Nghịch lý tại quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Dù Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, hàng trăm nhà hàng, bảo tàng, quán cà phê và nhiều cơ sở công cộng ở đây vẫn cấm trẻ em, gây khó khăn cho các ông bố bà mẹ.

 Một tấm biển cấm trẻ em tại một quán cà phê ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Một tấm biển cấm trẻ em tại một quán cà phê ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, song nhiều người cho rằng chính phủ nước này vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc con cái. Hàng trăm cơ sở công cộng trên khắp đất nước vẫn được chỉ định là “khu vực cấm trẻ em”.

Hôm 5/5, một nhà lập pháp Hàn Quốc đã đưa con mình đến Quốc hội và kêu gọi chính phủ loại bỏ chính sách cho phép các nhà hàng, bảo tàng, quán cà phê và nhiều cơ sở khác cấm trẻ em.

Trong bài phát biểu, bà Yong Hye In, nghị sĩ đảng Thu nhập Cơ bản, nhận định việc nuôi con ngày càng khó khăn hơn ở những thành phố cấm trẻ em đến một số khu vực nhất định.

Theo bà, việc bãi bỏ các khu vực cấm trẻ em và tạo ra một xã hội chấp nhận trẻ em hơn sẽ giúp đất nước giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp.

Lời kêu gọi bãi bỏ "khu vực cấm trẻ em"

“Cuộc sống khi có con không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tái tạo một xã hội mà chúng ta có thể cùng tồn tại với con cái của mình”, bà phát biểu khi bế con tại Quốc hội Hàn Quốc.

Năm ngoái, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh là 0,78, New York Times dẫn số liệu của chính phủ, thấp hơn mức sinh thay thế. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở nước này đang chọn không sinh con vì chi phí chăm sóc trẻ em và nhà ở leo thang, việc làm khan hiếm và nỗi lo về tương lai ngày càng tăng.

Trong nhiều năm, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng trị giá hàng trăm USD cho các gia đình có trẻ em nhưng không thể giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc vẫn giảm với tốc độ nhanh nhất thế giới, trong khi kế hoạch chi tiêu khoảng 212 tỷ USD suốt 15 năm qua gần như không có tác dụng trong việc ngăn chặn đà giảm ấy, theo Nikkei Asia.

New York Times cho biết có hàng trăm khu vực cấm trẻ em trên khắp Hàn Quốc. Chẳng hạn, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc cấm người dưới 16 tuổi nếu không có sự cho phép đặc biệt.

Gần đây, một số khu vực ở nước này cũng đã cố gắng cấm người cao niên, làm dấy lên cuộc tranh luận.

 Thư viện Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Thư viện Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Đây là lần thứ hai bà Yong xuất hiện tại Quốc hội Hàn Quốc cùng con mình. Vào mùa hè năm 2021, bà đưa cậu con trai khi đó mới vài tuần tuổi đến đây. Quốc hội Hàn Quốc cấm bất kỳ ai khác ngoài các nghị sĩ và nhân viên được ủy quyền đi vào. Đây cũng được coi là một khu vực cấm trẻ em.

Bà Yong cũng chỉ ra rằng Nhật Bản đã “nhanh chóng” có chính sách ưu tiên trẻ em và cha mẹ tham quan viện bảo tàng, phòng trưng bày và công viên công cộng.

“Để giải quyết vấn đề là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chúng ta phải cải cách một xã hội bài xích trẻ em và người già”, bà giải thích.

Bà đã đề xuất một dự luật cho phép trẻ em dưới 24 tháng tuổi được phép vào phòng chính của Quốc hội năm 2021. Dự luật này vẫn chưa được thông qua.

Cuộc tranh luận trong nhiều năm

Cuộc tranh luận về nơi nào nên và không nên cho phép trẻ em đã diễn ra trong nhiều năm và không chỉ ở Hàn Quốc. Nhiều du khách thường tức giận hỏi tại sao các hãng hàng không lại không ra mắt khu vực chỗ ngồi dành riêng cho những gia đình có con nhỏ.

Một số quốc gia, bao gồm Australia và Mỹ, cho phép trẻ em vào các tòa nhà chính phủ. Trẻ sơ sinh lần đầu tiên được phép vào Thượng viện Mỹ ở Washington sau khi Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth cần có mặt để phê chuẩn giám đốc mới của NASA vào năm 2018.

Vào thời điểm đó, bà Duckworth mới sinh con chưa đầy hai tuần trước cuộc bỏ phiếu cho vị trí này vào năm 2018.

Trong khi đó, Stella Creasy, một thành viên của Quốc hội Anh, đã hứng chỉ trích mạnh mẽ vào năm 2021 vì đưa con đến Hội trường Westminster ở London.

Quay trở lại với bà Yong, bà sinh năm 1990 tại thành phố Bucheon và trở thành nhà lập pháp vào năm 2020. Ngoài việc bãi bỏ các khu vực cấm trẻ em, bà cũng đang lên kế hoạch đề xuất luật cho phép trẻ em và gia đình của chúng tránh phải xếp hàng ở những khu vực như bảo tàng và công viên giải trí.

 Nghị sĩ Yong Hye In của đảng Thu nhập Cơ bản (Basic Income) phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 5/5. Ảnh: Facebook/Yong Hye In.

Nghị sĩ Yong Hye In của đảng Thu nhập Cơ bản (Basic Income) phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 5/5. Ảnh: Facebook/Yong Hye In.

Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, có gần 3,5 triệu trẻ em dưới 10 tuổi ở nước này và hơn 11.000 cơ sở công cộng được thiết kế dành cho trẻ em vui chơi.

Nhưng hầu hết người dân Hàn Quốc đều ủng hộ những "khu vực cấm trẻ em". Một cuộc khảo sát năm 2022 của công ty thăm dò ý kiến Hankook Research có trụ sở tại Seoul cho thấy 73% số người được hỏi ủng hộ các khu vực cấm trẻ em, trong khi chỉ 18% phản đối.

Những người ủng hộ chính sách này nhận định trẻ em có thể gây phiền nhiễu cho khách hàng. Lee Chan Hee, một sinh viên ở Seoul, thường hay lui tới những quán cà phê cấm trẻ em. “Tôi thường đến quán cà phê để học. Tôi không muốn bị quấy rầy bởi tiếng khóc của lũ trẻ”, anh nói.

Sự ủng hộ dành cho những khu vực cấm trẻ em còn là vì nhiều người muốn phòng ngừa tai nạn và thiệt hại tài sản, cũng như thương tích cho trẻ nhỏ. Bảo vệ quyền của các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Tuy nhiên, quan điểm ấy cũng đang dần thay đổi.

Vào tuần trước, một ủy ban an toàn sức khỏe và phúc lợi trên đảo Jeju đã cân nhắc thông qua dự luật bãi bỏ các khu vực cấm trẻ em trên hòn đảo.

Các nhà lập pháp trên đảo sẽ tổ chức họp vào cuối tháng này để quyết định có thông qua dự luật hay không. Nếu được thông qua, đây sẽ là quy định pháp lý đầu tiên ở Hàn Quốc ủng hộ việc bãi bỏ các "khu vực cấm trẻ em".

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-tai-quoc-gia-co-ty-le-sinh-thap-nhat-the-gioi-post1432012.html