp hàng, hôm thì cơm, hôm thì cháo mang đồ ăn về cho bà Huê.

Thường ngày người bệnh đã khổ sở vật lộn giành giật sự sống với tử thần, khi bị giãn cách, họ lại càng khổ hơn. Bởi bên cạnh nỗi lo bệnh tật còn là nỗi lo ăn uống, chi tiêu, những thứ thuộc về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Ai chả muốn ở phòng rộng rãi, nhưng để tiết kiệm chi phí đến hết mức có thể, họ thường ở ghép ba đến năm người trong một phòng trọ chật chội. Thời tiết nóng quá cũng chẳng ăn được, nhưng không ăn thì lấy đâu sức mà chữa bệnh. Một ngày kéo dài lê thê với những đau đớn và chờ đợi, họ chỉ còn biết thở than cùng nhau, khóc cùng nhau, rồi lại động viên nhau cùng gắng gượng mà vượt qua.

Phấp phỏng đợi chờ

Những tưởng may mắn kịp về quê trước khi đại dịch bùng phát, nhiều người lại lo lắng khi chưa biết bao giờ mới được quay lại điều trị. Cách Hà Nội hàng trăm km, anh Hoàng Xuân Mân (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) đang trong những ngày khổ sở vì bệnh tật. Cách đây ba năm, anh đi khám, phát hiện mình bị ung thư phổi. Tiếp sau đó là những lần đi viện triền miên, những chuyến xe khách Điện Biên - Hà Nội dù tốn kém và mệt mỏi vẫn đều đều diễn ra mỗi tháng.

Sau một thời gian, anh thấy người khỏe lại, tưởng cuộc sống hồi sinh. Nào ngờ, chẳng được bao lâu, bệnh tái phát và trở nặng, bác sĩ nói đã ở giai đoạn cuối, anh phải chuyển sang Bệnh viện K2 ở Tam Hiệp để điều trị tiếp. Truyền thuốc được ba lần, anh đã kịp về quê trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng lại không kịp gặp bác sĩ để hỏi han, xin chỉ dẫn, thành ra đứt liên lạc với bệnh viện. Ở Điện Biên, tình hình dịch cũng căng thẳng, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã cách ly xã hội nên có muốn cũng khó di chuyển đi đâu được. Nhớ hôm rời bệnh viện, bác sĩ hẹn anh tháng sau xuống truyền thuốc, đến nay đã quá lịch truyền nhưng đường đến viện còn xa lắm. Những cơn đau cứ cắn rứt đêm ngày, những cơn khó thở triền miên nhưng anh cắn răng chịu đựng, chỉ sợ mọi người trong gia đình lo lắng. Bởi anh biết, trong tình cảnh này chẳng thể làm điều gì khác được.

Ngày nào anh cũng xem có tin tức về Bệnh viện K3 để biết khi nào mình có thể xuống điều trị được. Lòng anh lúc đầu như lửa đốt nhưng dần lại chuyển sang chán nản, muốn buông xuôi. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh nói cố gắng cầm cự đến lúc này đã là tốt lắm rồi, cũng không hy vọng thêm được bao lâu nữa. Thốt ra những lời này, có lẽ anh đã suy nghĩ, dằn vặt, khổ đau rất nhiều trong hoàn cảnh hiện tại.

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khi vaccine chưa được triển khai rộng rãi thì ai cũng có thể là nguồn lây nhiễm bất cứ lúc nào. Đối với những người bệnh đang điều trị ở Bệnh viện K, hơn lúc nào hết là niềm mong mỏi dịch bệnh chóng qua, để những người như anh Mân có thể quay trở lại viện điều trị, kéo dài thêm quãng thời gian ở bên người thân. Bởi, cái quý nhất của con người vẫn là sự sống, dù cho ngắn ngủi đến đâu.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/ngo-khong-cut-658132/