Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

(VOV) - Công việc cần được tiến hành dân chủ, chặt chẽ, khoa học, bảo đảm sự tham gia tích cực mọi tầng lớp trong xã hội.

Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Ngày 5/9 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo về những vấn đề lý luận và thực tiễn về Hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài. Ông Uông Chu Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội thảo. Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận để đánh giá toàn diện và đầy đủ các quan điểm, tư tưởng về lập hiến của một số học giả, nhà chính trị có tầm ảnh hưởng đến lịch sử lập hiến của thể giới và của Việt Nam. Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò và nội dung của Hiến pháp thể hiện trong các giai đoạn, thời kỳ khác nhau của Việt Nam; tạo diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn về mô hình, quy trình lập hiến của một số nước tiểu biểu trên thế giới. Kể từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến nay, nước ta đã ban hành mới 3 bản Hiến pháp là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự chuyển mình của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới, ở tầm cao mới. Phát biểu tại hội thảo, ông Uông Chu Lưu khẳng định: Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ nhất đã đề ra chủ trương khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới. Đây là công việc rất hệ trọng, cần được tiến hành dân chủ, chặt chẽ và khoa học, có cơ chế bảo đảm sự tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân các ngành, các cấp./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/nghien-cuu-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-1992/20119/185189.vov