Nghiên cứu phát triển giống cây có múi chất lượng cao tại huyện Bắc SơnTin khácKhơi dậy sức sáng tạo của đoàn viên công đoànThanh niên Lạng Sơn xung kích xây dựng nông thôn mới

Bắc Sơn là huyện có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây có múi, tiêu biểu như đặc sản quýt vàng nổi tiếng với sự thơm ngon riêng có. Để hỗ trợ người dân trên địa bàn trong phát triển kinh tế, nhóm thực hiện dự án Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã thử nghiệm và đề xuất đưa vào phát triển một số giống cây ăn quả có múi (cam, bưởi) phù hợp với điều kiện huyện Bắc Sơn.

Bắc Sơn là huyện có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây ăn quả có múi. Chính vì vậy, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển cây ăn quả có múi, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang sản xuất cây có múi chất lượng cao, bổ sung giống cam, bưởi mới vào cơ cấu giống cây ăn quả của huyện… là những giải pháp góp phần hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ tháng 8/2017 đến tháng 11/2020, nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm chủ nhiệm đã triển khai dự án “Phát triển một số giống cam, bưởi chất lượng cao tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.”

Nông dân xã Đồng Ý trồng giống cam V2 do dự án cung cấp

Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Tất Khương chủ nhiệm nhóm triển khai dự án cho biết: Chúng tôi đã tiến hành điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, đất đai và thực trạng sản xuất cây ăn quả có múi tại huyện Bắc Sơn; đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống cam, bưởi chất lượng cao trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp của 3 giống cam (V2, CS1, CT36) và 3 giống bưởi (da xanh, bưởi Diễn, bưởi Xuân Vân) với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Bắc Sơn.

Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 mô hình gồm: xây dựng vườn tập đoàn giống gốc quy mô 0,2 ha; thâm canh tổng hợp cam, bưởi, quy mô 2 ha (1 ha cam, 1 ha bưởi); trồng mới thâm canh cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, quy mô 4 ha; liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cây giống bưởi Diễn, bưởi da xanh, giống cam V2, CS1 tại vườn tập đoàn giống sinh trưởng tốt. Mô hình trồng mới thâm canh cam, bưởi tại các xã: Chiến Thắng, Đồng Ý, Nhất Tiến, Tân Hương sau 3 năm đã cho thu hoạch. Cụ thể giống cam V2 có năng suất hơn 28 kg quả/cây; giống CS1 đạt 15 kg quả/cây; giống bưởi da xanh cho năng suất trên 6 kg/cây, bưởi Diễn đạt 3,82 kg/cây. Các giống cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Với mô hình thâm canh tổng hợp cam, bưởi, nhóm thực hiện dự án đã hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật khoanh vỏ, cắt tỉa cành, bón bổ sung đỗ tương trong quá trình chăm sóc… Kết quả cho thấy chất lượng, mẫu mã đều vượt trội, lợi nhuận cao hơn vườn đối chứng từ 15 đến 32%.

Ông Vi Văn Can, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Gia đình tôi có 250 cây bưởi Diễn 12 năm tuổi. Từ trước đến nay, tôi chỉ chăm sóc theo kinh nghiệm chứ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ được tham gia dự án mà tôi được hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất, cắt tỉa cành lá, bón phân dưỡng quả, phòng trừ bệnh hại… Nhờ đó, năng suất, chất lượng quả được tăng lên, giá bán cũng cao hơn. Từ khi áp dụng kỹ thuật, hằng năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ vườn bưởi. Hiện tôi vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn.

Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Khi dự án kết thúc năm 2020, các hộ dân vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích, năng suất các mô hình trồng mới tiếp tục tăng theo từng năm. Giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2019, toàn huyện có 316 ha tổng diện tích cây cam, bưởi (cam 154 ha, bưởi 162 ha) thì đến năm 2022 toàn huyện có 366 ha (cam 168 ha, bưởi 198 ha); năng suất cây cam tăng từ 33 lên 36 tạ/ha, bưởi tăng từ 35 lên 38 tạ/ha.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thuộc dự án, nhóm thực hiện dự án đã phối hợp với Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ IRRD (Hà Nội) quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp các hộ dân giảm áp lực trong khâu tiêu thụ, giá thành sản phẩm ổn định từ 10.000 đến 20.000 đồng/quả bưởi, 15.000 đến 20.000 đồng/kg cam.

Những kết quả mà dự án mang lại là cơ sở quan trọng để người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn và các huyện trên địa bàn tỉnh nghiên cứu lựa chọn ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

THỤC QUYÊN

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/516609-nghien-cuu-phat-trien-giong-cay-co-mui-chat-luong-cao-tai-huyen-bac-son.html