Nghiện gì như nghiện 'like'

Chắc chúng ta khó có thể hình dung nổi lại có câu chuyện cô bé học lớp 8, để câu “like” trên Facebook, với cái mốc một ngàn, đã tuyên bố sẵn sàng đốt trường.

Ảnh minh họa.

Và cô đốt trường thật, bị bỏng, dù là bị ép buộc (theo như thông tin trên báo chí). Trước đó, cũng có chàng trai, tuổi đôi mươi, cao lớn khỏe mạnh, câu like, cái mốc bốn chục ngàn, để sẵn sàng đốt mình. Cậu ấy đốt mình thật, dù là đốt rồi nhảy tõm xuống kênh, nhưng cũng đủ kéo cả một đám đông hiếu kỳ mò ra tận nơi xem “thằng ấy nó có đốt thật không”.

Nghe đồn, còn có cả người sẵn sàng ăn phân của mình, nếu cũng đạt được cái mốc ngàn like ảo diệu ấy.

Toàn những chuyện nghe mà rợn người. Nhưng chắc chúng ta cũng đều nghĩ như nhau, theo một tư duy dập khuôn, rằng “đám đông hùa vào ấn “like cho chết” mới là đáng sợ”; rằng “những chuyện ấy âu cũng là cá biệt thôi, không thể là đại diện cho một hành vi chung của cả một giới trẻ, với nhiều người suy nghĩ tiến bộ”.

Đúng, chuyện ấy là cá biệt thôi, nhưng không hẳn là cả giới trẻ tiến bộ kia không có cái ám ảnh ngàn like kinh khủng ấy. Đã chơi mạng xã hội, ai cũng thích nhiều người đọc, nhiều người hưởng ứng, nhiều người theo dõi. Có những trí thức có tiếng tăm, trong những ngày đầu chơi mạng xã hội (từ thuở Yahoo 360), thậm chí còn đánh dấu “kỷ niệm” ngày mình đạt đến con số ngàn, con số chục ngàn, con số trăm ngàn rồi con số triệu. Cái danh vọng trên “băng thông rộng” kia kinh hoàng lắm. Chúng ta khó có thể nói mình có thể tránh khỏi nó, và khó có thể nói rằng mình không nằm trong đám cá biệt kể trên.

Đúng là chúng ta không điên, tất cả giới trẻ không điên để lên Facebook tự thách thức mình với cái kiểu “nói là làm” nhằm câu like ở con số ngàn. Nhưng cả giới trẻ, và cả chúng ta, đều luôn dằn vặt (vô thức thôi) về cái ảo ảnh ngàn like kia. Và nếu chúng ta nhìn vào những nội dung số đang phát tán rộng rãi trên Facebook, trên Youtube, chúng ta sẽ nhận rõ hơn bộ mặt của tham vọng ngàn like là như thế nào.

Quay lại chuyện cô bé đốt trường hay cậu thanh niên tự đốt mình, chúng ta dễ dàng nói rằng chúng ngu xuẩn, và giẻ rách đến mức tạo ra những thảm họa đời sống chỉ vì cái mốc ngàn like. Nhưng nếu chúng ta lục lại những nội dung số đang được xem nhiều nhất, ưa chuộng nhất suốt mấy năm qua, chúng ta mới hiểu ra rằng đa số chúng đều là thảm họa. Một ví dụ đơn giản, mà chính tôi là người trải qua và thử nghiệm, cũng đủ nói lên được điều đó. Những nội dung tôi post lên Youtube, vốn dĩ là những hình ảnh đẹp, ca khúc đẹp được những người bạn tử tế và đàng hoàng thể hiện, lượt người xem chưa tới dăm trăm, trong vòng mấy tháng trời. Ấy vậy mà chỉ 30 giây thôi, tự tôi quay lại cảnh mình pha cà phê bằng chiếc máy handpresso cơ học cầm tay, với hình ảnh ban đầu rất giống cảnh một người đàn ông đang tự làm chuyện ấy, nó đã cán đích tới ba chục ngàn lượt xem chỉ trong vài ngày. Người ta thích xem chuyện nhảm, người ta thích xem chuyện bậy, người ta thích xem những thứ quái gở, xấu xa và dị hợm hơn là những thứ đàng hoàng. Thế nên, trong giới kiến tạo nội dung số vẫn cứ đưa ra một công thức chung với nhau rằng, cái gì càng bẩn, càng “bựa” thì càng lắm người xem. Đấy, chính những người xem ưa bẩn bựa đã tạo ra những kẻ làm nội dung bẩn bựa. Người làm nội dung thích đông người hưởng ứng, bởi thế nên người làm nội dung phải đáp ứng đòi hỏi của đám đông hưởng ứng ấy. Ngàn like, ngàn lượt xem, chính là cả ngàn lượt bẩn bựa. Họ sẵn sàng cổ xúy cho những thứ không ra gì, và rồi họ quay lại nhiếc móc những thứ không ra gì kia đã làm băng hoại xã hội. Họ quên mất, chính xã hội được tạo ra bởi họ, những tâm hồn đã hoại tử từ lâu rồi.

Một cô bé đốt trường rồi bỏng chân, cô ấy tổn thương thân thể mình và phá hoại cơ sở vật chất của nhà trường mà thôi. Một thanh niên tự đốt mình rồi lao xuống kênh, cùng lắm cũng chỉ bỏng nhẹ, cháy cái áo, tấm quần và thân thì thấm đẫm mùi kênh thối mà thôi. Còn những người tạo ra những nội dung bẩn bựa thì sao? Họ đã tạo ra một trào lưu bẩn bựa tràn ngập đời sống, làm lây nhiễm suy nghĩ bẩn bựa vào trong đời sống và làm văn hóa xã hội xuống cấp tới mức suy đồi. Giữa những tác hại đó, cái nào kinh khủng hơn, cái nào đáng lên án hơn?

Nhưng điều còn kinh khủng hơn nữa chính là những nội dung ngàn like, ngàn lượt xem kia lại đang giúp họ làm ra tiền. Facebook nhiều ngàn like mỗi nội dung đăng tải là Facebook dễ thu hút quảng cáo, PR và truyền thông. Kênh Youtube nhiều ngàn lượt xem sẽ được Youtube trả tiền nếu bật chế độ kiếm tiền và chấp nhận quảng cáo. Thế nên người ta say mê chúng không chỉ vì người ta say mê cái danh hão mà còn hy vọng vào một cửa kiếm tiền an nhàn, không cần phải có một cái gọi là “nhất nghệ tinh”.

Thế mới thấy, chúng ta đang ở thời đại nào, và chúng ta có đủ tri thức để đối diện sự hiện đại của thế giới hay không, mà điển hình mới chỉ là mạng xã hội thôi, một thứ mà chúng ta cần phải làm chủ nó, nhưng ngạc nhiên thay, chúng ta lại đang bị nó làm chủ?

HÀ QUANG MINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nghien-gi-nhu-nghien-like-601310.bld