Ngộ độc thực phẩm liên tiếp: Nỗi ám ảnh dai dẳng tại Đồng Nai và cả nước

Theo số liệu thống kế từ Bộ Y tế, tính chung trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 700 người bị ngộ độc (tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong.

Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt với tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Chỉ trong vòng hai tuần qua, hai vụ ngộ độc tập thể đã được ghi nhận tại Đồng Nai, khiến hàng trăm người nhập viện.

Bệnh nhi nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì tại TP. Long Khánh, Đồng Nai vẫn đang phải thở máy.

Bệnh nhi nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì tại TP. Long Khánh, Đồng Nai vẫn đang phải thở máy.

Vấn đề này không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc.

Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 1/5 tại một cửa hàng bánh mì ở thành phố Long Khánh, khiến hơn 500 người ngộ độc. Nguyên nhân ban đầu do sử dụng thịt nguội không đảm bảo vệ sinh, không được bảo quản đúng cách, dẫn đến vi khuẩn Salmonella và E.coli xâm nhập, gây ngộ độc.

Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 15/5 tại một công ty ở huyện Trảng Bom, khiến gần 100 công nhân nhập viện cấp cứu. Sở Y tế vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.

Hay trước đó, ngày 14/5, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận hơn 400 công nhân của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam nhập viện cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.

Cách đó không xa, ngày 8/5, 19 sinh viên trường Đại học Quốc gia TP. HCM cũng phải nhập viện sau khi ăn tại bếp ăn căng tin của ký túc xá…

Tháng trước đó, ngày 3/4, Sở Y tế Bình Dương đã ghi nhận 49 người trong Đoàn Lân sư rồng tại Lễ hội Ông Bổn (TP. Thuận An) đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao.

Vào tháng 3/2024, sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Nguyên nhân đã được công bố, do vi khuẩn gây ngộ độc là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus được tìm thấy trong cơm, gà xé, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi.

Gần 100 công nhân của Công ty Dechang, Đồng Nai phải nhập viện sau khi ăn mỳ quảng gà...

Gần 100 công nhân của Công ty Dechang, Đồng Nai phải nhập viện sau khi ăn mỳ quảng gà...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra như: Một số cơ sở thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu bẩn, không rõ nguồn gốc, bảo quản thực phẩm không đúng cách,... Việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thường xuyên, hiệu quả, dẫn đến nhiều kẽ hở cho các hành vi vi phạm; Một số người dân chưa chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn, mua thực phẩm tại những cơ sở không uy tín, bảo quản thực phẩm không đúng cách,...

Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và người có sức khỏe yếu. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch, dịch vụ ăn uống.

Trước số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố.... Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ; thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định...

Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nhức nhối cần được quan tâm giải quyết triệt để. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, mỗi người cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn và chế biến đúng cách. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Diệu Ly

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ngo-doc-thuc-pham-lien-tiep-noi-am-anh-dai-dang-tai-dong-nai-va-ca-nuoc-430849.html